Huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) ôm trọn vịnh Bái Tử Long, một quần thể biển đảo mà vẻ kỳ thú, giá trị địa chất, tính đa dạng sinh học có những yếu tố tương đồng với vịnh Hạ Long. Nhiều đảo có dạng cấu tạo đá vôi, thường chỉ cao 200 đến 300m so với mặt biển và có nhiều hang động. Nằm cạnh vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên thế giới nhưng du lịch Vân Đồn mới được du khách biết đến vài năm gần đây. Ông Hà Quang Long, phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã ví du lịch Vân Đồn như “một nàng công chúa còn ngủ quên”.
Đến với Vân Đồn vào dịp hè, du khách được thả hồn vào khung cảnh thơ mộng của biển, của núi rừng với màu xanh hiền hòa trải khắp trên khoảng 600 hòn đảo trong vịnh Bái Tử Long. Du khách muốn được nghỉ dưỡng và tắm biển sẽ ưa thích những bãi tắm đẹp trên các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng… Đảo Quan Lạn đang trở thành điểm đến của du lịch nghỉ dưỡng với những bãi cát “thủy tinh” trải rộng. Sáng sớm, khi những tia nắng bình minh rọi xuống và những nền cát “thủy tinh” tạo nên một màu sắc kỳ ảo, êm đềm khiến nhiều người có cảm giác riêng thú vị.
Cảm nhận của chúng tôi khi đến Vân Đồn vẻ đẹp còn hoang sơ, rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái. Đi du ngoạn trên thuyền giữa biển nước trong xanh là những hòn đảo, dãy núi liên hoàn với màu xanh của hệ động thực vật phong phú. Anh Trịnh Quốc Đoàn, phó Chánh văn phòng UBND huyện Vân Đồn chỉ dẫn cho chúng tôi biết những hệ thống hang động kỳ ảo, chạy dài trong những dãy núi giữa biển. Đây là điều kiện để phát triển du lịch mạo hiểm, ưa khám phá. Những hang động này đang được nghiên cứu và sẽ sớm đưa vào để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Vân Đồn.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: du lịch nơi đây mới phát triển vài năm gần đây và để duy trì bền vững, chúng tôi ưu tiên hàng đầu công tác bảo vệ môi trường. Nơi đây có Vườn quốc Gia Bái Tử Long và chúng tôi đang thí điểm mô hình “cho thuê môi trường để phát triển du lịch”. Các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn đều có cam kết bảo vệ môi trường. Ngay như phát triển thủy sản, chúng tôi chỉ tập trung nuôi các loài nhuyễn thể như khai thác chế biến sứa, sá sùng; nuôi tu hài, hàu biển, bào ngư, ngọc trai…. Đồng thời huyện chủ trương hạn chế thấp nhất việc nuôi cá lồng bè trên khu vực biển Vân Đồn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Nàng công chúa đang bừng tỉnh”
Anh Đình Anh, giám đốc khu resort Minh Châu tâm sự: anh và những người bạn khi lãng du ra đảo Quan Lạn cách đây gần mười năm và như bị “hớp hồn” bởi vẻ đẹp hoang sơ trên đảo. Chính vì vậy, anh đã mua đất và xây dựng khu resort hiện đại nhất trên khu bãi biển Minh Châu. Vào các dịp cuối tuần, lượng khách tăng đột biến, công suất phòng nghỉ không đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Những dịp hè này, du khách muốn có phòng nghỉ phải đăng ký trước hàng tuần. Riêng bãi biển Minh Châu, chúng tôi đang hợp tác với Vườn quốc gia Bái Tử Long để thuê môi trường làm du lịch. Môi trường trong sạch và vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát tắm trắng muốt như thủy tinh sẽ là thế mạnh hấp dẫn khách về lâu dài của chúng tôi. Du khách đến đây có thể thong dong du ngoạn trên những đụn cát thủy tinh mà chỉ có miền Bắc này mới có bởi đây chính là nguồn nguyên liệu để sản xuất thủy tinh mà biển đã ban tặng cho vùng đất này.
Ông Nguyễn Trọng Minh cũng khẳng định: chúng tôi đang nỗ lực tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của Vân Đồn. Đó là du lịch gắn liền với cảnh quan môi trường, và quan tậm đặc biệt là du lịch sinh thái. Các đảo trên địa bàn được bảo phủ bởi hệ thống rừng nguyên sinh và đa dạng về sinh học nên được bảo tồn nghiêm ngặt. Tại Vân Đồn cũng sẽ không cho phép khai thác khoáng sản, quặng dù nơi đây rất có tiềm năng và huyện sẽ tập trung phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao…
Để du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng, Vân Đồn đang rất cần nâng cấp và mở rộng các đường xuyên đảo, bến cảng, xây dựng cảng du lịch. Điện lưới chưa ra đến 5 xã đảo nên sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn. Các đảo cũng cần hệ thống cấp nước bởi các hồ đập lớn chủ yếu cấp nước phục vụ sinh hoạt của dân cư, các dự án du lịch chưa đầu tư nên chỉ đáp ứng ở mức độ nhất định. Nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển đảo nói chung và du lịch nói riêng còn thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đó là những khó khăn mà một huyện đảo đang hy vọng cùng với những nhà đầu tư cải thiện trong thời gian tới, khi mà Khu Kinh tế biển Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Rời huyện đảo Vân Đồn trong sự vấn vương về một vùng đất có lịch sử hào hùng, một nơi thiên nhiên kỳ vĩ đang được nhiều du khách để ý đến, chúng tôi cũng như nhiều người cảm nhận được phần nào ở nơi đây về một điểm đến lý tưởng trong tương lai đang vẫy gọi.
Xuân Cường