(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Câu chuyện bé trai tử vong trong ngày thứ hai tới trường đã làm chấn động đất nước tôi trong những ngày vừa qua. Mặc dù nguyên nhân của vụ việc còn đang được điều tra, làm rõ, nhưng nỗi lo âu về sự an toàn cho học sinh trên hành trình đi học là có thật. Không chỉ các trường học siết lại quy trình đưa đón học sinh bằng xe bus, mà Bộ GTVT cũng vừa trình Thủ tướng Dự thảo lần thứ 10 Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bổ sung điều kiện về kiểm soát xe để tránh bỏ quên hành khách trên xe.
Một câu hỏi được đặt ra là trẻ em đang đến trường bằng những phương tiện gì?
Nhớ lại trước đây, hình ảnh mọi người hay gặp đó là những cô cậu học trò tay cầm cặp sách, cười đùa bá vai bá cổ đi trên vỉa hè các tuyến phố sau giờ tan học. Đó là những hình ảnh đẹp, rất đỗi thân thương, gần gũi và cũng rất tự nhiên của lứa tuổi học trò.
Lũ con trai có khi vừa chạy vừa đùa nghịch, đuổi bắt hoặc phi dép vào người nhau. Còn hội con gái tụm năm tụm ba chia nhau gói ô mai, một vài quả sấu chín hay là xoài xanh chấm muối ớt. Rồi khi về đến nhà ai trước thì cả bọn chào tạm biệt nhau rất vui vẻ.
Với chúng tôi khi đó, từ cấp 1 đến hết cấp 2 đi học chủ yếu là đi bộ, chỉ đến khi vào cấp 3 mới dùng xe đạp. Thời đó, người lớn đi làm hết cả, trẻ con phải tự đi bộ đi học. Ngoài việc trường học cũng gần nhà thì cái chính là vỉa hè các khu phố cũng như giao thông khi đó có chỗ cho người đi bộ cho nên thấy bình thường.
Việc phải đi bộ đi học mặc dù nhiều khi cũng rất mệt nhưngnó cũng có những cái hay riêng, học hỏi được nhiều thứ, tha hồ trải nghiệm những thứ mà bây giờ người ta thường gọi là "kỹ năng sống" trên đường.
***
Sophia ơi, tôi không hề muốn thi vị hóa tuổi học trò của thời thiếu thốn năm xưa làm gì. Ngày nay, chúng ta đã có những phương tiện hiện đại, văn minh hơn để đưa đón con cái, rút ngắn thời gian đi lại trên đường, và cũng tiết kiệm sức lực nữa. Nhưng đấy là khi đường tới trường khá xa. Nếu trường tương đối gần nhà thì sao?
Tôi rất nhớ một chia sẻ của một bà mẹ người Nhật Bản về việc dạy trẻ con đi bộ đến trường an toàn.Trước ngày khai giảng vào đầu tháng 4 hàng năm, nhiều phụ huynh Nhật Bản cùng con thực hiện một chuyến đi bộ đến trường và về nhà. Trên đường, trẻ được hướng dẫn cách qua đường an toàn. Điều quan trọng là lưu ý cho trẻ về các cửa hàng hoặc địa điểm công cộng trên đường có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp, kiểm tra trước xem địa điểm đó có mở cửa lúc 8h sáng hay không. Ngoài ra, dạy con chào hỏi những người bán hàng và người dân dọc đường đi học sẽ khiến họ để mắt đến trẻ, để dễ nhận ra nếu chẳng may có điều bất thường, đồng thời giúp trẻ cảm thấy mình cũng là một cư dân bình thường ở đó.
Đấy chính là hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cần thiết cho việc tự lập đi học hàng ngày an toàn, rèn được ý thức tự giác, không phụ thuộc.
Với chúng ta hiện nay thì sao? Nhiều gia đình cókhi con đã học lên cấp 3 rồi mà bố mẹ vẫn phải đưa đón tận sân trường. Họ không dám cho con em mình đi bộ đi học (kể cả khi trường học gần nhà) là vì không tin tưởng vào ý thức tự giác của các cháu hay là lo lắng về an toàn giao thông đô thị hiện nay? Câu hỏi này xin chuyển đến ngành giao thông đô thị nữa.
Đấy cũng là những điều cần phải suy ngẫm trước thềm khai giảng năm học mới. Chứ chẳng nhẽ cứ có bao nhiêu học sinh là kéo theo bấy nhiêu phụ huynh đưa đón, hoặc phải thuê xe bus cho học sinh, tốn kém thời giờ, tiền bạc, trong khi giao thông thì luôn tắc nghẽn tại các cổng trường…
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Thắng
Tags