Thư châu Âu: Khi sự mẫn cán quá mức không được hoan nghênh

Thứ Ba, 10/05/2016 13:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,    

Mới rồi, dư luận Ý xôn xao về việc một cảnh sát giao thông ở Turin, miền Bắc Italy, đã bí mật gắn một máy quay phim loại nhỏ vào xe mô tô của mình, và rồi trong những giờ đi tuần tra, anh ta cần mẫn ghi hình.

Sau đó, khi trở về đồn, viên cảnh sát xem lại những đoạn băng trên máy tính, ghi lại biển số tất cả những chiếc xe đỗ sai quy định trên đường phố và ghi phiếu phạt. Bằng cách ấy, trong vòng một năm, anh ta trở thành một cảnh sát mẫn cán bậc nhất tại khu vực được phân công nhiệm vụ, với 1.800 phiếu phạt được gửi đến tất cả những ai vi phạm luật giao thông. Đấy là một con số kỉ lục, khiến anh được coi là một cảnh sát mẫu mực, được khen thưởng và tăng lương.


 Ở châu Âu xe ô tô chạy theo hàng

Thế rồi, sự việc vỡ lở khi một người dân phát hiện ra cách mà anh đã làm để bắt quả tang các trường hợp vi phạm luật giao thông. Câu chuyện lên báo chí địa phương và đồn cảnh sát nơi anh ta làm việc nằm trong tầm ngắm của dư luận.

Tất cả đặt ra câu hỏi: Liệu các chỉ huy của viên cảnh sát có biết việc nhân viên công vụ dưới quyền đã lắp đặt một thiết bị ghi hình như thế, giấu nó ở phía dưới thân xe mô tô, và rồi đi quay trộm những người đỗ sai luật? Thật ngạc nhiên, chỉ huy của họ biết việc này. Trên nhật báo La Stampa, một sếp cảnh sát nói: "Đấy chỉ là một thử nghiệm theo ý thích của anh ta mà thôi".

Nhưng một số đồng nghiệp của viên cảnh sát thì nói rằng, các chỉ huy của anh ta đều biết việc này, nhưng lờ đi coi như không biết gì để cũng được coi là mẫn cán trong việc tuyên chiến với tệ nạn đỗ xe lung tung ở địa phương. Tiếc thay, "thử nghiệm" ấy phải trả một giá khá đắt, vì "tội ác" kiểu gì cũng sẽ bị trừng phạt: cả viên cảnh sát lẫn sếp của anh ta đều bị kỉ luật, đưa ra khỏi ngành và có nguy cơ phải ra tòa vì những thiệt hại đã gây ra cho chính quyền địa phương và cho hình ảnh của cảnh sát giao thông.

Luật Italy không cho phép người cảnh sát được làm những điều thiếu minh bạch như viên cảnh sát kia để phạt vi cảnh. Việc phạt nguội chỉ có thể thực hiện được qua camera của cảnh sát gắn trên các xe tuần tra, gắn cố định ở các tuyến đường giao thông, hoặc do cảnh sát trực tiếp có mặt tại nơi người điều khiển phương tiện vi phạm ghi phiếu phạt và gắn vào kính xe.

Việc lạm dụng quyền hạn của người cảnh sát giao thông đã gây phẫn nộ đối với dư luận ở Turin cũng như bản thân chính quyền địa phương, do những rắc rối liên quan đến phiếu phạt, với mức phạt từ 15 đến 40 euro.

Trong khi những người đã bị phạt đang muốn đưa vụ này ra tòa để đòi hủy các phiếu phạt và những người đã nộp phạt đòi chính quyền Turin phải hoàn tiền cho họ, thì các quan chức Turin lại đang nghĩ đến một tổn thất lớn khác với ngân sách: chi phí để gửi 1.800 phiếu phạt thực hiện sai quy định cho người bị phạt qua đường bưu điện lên tới hàng nghìn euro.

Rõ ràng là ở những nước văn minh, việc thực thi luật pháp bằng những hành vi trái luật không bao giờ được hoan nghênh, bởi nó chỉ có thể khiến cho nhà chức trách vấp phải những rắc rối lớn trước pháp luật.

Nhiệm vụ của họ là thực thi luật và đảm bảo cho luật pháp được thực hiện một cách đúng đắn. Quyền và trách nhiệm của các công dân cũng là thực hiện theo những hành lang mà luật đã được đặt ra, nhưng bản thân họ cũng có quyền được đòi hỏi những người hành pháp phải thực hiện đúng luật.

Từ chuyện minh bạch trong việc phạt vi cảnh đến chuyện không được bắn tốc độ trộm "từ trong bụi rậm" (theo đúng nghĩa đen của từ này) là một liên tưởng rất bình thường. Tại nhiều nước châu Âu, việc bắn tốc độ trên các đoạn đường đã được quy định thành luật một cách rõ ràng: phải có các biển báo trước cả trăm mét về việc một chốt cảnh sát đang bắn tốc độ, và các chốt lưu động đó phải ở vị trí dễ nhìn thấy từ xa.

Trên các đường cao tốc, ở trước các trạm gắn camera giao thông vài trăm mét đều có các biển báo ghi rõ sắp có trạm bắn tốc độ bằng điện tử. Điều đó thể hiện rằng, càng liên quan đến hành pháp thì càng phải rõ ràng, minh bạch. Cảnh sát không phải là lũ trộm. Và trong một đất nước mà rất nhiều điều cần rõ ràng thì rất rõ ràng, ai cũng biết những quyền lợi và trách nhiệm của mình, người ta thường không sợ hay khinh nhờn người thi hành công vụ như ở mình.

Trong nhiều năm ở Châu Âu, tôi không thấy người dân ở đây sợ cảnh sát, mà thân thiện, gần gũi, hoặc ít ra cũng có thái độ bình thản khi đứng trước họ. Những người cảnh sát đẹp trai và thân thiện thậm chí còn được đề nghị chụp ảnh cùng với du khách ở trên phố. Phải chăng, khi sòng phẳng với nhau trước pháp luật, thì tất cả không cần phải so ai cao thấp, nghĩ rằng ai phải sợ ai hơn?

Hẹn gặp lại anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›