Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam: Người đẹp không rèn giũa mới lạ!

Chủ nhật, 14/12/2014 10:23 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Vào nghề từ năm 1997, hơn 15 năm qua, bằng công việc của mình, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam liên tục tạo ảnh hưởng đến diện mạo của vô số người đẹp. Từ năm 2012, anh tham gia “bộ tứ quyền lực” của Vietnam’s next top model, sức ảnh hưởng đó càng rõ ràng hơn. Xung quanh các tranh luận về sắc đẹp và trí tuệ trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, Phạm Hoài Nam chia sẻ quan điểm của mình.

“Cứ coi các người đẹp, các thí sinh thi người mẫu, hoa hậu như những đứa trẻ còn thơ dại đi, tất nhiên phải cần giáo dục, cần kiến thức, cần rèn giũa… Những điều này nhằm giúp các em phát triển lành mạnh hơn, có nghề hơn, vì suy cho cùng, người mẫu/hoa hậu cũng chỉ là một công việc mà thôi. Mà đã là nghề nghiệp thì cần phải học, phải có kỹ năng, cứ để tự nhiên sẽ dễ trở thành thói quen không chuẩn, khó uốn nắn được nữa”, Phạm Hoài Nam nói.

* Người mẫu là một nghề khắc nghiệt, cần nhiều kỹ năng để tồn tại, phải rèn giũa thì đã rõ rồi, nhưng các hoa hậu thì trong mắt nhiều người chỉ cần đẹp mà thôi. Đẹp càng tự nhiên càng tốt.

- Nếu như có một người đẹp tự nhiên hoàn hảo như bạn nói, thì xin lỗi, chẳng cần các cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp để làm gì. Mục đích của việc thi (trừ những chuyện tiêu cực) vẫn là tìm kiếm, nghĩa là người đẹp tự nhiên đó không sẵn có. Mà thử hỏi cuộc sống mấy khi có được một người đẹp tự nhiên hoàn hảo, chính nhờ giáo dục, sự rèn giũa mà nên thôi. Đó là chưa nói nếu có người đẹp tự nhiên như vậy, chắc chi họ chịu đi thi, nên mới có chuyện vào chung kết các cuộc thi người đẹp vẫn thấy đa phần là người chưa đẹp. Ngay cả Mai Phương Thúy, rời cuộc thi với vương miện nhưng chưa hẳn đã đẹp bằng sau này, cô ấy đã dần hoàn thiện mình hơn.


Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam. Ảnh: NVCC

* Anh vừa nói đến tỷ lệ đẹp/xấu trong các cuộc thi người đẹp, chắc là anh thiên về phía vẻ đẹp bên trong (trí tuệ, tâm hồn, ứng xử…) nhiều hơn các số đo bên ngoài đúng không?

- Các cô mà tôi hay gọi là “bánh bèo”, có thân thể mà không có nội tâm (tạm gọi là “đầu đất”), thì phải chiếm hơn 90% các cuộc thi. Chúng ta có lịch sử thi hoa hậu tương đối dài nhưng chưa có một hoa hậu thực thụ, nên việc bồi dưỡng, rèn giũa ngay cả sau khi trao vương miện vẫn rất cần thiết và gần như bắt buộc phải làm.

Còn nhớ khi Võ Hoàng Yến đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2009, về khuôn mặt, số đo, vóc dáng có nhiều triển vọng, nhưng giao tiếp kém, tiếng Anh lại yếu, nên kết quả không có mặt trong Top 15 người đẹp nhất. Nếu rèn giũa tiếng Anh, bổ túc hiểu biết và nuôi dưỡng nội tâm phong phú, chắc Võ Hoàng Yến đã đi xa hơn. Đúng là “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”.

* Theo anh thì tại sao người đẹp của chúng ta cứ rơi vào tình huống mà như ông bà ta thường nói: “Trời cho cái mẽ bề ngoài/ Để che đậy cái sơ sài bên trong”?

- Tôi cho rằng không chỉ hoa hậu, người mẫu, mà còn nhiều người và nhiều nghề của công chúng khác cũng cần phải được rèn giũa lại các kỹ năng ứng xử, đối đáp, giao tế. Chúng ta từng bị muối mặt vì các đại diện hình ảnh đã ứng xử ngây ngô, ấu trĩ trên trường quốc tế, dẫn đến cái nhìn không thiện chí về Việt Nam.

Lý do chính vẫn xuất phát từ hệ thống giáo dục con người, chúng ta vẫn còn đặt nặng từ chương, cào bằng, học sao trả thầy như vậy, mà chưa chú trọng phát triển năng khiếu cá nhân, chưa tôn trọng sự khác biệt về sở thích, về tâm hồn của mỗi người. Học vấn là thứ mà mỗi cá nhân còn sử dụng được về sau này, nền giáo dục của chúng ta quá nặng nề, nhưng lại chưa hiệu dụng ở điểm này, nên học nhiều mà khả năng ứng dụng lại ít, yếu, và lệch lạc.


Nguyễn Cao Kỳ Duyên - tân Hoa hậu Việt Nam 2014. Ảnh: Việt Cường

* Theo anh thì Việt Nam đang có quá nhiều hay quá ít các cuộc thi người đẹp, hoa hậu?

- Vừa nhiều vừa ít.

Nhiều vì nó quá đơn điệu, khi mà các cuộc thi khá giống nhau về tiêu chí, về gu thẩm mỹ, trong khi các cuộc thi tiêu biểu của thế giới thì lại khác nhau. Cứ nhìn vào tiêu chí của Hoa hậu Thế giới (Miss World, từ năm 1951), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe, từ năm 1952), Hoa hậu Quốc tế (Miss International, từ năm 1960), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth, từ năm 2001)… thì sẽ thấy sự khác nhau về gu tuyển chọn. Vậy với cách tuyển chọn như Việt Nam hiện nay thì có đáp ứng đủ hay chưa, theo tôi là chưa. Đó là chưa kể tình trạng lạm dụng danh hiệu. Tôi từng ngớ người khi gặp những danh hiệu thật kêu (từ cuộc thi Hoa khôi Trang sức, từ Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam…), thật sự không phải lỗi của họ, mà do cuộc thi không biết lăng-xê, nuôi dưỡng hình ảnh về sau.

Còn ít, đến từ chuyện 2 năm mới có một cuộc thi (như Hoa hậu Việt Nam chẳng hạn), trong khi thế giới thì tổ chức năm một, chúng ta làm sao đủ nhân sự để thi thố, cạnh tranh. Đấy chưa nói chuyện con gái có thì, một cô gái 16-17 tuổi rất khác 18-19 tuổi, nên để hai năm là hơi lâu. Giả dụ chúng ta tìm được một hoa hậu toàn năng đi nữa thì một cô đại diện thi 4 cuộc lớn của thế giới sẽ rất nhàm chán, xác suất đoạt giải rất thấp, nên ít là đương nhiên. Với tôi Mai Phương Thúy là hoa hậu của 6 năm liền, vì hai hoa hậu kế theo gần như không “phát sáng”. Đây là cơ may của riêng Thúy, nhưng lại là không may với hình ảnh chung. Thử nghĩ mà xem, 6 năm với một cô gái thì sao nhỉ, khá dài đấy chứ.

* Anh có nói đến chuyện gu thẩm mỹ, nhìn chung là thế nào?

- Hầu hết hoa hậu Việt Nam có khuôn mặt tròn tròn, ánh mắt hiền hiền, những khuôn mặt vuông vức, góc cạnh, mắt sắc (như Võ Hoàng Yến) thì hiếm thấy. Tùy tiêu chí và gu của từng cuộc thi mà chúng ta có thể tuyển lựa ra con người phù hợp. Thế nhưng hoa hậu Việt Nam đang sử dụng những thước đo có vẻ không cập nhật với xu thế chung của thế giới, nên khi chúng ta nhập cuộc thường bất lực trong việc tìm kiếm thành tích.

Chúng ta đang sống trong một thế giới lệch chuẩn, mà truyền thông, báo chí cũng phải chịu một trách nhiệm to lớn, phải cùng nhau sửa sai để 5-10 năm nữa bớt lệch chuẩn. Không khéo thì trẻ em lớn lên cứ thấy mọi thứ dễ dàng quá, nữ hoàng này, hoa khôi kia, người mẫu nọ… cứ gặp các ông bà bầu là được... Công bằng nhìn nhận thì việc lũng đoạn, mua giải là có, nhưng theo tôi, tỷ lệ phần trăm không nhiều, nhưng cứ được các ông bà bầu lén rêu rao để câu mồi, thành ra ô ế. Trong khi phẩm chất tự nhiên về hình thể, Việt Nam hiện nay có dư thừa cho các ứng viên, nhưng do công tác tuyển trạch và rèn giũa, giáo dục có vấn đề, thành ra vẫn chưa chọn đúng, chưa hiệu quả.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›