(Thethaovanhoa.vn) - “Vẻ đẹp ở Hà Nội từng có và từng mất nhưng người cầm bút phải nhắc lại và làm sống dậy những giá trị, phẩm chất ấy” - nhà văn Đỗ Phấn nói trong một cuộc tọa đàm về sách của ông ở Hội Sách Hà Nội.
Như Thethaovanhoa.vn đã thông tin, Dằng dặc triền sông mưa vừa giành giải Văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội 2014. Đây là một trong những “bức vẽ” của Đỗ Phấn (một họa sĩ) để làm sống lại vẻ đẹp ấy. Cuốn sách khá buồn, và đầm đìa ký ức.
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nói về văn chương Đỗ Phấn: “Khi người Hà Nội viết về Hà Nội, trong đó có ký ức và chính ký ức mới ăn tiền”.
Đừng tiếc nuối những ngói nâu, tường cũ
Nhà văn Đỗ Phấn đã viết 13 cuốn sách chủ yếu về Hà Nội, trong đó có cả tiểu thuyết và tản văn, gồm: Dằng dặc triền sông mưa, Hà Nội thì không có tuyết, Gần như là sống, Chảy qua bóng tối, Rừng người, Ông ngoại hay cười... Ông vẫn nói, dù có xuất bản bao nhiêu đầu sách thì cả sự nghiệp cầm bút của ông vẫn chỉ là một cuốn sách duy nhất viết về Hà Nội.
Với Đỗ Phấn, đọc văn ông cũng là đọc con người ông. Ít có tác giả nào mà chất tự truyện thấm đẫm trong cả sự nghiệp sáng tác chứ không chỉ một tác phẩm. Kể cả khi ông viết về một thành phố mà không nhắc đến tên, người ta vẫn nhận ra đó là Hà Nội, như thể với ông chỉ có một thành phố là Hà Nội.
Mặc dù, Đỗ Phấn rõ ràng không ngồi một chỗ. Ông đi rất nhiều cả trong nước lẫn nước ngoài. Nhưng Hà Nội vẫn cứ ở yên đó, đậm nét, trong tâm tưởng ông.
“Những thay đổi của Hà Nội trong mấy chục năm qua dù đáng tiếc nhưng là tất yếu với một đô thị hiện đại. Chúng ta không cần phải quá tiếc nuối những ngói nâu, tường cũ. Đó chỉ là những thể thức kiến trúc tùy hứng, về mặt kiến trúc không có giá trị gì ghê gớm. Còn về công năng thì quá là phiền phức, những ngõ nhỏ sâu hun hút ở phố cổ khiến cuộc sống người dân rất khốn khổ”.
“Nhiều ngói nâu, tường cũ đâu còn tồn tại nhiều ở dạng vật chất, vậy chúng ta có nhiều cách để lưu giữ, chẳng hạn lưu giữ trong nghệ thuật như tranh của Bùi Xuân Phái và cũng có thể là trong những cuốn sách”.
Đâu có ai là “Hà Nội gốc” thực sự
Có quá nhiều thay đổi ở Hà Nội ngày nay với Hà Nội thời Đỗ Phấn còn nhỏ, ở độ tuổi của cậu bé An - nhân vật chính trong Dằng dặc triền sông mưa. Với một vài người, thay đổi đó có thể khiến họ vui thích. Thay vì đi một chuyến đò qua sông Hồng, bây giờ ta có đến 4, 5 cây cầu tốc độ cao, trọng tải lớn.
Nhưng với những người Hà Nội “cũ” hơn một chút (từ của Đỗ Phấn, họ nhớ bờ bãi sông Hồng, nhớ cầu Long Biên cũ kỹ thân thương như “đồ chơi trong nhà mình”.
Xét cho cùng, hoài cổ đâu có tội tình gì. Có một nhóm đông đảo người như Đỗ Phấn, mở miệng nói về Hà Nội là “ngày trước thế này, ngày trước thế kia”, chuyện những năm 60, 70 khi con người lành tính, thực thà, tình cảm. Những đứa trẻ đi xe đạp biết vòng xe qua cầu đi xuống bãi sông Hồng để không vi phạm luật giao thông.
Nhưng nói vậy không có nghĩa Đỗ Phấn thuộc nhóm người đề cao “người Hà Nội gốc” hơn tất thảy và xem thường người nhập cư. Trái lại, với ông thì “Tôi không phân biệt người Hà Nội cũ hay người Hà Nội mới. Tôi không nghĩ có ai là người Hà Nội gốc thực sự, vì tất cả chúng ta đều từ đâu đó đến”.
Nếu nghĩ vậy, tất cả đều bình đẳng trước Hà Nội, có quyền quyết định có yêu Hà Nội hay không và yêu chừng nào. Những người như Đỗ Phấn yêu Hà Nội sâu nặng hơn rất nhiều người khác, đơn giản vì họ có những ký ức “ăn tiền”.
“Sau này, nếu lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận Đỗ Phấn thì tôi không nghĩ là ở giá trị văn xuôi, mà là ghi nhận một con người kể chuyện về Hà Nội khi sống và chứng kiến thành phố qua rất nhiều thay đổi” - nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét về văn chương Đỗ Phấn. Danh sách giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2014: Giải Văn xuôi: Dằng dặc triền sông mưa - Đỗ Phấn Giải Thơ: Mỗi ngày sau một ngày - Trần Nhật Lam Giải Dịch thuật: Hy vọng của K. Michalak (Ba Lan) - Lê Bá Thự dịch Hai giải Trẻ: Không gian văn học đương đại - Đoàn Ánh Dương (phê bình) Những đứa con của nửa đêm (Salman Rushdie), Nham Hoa dịch Thành tựu trọn đời: Giáo sư Trương Tửu |
Thể thao & Văn hóa
Tags