(Thethaovanhoa.vn) - Đặc thù thi đấu của môn petanque (bi sắt) tại SEA Games 28 đang khiến thầy trò HLV ĐT petanque Việt Nam trở thành một trong những người vất vả nhất ở kỳ Đại hội năm nay, khi ngày nào họ phải thi đấu từ sáng sớm cho tới đêm khuya trong một quãng thời gian không thể nói là ngắn (từ 6/6 đến ngày 15/6).
Một ngày ở SEA Games 28 với ĐT petanque Việt Nam thường bắt đầu lúc 5h15 để 6h30 tất cả có thể lên xe rời khỏi khách sạn, và thường sau 22h thầy trò ĐT petanque Việt Nam mới được lên xe trở về khách sạn, mà 2 ngày liên tiếp gần đây ĐT petanque đều phải thi đấu rất muộn nên phải tới gần 0h mới về tới khách sạn.
1. Giải thích về lý do dẫn tới việc này, HLV trưởng Đặng Xuân Vui cho biết: “SEA Games 28 có nhiều nét khác trong công tác tổ chức so với các kỳ Đại hội trước. Trước đây môn petanque được tổ chức thi đấu theo kiểu cuốn chiếu, VĐV nào thi cứ thi, VĐV nào nghỉ cứ nghỉ, và mỗi VĐV thường chỉ tham dự một nội dung nên không quá mất sức. Bên cạnh đó, ở các kỳ SEA Games trước, thông thường đến 20h hoặc cùng lắm là 21h thì các nội dung thi đấu trong ngày đều đã kết thúc nên VĐV có nhiều thời gian hơn để ngủ hồi phục”.
Ông Vui nói tiếp: “SEA Games 28 ở Singapore thì rất khác biệt. Chẳng những thời gian thi đấu được đẩy lên sớm hơn, từ 8h thay vì 9h như SEA Games 27 ở Myanmar, mà việc BTC bố trí quãng nghỉ chưa thực sự hợp lý giữa các nội dung thi cũng như các phần thi đã khiến thầy trò chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi.
Ở SEA Games này BTC không hạn chế số lượng nội dung mà một VĐV đăng ký thi đấu nên có VĐV phải tham dự tới 3 nội dung, vì ĐT petanque Việt Nam chỉ mang sang SEA Games 8 VĐV (4 nam 4 nữ) mà môn này có tới 10 nội dung thi đấu nên phải san sẻ lực lượng”.
Liên tục thi đấu từ sáng sớm cho tới đêm khuya nên các VĐV petanque hầu như không thể trở về khách sạn dùng bữa và nghỉ ngơi mà tất cả đều phải ở lại địa điểm thi đấu. Tất nhiên BTC đã phục vụ ăn uống rất chu đáo cho các VĐV tại điểm thi đấu, nhưng không thể so sánh giữa việc ăn uống ở nhà ăn có điều hoà không khí mát lạnh với việc phải ăn tại điểm thi đấu với bát đũa dùng một lần.
Quan trọng hơn, các VĐV hầu như không có chỗ nghỉ trưa mà phải tranh thủ ngả lưng ngay tại nơi tập luyện hoặc thi đấu. Chẳng riêng gì ĐT petanque Việt Nam mà các ĐT khác trong khu vực Đông Nam Á cũng gặp phải cảnh tương tự (Timor Leste là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không đăng ký thi đấu môn petanque), nên khi có cơ hội giao lưu nói chuyện thì tất cả đều kêu trời vì mệt mỏi.
Thầy trò HLV ĐT petanque Việt Nam trở thành một trong những người vất vả nhất ở kỳ Đại hội năm nay. Ảnh Quốc Khánh.
2. Mấy ngày gần đây Singapore liên tiếp có mưa nên thời tiết rất ôn hoà dễ chịu, còn trong mấy ngày đầu tiên của môn petanque, việc phải thi đấu dưới nhà bạt trong điều kiện trời nắng hầm hập thực sự là thử thách rất lớn cho các HLV và VĐV môn này.
Do đặc thù của môn petanque không quá hấp dẫn và cách thức thi đấu cũng không thực sự chiều lòng khán giả nên dù petanque được tổ chức ngay cạnh vịnh Marina nổi tiếng của Singapore song cũng chẳng có mấy người vào xem môn này. Trong những lần ghé qua nơi thi đấu của petanque ở The Padang, chúng tôi hầu như chỉ thấy sự xuất hiện của một số khách mời và ngoài ra là đông đảo HLV, VĐV, lãnh đội cùng các tình nguyện viên trên khán đài chứ chẳng mấy khi gặp CĐV nào của nước chủ nhà, dù đây là môn thể thao hiếm hoi ở SEA Games 28 được miễn phí vé vào cửa hoàn toàn.
Phải thi đấu trong điều kiện lặng lẽ như vậy nhưng ĐT petanque Việt Nam còn nhận được sự an ủi là lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam và lãnh đạo bộ môn thường xuyên ghé thăm để động viên, khen ngợi và trao thưởng cho những VĐV đoạt thành tích cao, nên thầy trò HLV Đặng Xuân Vui vì thế cũng có thêm động lực thi đấu.
Ngày 6/6 vừa qua, VĐV Nguyễn Thị Thi đã giành được HCV đầu tiên cho ĐT petanque Việt Nam và ĐT petanque Việt Nam vẫn còn hy vọng bổ sung thêm vào bộ sưu tập HCV trong những ngày thi đấu còn lại ở SEA Games 28.
Hoàng Huy (từ Singapore)
Thể thao & Văn hóa
Tags