(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày này, remote tôi lại là nhân chứng bất đắc dĩ cho những cuộc cãi nhau của ông bà chủ. Tranh cãi bởi một câu chuyện vừa của truyền hình, mà cũng... không liên quan mấy tới truyền hình. Đấy là tòa tháp cao nhất thế giới sắp xây tại Việt Nam.
Tên nó là tháp truyền hình và sẽ nằm tại khu vực Tây Hồ Tây. Báo chí đưa tin: chiều cao của tháp dự kiến lên tới 636m. Nghĩa là vừa cao nhất châu Á, vừa cao nhất… thế giới. Bởi, kỷ lục thế giới bây giờ cũng chỉ là... 634m thôi, của một tháp truyền hình bên Nhật Bản.
Bà chủ vốn là người đa nghi tới mức cực đoan. Của đáng tội, từ khi vô tuyến đưa tin về những "kỷ lục" của Việt Nam trước đó (như cái bánh chưng khổng lồ tại đền Hùng chẳng hạn), bà đâm ra mắc hội chứng "sợ kỷ lục". Bởi vậy, vừa nghe tới chữ... nhất thế giới, bà đã đỏ mày say mặt, không tiếc lời than thở về sự lãng phí, rồi về tâm lý "nghèo mà cố cho thằng Tèo đi học".
Ngược với phu nhân, ông chủ là người điềm đạm hơn. Nhiều lần, ông đã gắt bà về kiểu tâm lý "a dua" mỗi khi bà lên facebook “hóng” tin rồi hòa theo làn sóng phán xét, bình luận về bất cứ chuyện gì. Lần này cũng vậy, ông trích dẫn thông tin"tháp được xây bằng việc huy động nguồn vốn xã hội hóa" rồi hỏi ngược: "Nhà nước không bỏ tiền mà để cho tư nhân làm thì lãng phí ở đâu?". Thế là, bà chủ... tịt.
Tịt, nên bà chủ lại vòng qua chuyện khác. Cứ như lời bà, chẳng cần sở hữu tòa tháp cao nhất thế giới, Hà Nội vẫn cứ là... Hà Nội. Còn số tiền (chắc hẳn là rất lớn) ấy huy động tư nhân đầu tư vào vườn hoa, trường học, bệnh viện thì có vẻ hợp lý hơn.
Ông chủ nổi cáu thật sự. Ông bảo bà "nghĩ ngắn", làm gì cũng cân đong đo đếm mà thiếu tầm nhìn. Tháp truyền hình ở thành phố nào trên thế giới cũng là điểm nhấn về du lịch, với liên tục một chuỗi những hoạt động kinh doanh, giải trí kèm theo. Rồi chưa kể tới nguồn thu tại chỗ, bản thân sự xuất hiện của một tòa tháp đặc biệt như vậy cũng nhân lên vô số giá trị khác về văn hóa, du lịch, hoạt động xã hội... cho thành phố. "Có nhớ lần sang Thượng Hải năm ngoái, mình đến tháp truyền hình của họ không? Vé không rẻ, bà vẫn nằng nặc mua bằng được để lên đó chụp ảnh, ngắm sông Hoàng Phố?" - ông gắt.
"Đấy là tôi đi xem chuỗi phố cổ dọc sông rồi mới lên. Bây giờ, có Tháp, ông lên đó để ngắm gì?".
Đến lúc này, ông chủ không gắt nữa. Đăm chiêu, ông bảo chắc khi đó, Hà Nội ở khu vực quanh Hồ Tây sẽ khác rồi. Chứ không như chục năm qua, hai khu đô thị Tây Hồ Tây và Nam Thăng Long rục rịch mãi vẫn chưa thấy mọc lên được bao nhiêu. Đất quây tôn vô số, trục đường nối từ cầu Nhật Tân về cạnh Hồ Tây mới chỉ thông một phần. Rồi, Hồ Tây cũng sẽ cải tạo để trở thành lá phổi xanh của Hà Nội, sông Hồng được nắn lại, trở thành dải lụa vắt qua thành phố. Từ trên cao nhìn xuống, Hà Nội sẽ vừa đẹp vừa hiện đại, chứ không ngổn ngang và lộn xộn như bây giờ. Có thể chứ…
Remote
Thể thao & Văn hóa
Tags