(Thethaovanhoa.vn) - Cô Ba Sài Gòn là phim thứ hai của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị livestream trên mạng xã hội, trước đó là Tấm Cám – Chuyện chưa kể. Và các bộ phim của Ngô Thanh Vân không phải là trường hợp đầu tiên bị hiện tượng này.
- ‘Cô Ba Sài Gòn’ Lan Ngọc diễn liền 7 vai khiến Trấn Thành ‘kinh ngạc’
- Phim ‘Cô Ba Sài Gòn’ bị livestream lén: Fan Ngô Thanh Vân muốn ‘xử’ thế nào?
- Phim ‘Cô Ba Sài Gòn’ bị livestream lén: Ngô Thanh Vân chưa quyết 'xử' thế nào
1. Khi sự việc xảy ra, Ngô Thanh Vân rất “khó nghĩ” và vì “khó nghĩ” nên cô đã nhờ cộng đồng mạng và “những anh chị trong nghề” quyết định giúp cô một biện pháp xử lý phù hợp đối với người xâm phạm, xử lý theo pháp luật hay xử lý theo hướng cảnh cáo có tính răn đe theo cách thức mà cô đã làm với người có hành vi tương tự với bộ phim Tấm Cám – chuyện chưa kể cũng do cô sản xuất phát hành đầu năm 2017.
Sau hơn một ngày trưng cầu ý kiến, có đến hơn 32 nghìn lượt tương tác trả lời, trong đó 85% ý kiến cho rằng nên xử lý theo pháp luật, và 15% lượt người tương tác có cùng ý kiến chỉ nên xử lý theo hướng cảnh cáo có tính răn đe. Ngô Thanh Vân quyết định thuận theo đám đông, dù nhận được lời xin lỗi từ phía người có hành vi xâm phạm nhưng cô vẫn quyết định “nghiêm khắc với tất cả các hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh đã và đang manh nha diễn ra” và “không nhân nhượng”.
Pháp luật Việt Nam quy định có nhiều cách thức khác nhau để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm bên thực hiện hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự hay dân sự (Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ), và các biện pháp này sẽ được áp dụng bởi Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ).
Việc áp dụng biện pháp nào để xử lý khi có hành vi xâm phạm xảy ra phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn của người có quyền đối với tài sản trí tuệ khi tiến hành biện pháp xử lý hành vi xâm phạm, bởi mỗi biện pháp sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau.
Nếu yêu cầu các cơ quan hành chính xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho bộ phim Cô Ba Sài Gòn, các cơ quan hành chính có thể áp dụng các biện pháp xử lý cảnh cáo hoặc phạt tiền kèm theo đó là các biện pháp xử phạt bổ sung như yêu cầu gỡ bỏ bản sao tác phẩm phân phối trên môi trường internet, kỹ thuật số.
Nếu áp dụng biện pháp hình sự trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội của người đã thực hiện hành vi xâm phạm thì Tòa án có thể áp dụng mức hình phạt, ngoài ra cũng theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người xâm phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị xâm phạm với số tiền tương đương với thiệt hại mà người bị xâm phạm phải gánh chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây nên.
2. Biện pháp hình sự luôn là biện pháp mang tính răn đe cao nhất so với các biện pháp khác bởi nó có tác động trực tiếp đến người phạm tội, không chỉ trừng trị mà còn nhằm giáo dục, ngăn ngừa họ phạm tội mới, người bị kết án sẽ bị tước bỏ, hạn chế nhất định về quyền và lợi ích của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản, bản chất của quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản – quan hệ dân sự. Mọi tranh chấp phát sinh, bao gồm cả việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tranh chấp giữa các tổ chức cá nhân với nhau, bởi vậy theo quy định của pháp luật cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường sẽ không chủ động xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu không được người có quyền yêu cầu.
Mặc dù pháp luật cho phép sử dụng biện pháp hình sự trong trường hợp hành vi xâm phạm có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng có nên kết án, phạt tù, tước các quyền công dân – những hình phạt quá nặng lên một sự vi phạm có bản chất là quan hệ tài sản?
Theo xu thế thế giới, các hành vi sẽ được đưa về xử lý theo đúng bản chất của mối quan hệ, các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự nên chăng hướng tới sẽ được giải bằng các biện pháp dân sự, bên xâm phạm sẽ chấm dứt hành vi xâm phạm xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho nhau trong trường hợp có thiệt hại phát sinh.
Việc bồi thường sẽ bù đắp được các thiệt hại phát sinh do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây nên. Biện pháp hình sự chỉ nên được áp dụng nếu hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, như là an ninh quốc phòng hoặc gây thiệt hại trên diện rộng về sức khỏe, an toàn của công dân và cộng đồng.
Tam Tran (IP Attorney)
Tags