Con đường ma quái và các nàng tiên cá ở đảo Jeju

Thứ Ba, 09/03/2010 15:32 GMT+7

Google News
(TT&VH Cuối tuần) - Không phải thủ đô như Seoul, cũng không phải “Sài Gòn của xứ Hàn” như Pusan, chỉ được xem là “tỉnh lẻ”, nhưng Jeju luôn nằm trong sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch khi tới Hàn Quốc. Tất nhiên, ban đầu là nhờ vào ấn tượng phim Hàn vì Jeju chính là bối cảnh quay của nhiều bộ phim truyền hình ăn khách. Nhưng bước ra khỏi màn ảnh, Jeju thực sự hấp dẫn với nhiều điều chỉ có ở nơi đây.

Tỉnh lẻ nhưng Jeju cũng có tới hai thành phố: Jeju City ở phía Bắc và Seogwipo City ở phía Nam. Một điểm đáng chú ý, bạn hoàn toàn có thể bay đến thẳng Jeju từ bất kỳ đất nước nào mà không cần visa nhập cảnh vào Hàn Quốc, bởi đây là khu tự trị.

Hòn đảo lớn nhất thuộc Hàn Quốc (rộng 1.845 km2) này được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa, vì thế mà cảnh quan trải khắp Jeju là đá đen. Đâu đâu cũng thấy đá đen nên những vườn quýt trĩu quả vàng ươm có nền để nổi bật. Chính các mỏm đá có hình thù đặc biệt và miệng núi lửa của đảo là nơi thu hút khách du lịch. Và nền địa chất này đã tạo cho Jeju một sự “bí hiểm” với “con đường ma quái” được phát hiện cách đây không lâu bởi một người tài xế taxi. Ma quái vì là một con dốc nhưng khi đi ngược dốc, dù xe tải, xe khách lớn hay taxi, xe đạp cũng tự leo lên được, không cần sức người, sức máy. Cũng có người giải thích đây chỉ là hiện tượng mang tính ảo giác. Nhưng dù là lý do gì thì người dân ở đây cũng thu bộn tiền từ việc bán vé đậu xe và bán các món ăn nhẹ dân dã như bắp nướng, bánh bao, khô mực… bởi bất cứ đoàn khách du lịch nào đến Jeju cũng ghé đến đây.

Đường phố ở Jeju hầu hết là dốc thoai thoải và nhỏ chỉ đủ để 2 chiếc xe hơi tránh nhau. Chúng tôi đi dạo khuya trên những con phố vắng người. Đêm đông, nhưng Jeju với khí hậu biển đảo nên ấm áp hơn Seoul rất nhiều. Lúc này hàng quán đã đóng cửa hết dù đèn vẫn sáng trưng, xe hơi đậu san sát cạnh vỉa hè không theo một chiều nhất định và thậm chí đậu ngay ở ngã tư. Ở một con đường lớn, những cửa hiệu thời trang vẫn mở, tiệm làm tóc vẫn còn khách nhưng người đi lại đã không còn bao nhiêu. Một tiệm tạp hóa vẫn còn mở cửa và tôi quyết định ghé vào để mua một cây kem. Ông bán hàng ngoài 60 tuổi hỏi tôi từ đâu tới, rồi ông à lên một tiếng và ra hiệu rằng trước đây ông từng tham chiến tại Việt Nam và kết luận đầy thân thiện: “Now, we are friends!” (Bây giờ chúng ta là bạn!).


Hàng dài xe du lịch thử cảm giác lạ trên con đường ma quái
Sáng hôm sau, trên đường đi đến làng dân tộc Seongeup, chúng tôi đã “gặp” tuyết. Tuyết rơi từ đêm qua và dù trời nắng, tuyết vẫn chưa tan và còn trắng xóa hai bên đường. Jenny - người hướng dẫn viên nắm được tâm lý của khách du lịch từ miền nhiệt đới đã xin người tài xế dừng xe 5 phút bên vệ đường, nơi có một vũng tuyết lớn, để chúng tôi được ngắm nghía, sờ nắn và chụp ảnh với tuyết. Seongeup từng là thủ phủ của bộ tộc Cheongeui - Hyeon giai đoạn từ 1410- 1914, đây cũng là bối cảnh chính của bộ phim cổ trang đã làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ khắp châu Á: Dea Chang Geum. Trên đường tới đây, Jenny đã giới thiệu sơ qua với chúng tôi về nơi này và còn đặc biệt lưu ý rằng, phụ nữ trên đảo Jeju nói chung và ở Seongeup nói riêng rất… mê trai. Do dân đi đảo lành ít dữ nhiều, vì thế mà một người đàn ông có thể “phụ trách” 3-4 bà vợ là chuyện thường, và chuyện phụ nữ đảo Jeju ưu ái đàn ông hơn cũng là lẽ tự nhiên, du khách là phái yếu không nên ghen tị.

Đón chúng tôi là một phụ nữ trung tuổi thấp bé nhưng cực kỳ vui tính. Cô này đã thể hiện đúng “tinh thần” mà Jenny vừa “quán triệt” khi chọn ngay một người đàn ông trung niên phong độ nhất đoàn chúng tôi, tách ông ra khỏi vợ con mình, khoác tay ông để mở đầu câu chuyện và chăm sóc ông suốt quá trình giới thiệu về nơi này. Cô cũng tự hào vì đã được tham gia bộ phim Dea Chang Geum dù chỉ với vai trò diễn viên quần chúng và không ngần ngại khoe rằng: “Tôi mất một ngày quay để xuất hiện trên phim được… 2 giây!”. Trên cổ cô đeo chiếc thẻ có hình cô trong phim, bên cạnh cô đào đắt giá nhất Hàn Quốc Lee Young Ea. Cô còn lấy tay đập vào miệng vại nước sành cho nó phát ra âm thanh như tiếng đàn và hát bài hát chính trong bộ phim nói trên.


Cô hướng dẫn viên vui tính ở làng Seongeup và ông khách “may mắn”
Seongeup là một bảo tàng sống về nhà cửa và cuộc sống của người dân Jeju thời kỳ trước, ở đây vẫn còn nguyên xi những nếp nhà lợp rơm, vại nước mưa được hứng từ trên cây bằng những bện rơm vàng óng, chiếc cầu tiêu đặc thù với con heo đen luẩn quẩn bên chiếc chuồng rộng phía dưới bảo vệ con người khỏi việc bị rắn tấn công (vì với người Jeju, rắn là vật thiêng nên họ không giết rắn), những lu nước địu trên lưng và cả chiếc nôi của trẻ con, được “thiết kế” rất tiện dụng cho mẹ chúng có thể vừa ru chúng ngủ vừa làm thêm được những công việc khác… Phần tham quan của chúng tôi ở đây chỉ bằng một nửa thời gian mà cô hướng dẫn thấp bé này giới thiệu về linh chi, mật ong mà cô bán. Rất nhiều người đã mua, cho dù giá của chúng đắt gấp đôi so với mua tại siêu thị ở Seoul (tất nhiên là chỉ sau khi về lại Seoul chúng tôi mới biết điều đó)!

Điểm tham quan tiếp theo là đỉnh Seongsan nằm ở phía Đông Bắc cuối đảo, vốn là miệng núi lửa đã phun trào lần cuối cùng cách đây 100.000 năm. Đường lên đỉnh núi rất đẹp với những thảm cỏ trải rộng ngay sát bờ biển. Nhưng vốn không thích độ cao lắm nên tôi chọn con đường rẽ xuống biển, tôi muốn thăm những người phụ nữ lặn biển (diving woman) - các nàng tiên cá của Jeju...


Hai “nàng tiên cá” đang bày hải sâm bán cho khách
Đi hết một cầu thang dài nối từ trảng cỏ lưng chừng núi xuống sát bờ biển, các “nàng tiên cá” hiện ra trước mắt tôi trong một bối cảnh không mấy… thơ. Ba người phụ nữ tuổi ngoài 70, thấp và béo, làn da ngăm ngăm và nhăn nheo, chân đi ủng nhựa cao đến đầu gối đang ngồi gần như tệt xuống đất thái bào ngư, bạch tuộc trên cái thớt gỗ cũ kỹ đặt giữa hai chân. Bên cạnh các bà là một bể nước to, nước được múc bằng gáo và thoát bằng những cái rãnh lộ thiên, quang cảnh chẳng khác mấy nông thôn Việt Nam. Đằng sau họ là dãy bàn nhỏ dành cho khách thưởng thức đặc sản. Giá một đĩa hải sâm 3 con nhỏ nặng khoảng một lạng là 10.000 won (khoảng 180.000 VND), giá một kg hải sâm ở đây là 100 USD. Hải sâm ăn sống còn bạch tuộc thì được luộc lên, chấm nước tương pha mù tạt, ăn kèm với rong biển muối và uống rượu Sochu thì nhất. Cái nhất được nhấn mạnh hơn khi bạn ăn chúng và tưởng tượng rằng, những nàng tiên cá kia tuổi đã già, sức đã cạn mà chỉ với bộ quần áo cao su đã lặn sâu xuống biển trong tiết trời lạnh giá để mang chúng về đây. Các nàng tiên cá bán hàng rất đắt nhưng chẳng biểu lộ tí cảm xúc nào với khách hàng, chỉ ra hiệu số tiền bằng cách đưa những ngón tay và gật hay lắc đầu, vẫn quét sân, dội nước bắn tung tóe dù khách đang đứng mua hoặc chụp hình… Có lẽ họ là những người phụ nữ lặn biển cuối cùng của Jeju, bởi phụ nữ trẻ ngày nay không ai mưu sinh bằng cái nghề nguy hiểm này nữa. Chẳng biết là nên buồn hay nên vui.


Tháp chuông một ngôi chùa cổ ở Jeju
Ấn tượng về những người phụ nữ lặn biển đã theo tôi suốt thời gian còn lại ở Jeju, dù tôi cũng đến một số điểm tham quan khác, trong đó có cả bảo tàng về “Kamasutra” có tên là Eros nằm ngay trong sân vận động từng là nơi diễn ra một phần của World cup 2002. Bảo tàng là điểm “khuyến mãi” có mất tiền (7.000 won/vé vào cửa) cho du khách khi đến SVĐ này, nhưng xem ra nó còn có sức hút và mang lại nhiều lợi nhuận cho nơi đây hơn điểm tham quan chính, bởi hầu hết mọi người trong đoàn tôi đều mua vé vào, có những đôi vợ chồng đi cùng con nhỏ đã sẵn sàng “gửi” con cho cô bán hàng bánh kẹo, kem, sữa chua cạnh đó để vào coi cái bảo tàng “trứ danh” và rất hiếm hoi trên thế giới này.

Bài & ảnh: Vân Anh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›