Tiếp cuộc tranh cãi: Nên chăng chấm dứt đua voi Tây Nguyên?

Thứ Bảy, 26/03/2016 07:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Số lượng voi Tây Nguyên đang giảm tới mức báo động. Đồng thời, theo các chuyên gia dân tộc học, mục đua voi trong các lễ hội của Tây Nguyên không phải nghi lễ truyền thống và cũng không mang dấu ấn về tín ngưỡng tâm linh của đồng bào. Bởi vậy, một số ý kiến đã nhắc tới việc nên chấm dứt lễ hội đua voi ở Tây Nguyên.

Ngày 17/3, Thể thao &Văn hóa (TTXVN) đã có bài viết Cần nghiên cứu kỹ lại đua voi ở Tây Nguyên!.  Trong bài báo, nhà nghiên cứu Lê Văn Thao khẳng định rằng trò đua voi không có trong lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên xa xưa mà xuất hiện vào thời Pháp thuộc, khi các ông quan Pháp ép người dân bản địa tổ chức đua voi để tiêu khiển.

“Không phải truyền thống!”

Đồng tình với quan điểm của ông Thao, GS. Ngô Đức Thịnh, (nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia) cho biết: “ Đua voi là trò chơi mới trong lễ hội truyền thống. Trò chơi này đã không còn khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, đua voi được khôi phục vào những năm 80-90 của thế kỷ 20”.

“Những năm đầu khôi phục, tôi có tham gia. Theo quan điểm cá nhân, trò chơi này rõ ràng không hợp với đặc tính voi Tây Nguyên, cũng như văn hóa đồng bào. Thậm chí, đua voi không hề cuốn hút”- GS Thịnh cho biết thêm.


Hình thức đua voi tại Tây Nguyên đang bị một số chuyên gia đề nghị hủy bỏ

Theo lời ông, đặc tính của loài voi là khéo léo chứ không phải tốc độ. Bởi vậy, những lần đầu khôi phục, voi ra địa điểm đua song không… chạy. Người cưỡi phải dùng vũ lực để thúc voi, gây những hình ảnh phản cảm.

GS Ngô Đức Thịnh là người từng hướng dẫn những luận văn cao học về tín ngưỡng thờ voi ở Tây Nguyên. Như kiến giải của ông, tại vùng đất này, trong các loài động vật, có lẽ tín ngưỡng về voi được thể hiện rõ nhất. Tuy nhiên việc đua voi lại là một trò chơi và không liên quan gì tới tín ngưỡng này.

“Ở đó, người chơi chỉ coi con vật là con vật chứ không tham gia với tâm thế hướng thượng như các nghi lễ liên quan tới động vật khác”- GS Thịnh nhấn mạnh.

Voi Tây Nguyên đang nguy cấp!

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), ông Nguyễn Tam Thanh – Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) cho biết: Cả voi nhà lẫn voi hoang dã ở Tây Nguyên nói riêng (và của loài voi ở Việt Nam) đều nằm trong tình trạng khá nguy cấp về số lượng. Năm 1980, ước tính có trên 550 cá thể voi hoang dã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, con số  này ước tính chỉ còn dưới 70 cá thể.

Ngoài ra, số lượng voi nhà cũng giảm mạnh qua các năm. Chẳng hạn, ngay trong năm 2015 chỉ riêng Đắk Lắk đã ghi nhận 6 trường hợp voi nhà bị chết, khiến số lượng voi nhà trên toàn tỉnh này giảm xuống còn 43 cá thể.

Tháng 3 về Buôn Đôn dự lễ hội đua voi 2016

Tháng 3 về Buôn Đôn dự lễ hội đua voi 2016

Lễ hội đua voi huyện Buôn Đôn 2016 được Sở văn hóa Thể thao và Du Lịch phối hợp với UBND huyện Buôn Đôn tổ chức từ ngày 12/3/2016 đến 14/3/2016.


Cũng theo thông tin của Tổ chức Động vật Châu Á, nguyên nhân chủ yếu  dẫn tới tình trạng trên là việc khai thác quá mức loài động vật này cho các hoạt động du lịch (cưỡi & trưng bày voi), cũng như do kỹ thuật chăm sóc quản lý voi không phù hợp.

Ngoài ra, trên toàn tỉnh chưa ghi nhận có trường hợp voi nhà nào sinh sản từ sau năm 1990 (từ 1990 trở về trước cũng chỉ ghi nhận có 5 cá thể voi nhà sinh sản)… Điều này dẫn tới nguy cơ quần thể voi ở Việt Nam bị tuyệt chủng là hoàn toàn có thể xảy ra trong một tương lai không xa.

Về vấn đề đua voi, đại diện Tổ chức Động vật Châu Á nêu quan điểm: Mục đua voi trong lễ hội ở Tây Nguyên nên được chấm dứt bởi gây nhiều đau đớn cho những con vật.

Từ thực tế ngày càng có nhiều du khách, cả trong nước và quốc tế phản đối hoạt động này, có thể thấy ngành công nghiệp du lịch và hình ảnh của Đắk Lắk có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu trò đua voi này không được chấm dứt.

“Chúng ta không cấm việc làm mới lễ hội. Nhưng, việc này cần được nghiên cứu kỹ và có quy chế chặt chẽ để tránh gây phản cảm”- đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc, cho biết - “Việt Nam đâu còn nhiều voi. Điều cần làm nhất là bảo vệ chúng, chứ không phải khai thác kiệt quệ theo kiểu… tận thu”!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›