Cha ông ta đã nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”; những năm gần đây cuộc sống vật chất có vẻ dễ thở hơn nên nhiều người quan tâm tới việc đi chùa, đi đền. Điều này là tốt, nếu loại bỏ được sự thái quá.
Thế nhưng mở đầu mùa lễ hội năm nay, bao nhiêu điều “chướng tai, gai mắt” đã xuất hiện. Đấy là việc chất đầy tiền lẻ lên tay tượng Phật ở chùa Bái Đính; ném tiền lẻ lung tung trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám... Và sự kiện không chịu nổi diễn ra ở đền Trần: Trong ngày khai ấn, người ta chen lấn, xô đẩy, đạp đổ cổng đền, cướp cả đồ thờ!Những cảnh tượng như thế này thường diễn ra ở chợ, ở bến tàu, bến xe hay ở siêu thị trong ngày đại hạ giá. Ấy thế mà nay chúng diễn ở những nơi linh thiêng như đền, chùa. Vậy chúng ta không buồn lo sao được?!
Những hoạt động mang tính tâm linh trong cả nước ngày càng nhiều, càng phổ biến. Cụm từ “văn hóa tâm linh” đã được sử dụng với mong muốn là những hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp, tạo nên những giá trị riêng, vẻ đẹp riêng. Thế nhưng nhiều người đã thể hiện sự thái quá trong những hoạt động tâm linh của mình, khiến cộng đồng không thể yên tâm.
“Tâm linh” nghĩa là những điều thiêng liêng trong lòng, trong tim; người ta đi đền, đi chùa với những lời khấn thì thầm, nhỏ nhẹ với niềm tin mơ hồ là hành động của mình có thể mang đến cho bản thân và cho mọi người điều tốt đẹp. Muốn vậy mọi lời lẽ, cử chỉ, hành động phải tao nhã, nhẹ nhàng chứ không thể cục súc được.
Những gì đang diễn ra trong mùa lễ hội này cho thấy một bộ phận không nhỏ trong chúng ta hiểu sai văn hóa tâm linh, vì muốn thỏa mãn những ước vọng của riêng mình, đã có những hành động không đúng, không đẹp.Những hành động này chưa thể xử lý bằng pháp luật được, vì vậy chỉ có thể góp ý, khuyên nhủ lẫn nhau mà thôi.
Xin được nhắc lại là văn hóa thông thường đã không chấp nhận được sự thái quá; văn hóa tâm linh càng không thể nào dung nạp được những biểu hiện kệch cỡm. Do vậy, ở những nơi công cộng - linh thiêng, mọi người không nên chứng tỏ mình là người mạnh mẽ, giàu sang, đầy cá tính...
Theo Gia đình và Xã hội