(Thethaovanhoa.vn) - Điều kiện cơ bản để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi nó đảm bảo đầy đủ hai điều kiện tính nguyên gốc và tính định hình.
- Tìm thấy dấu vết 'Sách cuộn Biển chết' trong hang động ở Bờ Tây
- Lật giở các cuộn giấy Biển Chết
- Mang Biển Chết tới Hà Nội
Đảm bảo được hai điều kiện này, quyền tác giả được tự động phát sinh mà không phụ thuộc vào nội dung, mục đích sử dụng, đăng ký hay công bố, kể cả trong trường hợp tác phẩm phái sinh. Giới hạn nào cho tính nguyên gốc và định hình của một tác phẩm phái sinh?
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định quyền làm phái sinh một tác phẩm dựa trên một tác phẩm gốc, các tác phẩm phái sinh bao gồm tác phẩm dịch, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Mặc dù vậy, pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa chính thức nào cho từng loại hình. Liệu tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Nhân có phải là một loại tác phẩm được phóng tác (là một hành vi làm tác phẩm phái sinh) hay không?
Thuật ngữ “phóng tác” trong luật Việt Nam tương đương với thuật ngữ “adaptation” trong tiếng Anh (khái niệm được sử dụng trong Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật), có nghĩa là sự phỏng theo, việc sửa lại cho phù hợp, sự biến đổi làm cho thích hợp.
Xét về tính liên quan, mặc dù phụ thuộc vào tác phẩm gốc, nhưng một tác phẩm phái sinh tồn tại độc lập với tác phẩm gốc, tác giả của tác phẩm phái sinh được hưởng đầy đủ các quyền tác giả như một tác phẩm độc lập. Và để được hưởng các quyền này, tác phẩm phái sinh phải đảm bảo được các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, về tính định hình, bảo hộ bản quyền không bảo hộ ý tưởng và nội dung mà bảo hộ về mặt hình thức thể hiện, do vậy tác phẩm phái sinh có thể khác biệt hoàn toàn hoặc từng phần về mặt hình thức thể hiện so với tác phẩm gốc.
Tác phẩm “Biển chết” của tác giả Nguyễn Nhân, là tác phẩm mỹ thuật tạo hình “được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục” (Điều 15 Nghị định 100/2006/NĐ-CP), trong khi tác phẩm mà ông cho rằng ông dựa vào đó “mượn cấu tứ từ ảnh để vẽ lên nét vẽ của riêng mình” là một tác phẩm nhiếp ảnh, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm “thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào”.
Như vậy, về tính định hình, hai tác phẩm này là khác nhau, tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Nhân độc lập với các tác phẩm khác và có thể được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khác về bảo hộ bản quyền.
Thứ hai, về tính nguyên gốc, các tác phẩm được hưởng sự bảo hộ bản quyền là tất cả các sáng tạo trí tuệ có tính nguyên gốc.
Tính nguyên gốc của một tác phẩm thể hiện ở việc tác phẩm đó phải có nguồn gốc từ bản thân tác giả, tác phẩm không nhất thiết phải đáp ứng tính mới, nhưng nó buộc phải là sự sáng tạo bắt nguồn từ sự lao động của tác giả, không phải sao chép từ một nơi nào khác.
Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả tác phẩm phái sinh.
Tuy nhiên, ranh giới giữa sáng tạo tác phẩm phái sinh và xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc là khó nhận biết.
Để khách quan, buộc phải có sự so sánh một cách trực tiếp giữa hai tác phẩm này. So sánh hai tác phẩm đang gây tranh cãi, có thể thấy mặc dù họa sỹ Nguyễn Nhân đã sử dụng bằng nét vẽ của mình để tạo nên bức tranh nhưng hình ảnh trên bức tranh “Biển Chết” là sự sao chép (về mặt bố cục chính) bức ảnh đã được công bố trước đó.
Do vậy mà, dấu ấn sáng tạo của tác giả trong tác phẩm “Biển Chết” gần như không có.
Thứ ba, quyền làm tác phẩm phái sinh, theo quy định của pháp luật quyền làm tác phẩm phái sinh là độc quyền của tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả (trừ trường hợp tác phẩm hết thời hạn bảo hộ bản quyền và thuộc về công chúng).
Do vậy, không có ý kiến của tác giả tác phẩm gốc về việc cho phép làm tác phẩm phái sinh hay không thì hành vi làm tác phẩm phái sinh là hành vi không được phép.
Ranh giới giữa làm phái sinh tác phẩm hợp pháp tác phẩm và xâm phạm bản quyền rất mong manh. Và nhiều trường hợp rất khó xác định nếu chưa có ý kiến chính thức của tác giả và/hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.
Trong trường hợp như vậy, tính nguyên gốc của tác phẩm cần được đưa ra để phân tích, xác định rằng có hay không sự sáng tạo của tác giả trên tác phẩm phái sinh, tác giả có thể hiện được cá tính sáng tạo của mình trên tác phẩm phái sinh hay không.
Nếu không có, tác phẩm đó đơn giản chỉ là sự sao chép bố cục từ một tác phẩm khác mà thôi.
Tám Trần (IP Attorney)
Tags