(Thethaovanhoa.vn) - Người Việt Nam hầu như ai cũng biết, cũng thuộc (ít nhất là dăm ba câu) trong Truyện Kiều - tác phẩm nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du. Đến nay đã có hơn 2.000 thư mục nghiên cứu về tác phẩm bất hủ này. Nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều công trình tiếp tục tìm hiểu, đào sâu mọi khía cạnh về giá trị trường tồn của nó. “Hiểu sao cho đúng?” luôn là câu hỏi đặt ra trong quá trình khám phá Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong bài này, tôi xin góp vui vài câu chuyện liên quan.
Năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức Lễ ra mắt tác phẩm Truyện Kiều, bản dịch tiếng Nga, do NXB Khoa học Xã hội ấn hành. Truyện Kiều, một kiệt tác của Nguyễn Du đã được dịch ra gần 20 ngữ trên thế giới và đây là bản dịch tiếng Nga đầu tiên được lưu hành.
“Ông Tây” dịch tốt hơn “ông Ta”
Nhân sự kiện trên, giới dịch thuật và các nhà ngôn ngữ đã có tranh luận về vấn đề chuyển dịch tác phẩm thơ “có một không hai” của văn học Việt Nam này sang tiếng nước ngoài thế nào cho chuẩn xác. Đó là một vấn đề đọc hiểu ngôn từ.
Đọc văn xuôi đã khó, đọc thơ càng khó hơn. Dịch là chuyển đổi nội dung ngữ nghĩa từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Đó là chuyện bình thường nhất là trong thời đại hội nhập và hòa nhập hiện nay. Nhưng dịch sao cho chính xác, nhất là dịch văn bản nghệ thuật thì ai cũng biết là rất khó. Trong nhiều trường hợp, bản dịch lại trở thành một “tác phẩm” hoàn toàn khác. Thật đúng với một ngạn ngữ quen thuộc của người Pháp: Traduire c’ est trahir (Dịch là phản). Dịch Truyện Kiều là một ví dụ sinh động nhất. Bởi tác phẩm này của Nguyễn Du viết bằng thơ lục bát (một thể thơ truyền thống của Việt Nam). Ngữ pháp thơ luôn luôn khó nắm bắt. Hơn nữa, Truyện Kiều lại ẩn chứa trong nó một “rừng” điển cố. Bao học giả Hán học từ cổ chí kim cũng còn nhầm lẫn, huống hồ người đọc bình thường.
Và cũng nhân chuyện này, tôi nhớ lại bài viết Ngữ pháp Truyện Kiều của Hoàng Tuệ (in trong tập Cuộc sống ở trong ngôn ngữ, NXB Tác phẩm Mới, 1984). Trong nhiều nội dung được đề cập (về nhiều câu thơ trong Kiều dịch chưa chuẩn hoặc dịch không đúng), Hoàng Tuệ có nói đến việc hiểu và dịch sai ngay câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều: Trăm năm trong cõi người ta.
Câu này đã được Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Pháp là “Cent années, dans cette limite de la vie humaire…”. Nếu đem dịch ngược trở lại tiếng Việt có nghĩa là “Một trăm năm, trong cái thời hạn của đời người”. Trong một bản Kiều khác sang tiếng Pháp, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê cũng dịch tương tự như vậy. Cách hiểu này dựa trên một điển cố Hán văn “văn sinh bách tuế vi kì”, được cắt nghĩa là “Trăm (100) năm, là giới hạn tối đa của đời một
con người”.
Người Việt từ xưa đến nay vẫn quan niệm như thế, cho “khung” thời gian sống của mỗi người có ngưỡng là 100 năm (Dĩ nhiên, thực tế số người thọ đến mức đó (hoặc trên mức đó) rất ít. Theo Đỗ Phủ thì thọ đến bảy mươi đã thuộc loại “cổ lai hi” rồi). Cho nên, ta thường nghe nói: Chúc cụ sống lâu trăm tuổi; Mong cho hai bác bách niên giai lão; Nghe tin cụ nhà “hai năm mươi” (tạ thế) chúng tôi có lời chia buồn; Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau/ Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu (Trần Tế Xương), v.v...
Ở đây, trong câu thơ này, ta phải hiểu Nguyễn Du dùng “trăm năm” theo cách nói dân gian, theo lối hoán dụ. “Trăm”, “nghìn”, hay “vạn” (ví dụ, trong các cấu trúc như “Trăm dâu đổ đầu tằm”, “Trăm kẻ bán, vạn người mua”, “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”,…) chỉ là cách nói phỏng chừng, mang tính ước lệ. Nó hoàn toàn không đồng nhất với số đếm 100 (một trăm), 1.000 (một nghìn) hay 10.000 (một vạn). “Trăm năm”, nghĩa khái quát, được dùng để chỉ rất nhiều năm, khó đo đếm chính xác. Theo Hoàng Tuệ thì “trăm năm hàm nghĩa một thời gian dài vô tận và có thể hiểu là “từ xưa tới nay”.
Còn từ “cõi”, có một nghĩa được dùng để chỉ “khoảng rộng lớn thuộc phạm vi tồn tại của cái gì đó”. “Cõi người ta” như vậy sẽ được hiểu là “cõi nhân gian” nói chung của con người (chỉ không gian), chứ không phải là “cõi đời” (chỉ thời gian, được giới hạn là trăm tuổi).
Điều ngạc nhiên thú vị là, sau khi so sánh một loạt các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, người dịch đạt nhất, phản ánh trung thành nhất dụng ý diễn đạt của Nguyễn Du không phải là các nhà dịch thuật Việt Nam mà lại là một dịch giả người Pháp, tên là Abel des Michels. Ông đã dịch câu thơ “Trăm năm trong cõi người ta” sang tiếng Pháp là “De tout temps, parmi les hommes”. Dịch ngược trở lại là “Xưa nay giữa cõi người”. Ông đã bỏ chữ “trăm năm” để thay bằng “xưa nay”. Cách hiểu này (theo các nhà ngôn ngữ và dịch thuật) về cơ bản là hoàn toàn phản ánh đúng ý diễn đạt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
“Chắp cánh liền cành” - vua cũng không thể khuất phục
Đây là hai câu trong đoạn đối đáp giữa Thúy Kiều và Kim Trọng vào một đêm nàng Kiều tâm sự cùng người yêu trong vườn Thúy: Trong khi chắp cánh liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên. Trong hai câu thơ trên, có thành ngữ “chắp cánh liền cành” được dùng theo một tích cổ đó.
Chắp cánh liền cành, hiểu rộng ra là “chim chắp cánh cùng bay, cây kết liền cành cùng sống”. Về từ chắp cánh, theo sách Nhĩ Nhã thì ở phía Bắc Trung Quốc xưa có loài chim kiêm kiêm (giống như chim le le), lông màu xanh. Loài chim này chỉ có một mắt. Muốn bay thì hai con trống mái phải cùng chắp cánh với nhau mới bay được.
Còn về từ liền cành thì sự tích li kì hơn. Đó là câu chuyện của nàng Tức Thị, có chồng là Hàn Phùng, người nước Tống (thời Chiến Quốc, 479-229 TCN). Vì ham mê sắc đẹp của Tức Thị, nên vua Tống (tên là Yển) quyết tâm chiếm đoạt nàng. Vua sai người bắt nàng Tức về cung, lại đem lời ngon ngọt dụ dỗ. Nhưng uy quyền của vua cũng không khuất phục được nàng. Tức Thị lên lầu gieo mình xuống đất chết. Trong người nàng, có một bức thư tuyệt mệnh, với mong muốn khi chết được chôn chung với chồng mình. Vua Tống tức giận, sai người chôn hai mộ cách xa nhau. Chỉ sau một tuần, bỗng nhiên từ hai ngôi mộ mọc lên hai cây văn tử. Cành cây của hai cây nọ lớn, dài rất nhanh, bò lan tới và quấn quýt với nhau không rời. Dân gian gọi đó là cây tương tư tình nghĩa.
Như vậy, thành ngữ chắp cánh liền cành có hàm ý nói về sự thủy chung, gắn bó của vợ chồng, dù chết cũng không rời bỏ nhau.
“Chết đứng” như Từ Hải - chết vẫn đứng được sao?
Đọc Truyện Kiều, hẳn mọi người còn nhớ một nhân vật gây ấn tượng với người đọc nhiều về ngoại hình và tính cách. Nhân vật “đội trời đạp đất ở đời” này chính là Từ Hải. Ông đã được Nguyễn Du mô tả rất “hùng tráng”: Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao/ Đường đường một đấng anh hào/ Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
Sau Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến, xui Từ Hải quy thuận triều đình... Từ Hải đã “bất ý chẳng ngờ”, và “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, ông đã bị tên đạn bắn chết. Nhưng chết rồi mà thân xác Từ không chịu ngã xuống, vẫn “Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng”, “Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”.
Khí phách của Từ Hải thật đáng khâm phục. Hình tượng “chết đứng” - một cái chết bất khuất, hiên ngang của Từ Hải - được người đời sau tôn vinh và đi vào kho tàng thành ngữ tiếng Việt. Qua năm tháng, nghĩa của thành ngữ này dùng để chỉ ai đó “bất ngờ chịu một cú sốc, đến nỗi đờ người ra, đứng sững sờ, không còn biết phản ứng gì trước một tác động đột ngột”. Ví dụ: Cô ta nhận tin sét đánh, há mồm đứng lặng “chết đứng như Từ Hải”.
***
Để kết thúc, tôi xin dẫn lại câu nói của học giả Cao Xuân Hạo khi ông nói về kinh nghiệm dịch tác phẩm văn học: “Dịch chính xác từng từ một rồi cộng lại theo cấu trúc cú pháp đã có, đó là cách tốt nhất để tiến tới dịch sai hoàn toàn”.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Tags