(Thethaovanhoa.vn) - “Trong mùa lễ hội 2018, ngành văn hóa phải kiên quyết không để xảy ra những hành vi khơi dậy lòng tham vật chất của người dân tham gia lễ hội, bởi đó là những việc làm sai với bản chất của lễ hội truyền thống” – đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vào mấy ngày trước, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của ngành văn hóa.
- Thành lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2018
- Mùa Lễ hội 2017: Vừa mở màn đã tràn lan nạn 'cướp lộc'
- 'Cướp lộc' ở Lễ khai hội chùa Hương là hành động 'điên rồ'
Thông điệp ấy, nếu được đưa ra trong bối cảnh chỉ mươi năm trước, hẳn sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi, “lễ hội” và “lòng tham” vốn là hai phạm trù tương đối độc lập và khó có thể xuất hiện cùng nhau trong một khái niêm.
Nhưng, với những gì đang diễn ra trong chục năm vừa qua, mọi thứ đã khác hoàn toàn.
Lòng tham ấy là động lực để khách hành hương luôn hăm hở giẫm đạp, xô đẩy nhau cùng lao vào tranh cướp những thứ vẫn được gọi là “lộc thánh” trong lễ hội.
“Cột mốc” cho câu chuyện này là lễ khai ấn đền Trần (Nam Định). Thời điểm cuối những năm 2000, báo giới và dư luận như… phát sốt,trước những hình ảnh ghi lại cảnh chen lấn cuồng loạn của một biển người để giành giật những chiếc ấn thiêng.
Rồi năm sau, năm sau nữa, câu chuyện ấy tiếp tục lặp lại – với sự hỗn loạn mỗi năm được đẩy cao lên một bậc. Và, hình ảnh quen thuộc trước đêm khai ấn (rằm tháng Giêng) vẫn là cảnh hàng hàng ngàn chiến sĩ công an nai nịt như đi đánh trận, xếp hàng quanh các hàng rào sắt quanh đền để giữ trật tự trước dòng người lũ lượt kéo về.
Dư luận cảnh báo về an toàn, chuyên gia liên tục lên tiếng “giải thiêng” (rằng những dải ấn được phát không thể mang giúp người nhận thăng quan tiến chức như đồn đoán). Mặc, đền Trần vẫn trở thành “điểm nóng” của dư luận trong mỗi mùa lễ hội. Đến mức, khi kịch bản lễ hội được thay đổi bằng việc tạm ngừng phát ấn trong đêm rằm (để phát đại trà vào sáng hôm sau), những người tới đây đã “sáng tạo”, chuyển sang tranh cướp các cành hoa, đồ lễ trên bệ thờ.
Rồi, đến khi chuyện “cướp ấn” đền Trần trong vài năm gần đây nhất có xu hướng dịu xuống, thì nạn cướp lộc lại bùng lên ở một loạt lễ hội khác. Đó là cảnh loạn đả để tranh các cành hoa tre ở Hội Gióng Sóc Sơn hay mảnh chiếu ông Hiệu ở Hội Gióng Phù Đổng, là cảnh sẵn sàng nện nhau đến tóe máu trong trò cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ). Thậm chí, năm 2017, tại chùa Hương, một biển du khách cũng giẫm đạp nhau tới gần 30 phú để tranh những chiếc khánh đeo tay – vốn chỉ có tính chất như… quà lưu niệm của nhà chùa.
***
Nếu bình tâm, trong cuộc sống ngày thường, sẽ không nhiều người đặt niềm tin vào những thứ “lộc thánh” vốn chỉ mang tính chất tượng trưng, cầu may như thế. Nhưng, bi hài ở chỗ, tại mỗi lễ hội truyền thống, khi “lộc thánh” được mang ra, lòng tham và dục vọng lại được thổi bùng lên, để rồi người ta cùng lao vào một cuộc tranh cướp tập thể như lên đồng.
Sẽ có rất nhiều cách giải thích cho câu hỏi: vì sao ở cuộc sống bây giờ, người ta lại dễ dàng buông thả cho lòng tham đến thế?
Vì xã hội đang có vô vàn áp lực, nên con người ta dễ mất đi sự khoan thứ và bao dung? Vì sự xuống cấp của đạo đức, của văn hóa ứng xử và kỹ năng sống? Vì sự thiếu thực tế của luật lệ và quy ước xã hội, để rồi nhiều người dễ phát triển tâm lý tự “chiến đấu” để đi tìm quyền lợi và sự may mắn cho mình?
Dù không dễ trả lời, đó là những câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt sau khi dùng những biện pháp… phòng ngừa lòng tham trong mùa lễ hội.
Anh Bảo
Tags