12/06/2020 07:09 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Mới đây, tại Việt Nam chúng tôi, Bộ GD&ĐT tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT theo hướng đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Mục đích chính mà thông tư này hướng tới là để học sinh tìm thấy sự hứng thú trong học tập thay vì áp lực điểm số.
Đọc nội dung của đề xuất này, cá nhân tôi rất ủng hộ vì nó liên quan đến công việc không hề dễ dàng, đó là khơi dậy nguồn cảm hứng cho các em học sinh.
Sophia thân mến!
Bất cứ ai cũng đều mong muốn các công việc của mình luôn thu được kết quả tốt nhất. Trong thế giới robot của Sophia thì việc này khá dễ dàng vì tất cả đều đã được... lập trình sẵn. Nhưng trong thế giới của chúng tôi thì khác đấy. Dù có là một họa sĩ tài ba, một nhà văn xuất chúng, một đạo diễn kinh nghiệm hay là một doanh nhân thành đạt thì rất có thể cũng sẽ có những thời điểm rơi vào tình trạng cạn kiệt mạch nguồn sáng tạo. Sự cạn kiệt này xảy ra khi chúng ta không kết hợp được 3 yếu tố là: Đúng địa điểm, đúng việc, đúng thời điểm.
Bởi vì “Cảm hứng là trạng thái tâm lý đặc biệt khi có cảm xúc và sự lôi cuốn mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động hiệu quả” cho nên nhiều người làm các công việc sáng tạo thường phải làm những việc gọi là duy trì và nuôi dưỡng cảm xúc của mình, mục đích là luôn giữ được sự hứng thú. Với những người gặp khó khăn trong cuộc sống thì cần tìm ra cảm hứng để yêu đời hơn.
Khơi dậy nguồn cảm hứng thì cũng tùy người, tùy hoàn cảnh mà có những cách thức khác nhau. Có người thì tìm nơi vắng vẻ, đi dạo giữa thiên nhiên, ngắm cỏ cây hoa lá, thả hồn lang thang. Nhiều chị em chọn giải pháp vào bếp chế biến món ăn mới, sáng tạo đồ uống mới. Một số bạn trẻ thì xách ba lô lên đường và đi…
Bản thân tôi cũng không ít lần mất đi sự hứng thú trong công việc, những lúc ấy tôi thường hay chọn giải pháp tìm một quán cà phê ồn ào, ngồi nhâm nhi một tách cà phê và để bản thân quên đi mọi thứ. Sau đấy mới quay về tiếp tục cái việc còn dang dở.
Đối với các em học sinh hiện nay, ngoài thời gian học trên lớp thì thời gian làm bài tập về nhà, rồi học thêm cũng lấy đi gần hết thời gian để giải trí, vui chơi thư giãn của các em. Trên lớp thìáp lực về điểm số, về thành tích thi cử cũng đè bẹp gần hết hứng thú học hành. Điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nhất là các em không còn ham thích đọc sách, báo. Văn hóa đọc trong giới trẻ cũng vì thế ngày càng mai một.
Chính vì vậy, đề xuất của Bộ GD&ĐT thay đổi cách đánh giá học sinh thời điểm này, khi học sinh đang phải kéo dài năm học giữa mùa Hè, theo tôi là rất thiết thực. Tất nhiên đi cùng với đề xuất này phải là những thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá của nhiều phía, trong đó có phụ huynh và giáo viên.
Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Quan trọng nhất, việc thay đổi cách đánh giá học sinh phải được thực hiện song song với sự điều chỉnh phương pháp giảng dạy của giáo viên. Cần làm cho học sinh cảm thấy hứng thú trong quá trình tìm hiểu kiến thức, để các em ra sức cố gắng học tập vì nhu cầu bản thân chứ không phải chỉ để lấy điểm”.
Bà cũng đưa ra quan điểm là Bộ GD&ĐT cùng với giáo viên phải “giúp phụ huynh nhận ra, điểm số của học sinh chỉ có giá trị trong một năm học, không nói lên sự thành công của đứa trẻ. Nếu phụ huynh không có cùng mục tiêu giáo dục với nhà trường, xã hội thì sự thiệt thòi luôn thuộc về trẻ em”.
Sophia thân mến!
Khơi dậy nguồn cảm hứng học tập trong trường học, hình thành thói quen đọc sách báo cho các em học sinh là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì đúng như Benjamin Cardozo đã nói: “Phương pháp quan trọng, kỹ năng quan trọng, nhưng cảm hứng còn quan trọng hơn nữa”.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất