(Thethaovanhoa.vn) - Không ít người cho rằng,so với các thế hệ tiền bối, những bạn trẻ sinh trong khoảng 1990 đến 2000 đến với nghệ thuật chỉ bởi giấc mơ hào quang và danh vọng. Nhưng thực tế thì khác, không thiếu người trong số họ đã phải âm thầm mư sinh để giữ được tình yêu thuần khiết với nghề.
Nguyễn Long là một trường hợp như thế. Làm việc tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh, kiêm nhiệm nhiều việc phía hậu trường để hằng tuần được xuất hiện trong những vai phụ, anh vẫn đang hạnh phúc với sự vô danh và giản dị của mình.
Đến với nghệ thuật bằng sự hồn nhiên
Trong thời đại mà vẻ đẹp ngoại hình đang được giới showbiz chú trọng, thì những chàng trai, cô gái kém về nhan sắc sẽ ít có cơ hội tỏa sáng.
Nguyễn Long thuộc thế hệ 9X, vốn không có thế mạnh về sắc vóc, nên phần nào khó có cơ hội gắn bó với nghề diễn theo tiêu chuẩn của khán giả bây giờ. Nhưng anh yêu nghệ thuật, dù biết mình thất thế từ chiều cao, sự cân đối hình thể, đến gương mặt. Và niềm đam mê ấy thúc đẩy anh theo học ngành nghệ thuật và... mặc việc mình khó có cơ hội để trở thành diễn viên.
“Ông ngoại tôi là một nghệ nhân đờn ca tài tử. Tôi lớn lên với tiếng đờn của ông, nghe miết rồi có thể hát và sáng tác được các bài vọng cổ” - anh kể - “Vì thế, tôi thi vào cao đẳng văn hóa nghệ thuật với suy nghĩ đơn giản: Làm điều mình thích, còn tương lai thế nào thì để số phận quyết định”.
Tốt nghiệp xong, Long làm diễn viên múa rối. Được một thời gian thì về diễn tại sân khấu 5B Võ Văn Tần. Ít lâu sau, nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như - 2 người thầy của Long tại trường nghệ thuật - thành lập Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Họ cần một lực lượng diễn viên trẻ đam mê, có nghề và thích làm kịch một cách nghiêm túc. Long lập tức đầu quân. Thời gian đầu, trong nhóm diễn viên phụ còn non nớt ấy, Nguyễn Long tạo sự chú ý bởi cách nhấn nhá đài từ rất giống thầy Thành Hội, nhất là ở các vai phản diện và vai lão.
Tướng tá thấp đậm, thân thủ mạnh mẽ và gương mặt gai góc, Long diễn ấn tượng vai Sẹo, đàn em tướng cướp Tư Chớp trong vở Bàn tay của trời. Rồi, với cách giả giọng già điêu luyện, Long cũng hóa thân rất nhuyễn vào vai ông Mười trong vở Bông hồng cài áo. Nhưng rồi mọi thứ chỉ dừng lại đó. Suốt 10 năm, anh chỉ quanh quẩn được biết tới trong nhóm khán giả yêu thích Hoàng Thái Thanh.
Thỉnh thoảng, Long xuất hiện trong vài vở kịch truyền hình. Rồi có đêm, khán giả thấy Long ngồi ở vị trí điều chỉnh âm thanh và ánh sáng. Anh bộc bạch rằng sân khấu Hoàng Thái Thanh còn nhiều khó khăn, mình có khiếu kỹ thuật nên mày mò tìm hiểu, rồi tình nguyện nhận việc và dần kiêm phụ trách kỹ thuật ở sân khấu này.
Anh chàng đa năng
Vốn là một diễn viên, Long hiểu rõ thông điệp và tiết tấu mỗi vở kịch. Bởi thế, khi phụ trách phần kỹ thuật, anh biết cách “chơi” âm thanh và ánh sáng một cách điệu nghệ để tạo nên cảm xúc mạnh và sâu sắc cho vở diễn. Chưa hết, anh còn vận dụng óc sáng tạo để cải tiến nhiều đạo cụ nhằm giúp sân khấu tiết kiệm một số tiền kha khá.
Oái ăm thay, khi phải đảm nhiệm một nhiệm vụ quá quan trọng như thế, Long dần trở thành người không thể thay thế trong mảng kỹ thuật. Và, dù trình độ diễn xuất ngày càng chín muồi, các vai diễn của anh ngày càng ít đi. Biết Long thiệt thòi, kịch Hoàng Thái Thanh nhiều lần gửi người đi học về mảng âm thanh và ánh sáng. Nhưng vẫn chưa ai mặn mà, để Long phải tiếp tục công việc thầm lặng ấy.
Làm diễn viên, chẳng ai không muốn mình được diễn và tiếp cận khán giả. Long cũng vậy, nhưng anh không buồn hoặc cảm thấy mình bị thiệt thòi. Với Long, khi làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi thành viên - dù là thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hậu đài - đều có thể xem là một nghệ sĩ. Có những vở diễn, Long không đứng diễn trên sân khấu, chỉ ngồi ở vị trí kỹ thuật, nhưng vẫn thấy hào hứng trước mỗi màn vỗ tay tán thưởng của khán giả.
Ngày nay, những nghệ sĩ chuyên đóng vai phụ có thể chạy show nhiều nhưng vẫn sống trong cảnh bấp bênh. Long chuyên đóng vai phụ, lại chỉ đóng đô ở một sân khấu, nên thu nhập càng eo hẹp. Để cải thiện tình hình, Long phải tham gia bán các thiết bị âm thanh qua hình thức online, hoặc cho thuê âm thanh tiệc cưới.
Thế nhưng, chàng trai ấy chưa bao giờ nản lòng. “Nếu làm công việc khác, chắc tôi sẽ có thu nhập cao hơn hiện tại. Thế nhưng, làm một nghệ sĩ nghèo và vô danh không phải là nỗi bất hạnh. Bất hạnh là không được làm việc mà mình đam mê, yêu thích” - Long nói - “Ngược lại, tôi thấy mình hạnh phúc khi được góp một phần công sức cho các vở diễn đẹp, qua đó, mang niềm vui đến cho người xem”.
Nguyễn Long từng được mời về dạy tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật TP.HCM, phụ giảng môn kỹ thuật biểu diễn và kỹ thuật sân khấu. Nhưng rồi Long đã bỏ việc ấy để về với Hoàng Thái Thanh, để nuôi ước mơ được diễn. Trong các vở diễn có các pha hành động, Long đảm nhiệm luôn vai trò dàn dựng hành động. Sắp tới đây, sân khấu Hoàng Thái Thanh mở lò đào tạo diễn xuất theo nhiều cấp độ, từ sơ cấp đến nâng cao, lúc ấy Nguyễn Long sẽ được phụ trách môn kỹ thuật hình thể.
Nguyễn Huy
Tags