Ngẫm từ vụ Điểm thi THPT Quốc gia bất thường: 'Lỗ hổng' từ việc lựa chọn con người

Thứ Ba, 24/07/2018 19:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, Singapore đang rung động vì một vụ tấn công dữ liệu lớn nhất trong lịch sử. Ngày 20/7, tận dụng các lỗ hổng bảo mật, tin tặc đã tấn công và sao chép dữ liệu cá nhân của khoảng hơn 1,5 triệu người từng lưu lại thông tin tại các cơ sở y tế mà họ đến khám và chữa bệnh. Trong số này có cả Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Cuộc điều tra được Cơ quan An ninh Mạng Singapore tiến hành cho thấy đây là hoạt động tấn công có chủ ý và mục đích rõ ràng. Đồng thời, nó cũng được lên kế hoạch rất... hoàn hảo.

Còn tại Việt Nam của chúng ta, những ngày qua, câu chuyện về “lỗ hổng” trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đang chi phối tâm trí của cộng đồng.

Bởi, chỉ vài ngày sau khi vụ gian lận trong chấm thi tại tỉnh Hà Giang bị phát hiện, câu chuyện tương tự lại diễn ra ở Sơn La. Ngày hôm qua 23/7, kết luận ban đầu của đoàn thanh tra tại đây cho biết: Có dấu hiệu tẩy xóa trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh, nhưng chưa xác định được số lượng là bao nhiêu.

Chú thích ảnh
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: TTXVN

Thậm chí, theo đại diện Bộ GD – ĐT, những sai phạm tại Sơn La còn nghiêm trọng và tinh vi hơn so với trường hợp tại Hà Giang. Trước mắt, đã có 5 cá nhân trong ngành giáo dục tại Sơn La, trong đó có cả một vị lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh, bị xác định là liên quan tới vụ việc.

Và câu hỏi được đặt ra từ vài ngày trước lại cứ tiếp tục lớn lên: Tại sao, một kỳ thi quan trọng ở cấp Quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp THPT lại vẫn tồn tại những lỗ hổng - để rồi từ đó, một số nhóm người có cơ hội can thiệp và gieo rắc sự hoang mang trong xã hội?

Không phải chỉ mình tôi, mà rất nhiều người cũng cùng chung câu hỏi ấy. Và rồi, trên các mặt báo, nhiều chuyên gia về giáo dục, chuyên gia về công nghệ thông tin cũng đã cùng lên tiếng, và lý giải, phân tích vụ việc bằng góc nhìn chuyên môn.

Hai năm nay, hầu hết các môn thi tốt nghiệp THPT được áp dụng hình thức thi trắc nghiệm và chấm thi bằng máy. Và trước mắt, kết quả điều tra ở Hà Giang cho thấy: Lợi dụng lỗ hổng bảo mật, thủ phạm – mà trước mắt là ông Vũ Trọng Lương – đã có thể chỉnh sửa kết quả các bài thi theo ý muốn của mình.

Đọc kĩ phân tích của các chuyên gia, tôi thấy rất nhiều ý kiến cho rằng quy trình chấm thi THPT cũng vẫn còn những lỏng lẻo và cần lập tức được sửa chữa – nếu như hình thức thi trắc nghiệm còn được áp dụng vào năm tới.

***

Nhưng, hầu hết sau khi tranh luận, mọi trao đổi đều đi đến cái kết giống nhau: Vấn đề ở đây là do con người. Con người mới là thủ phạm cuối cùng, chứ không phải chỉ là phần mềm, hay “lỗ hổng” trong quy trình chấm thi. Bởi, dù quy trình tổ chức chấm thi được tổ chức chặt chẽ tới đâu, một khi người ta đã cố tình, đã có chủ ý gian lận tiêu cực, thì cực khó để xử lý. Nó giống như câu chuyện “vỏ quýt dày, móng tay nhọn”.

Máy móc nào cũng không thể thay thế con người. Và, trong việc chấm bài thi trắc nghiệm, dù sử dụng máy, nhiều cá nhân vẫn có vai trò nhất định trong các khâu trung gian của hình thức ấy.

Những cá nhân bị “chỉ mặt” tại Hà Giang và Sơn La đã cho thấy: Một khi dám cấu kết với nhau để vượt qua các quy chế cơ bản trong khâu chấm thi, kịch bản “phòng ngừa” tiêu cực luôn đi chậm hơn thực tế một bước. Trở lại câu chuyện bên Singapore. Các chuyên gia an ninh mạng tại đây cho biết: Họ đang tìm hết sức để khắc phục các lỗ hổng bảo mật vừa bị tin tặc lợi dụng.

Còn ở ta, lổ hổng trong kì thi THPT không chỉ nằm ở phần mềm chấm thi hay quy trình thực hiện. Trước hết, nó nằm ở lỗ hổng trong việc lựa chọn những con người đủ trung thực và trách nhiệm để tham gia bảo vệ sự công bằng cho kì thi.

Chả nhẽ cả một xã hội lại bó tay trước “lỗ hổng” ấy?

Ngẫm từ vụ 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang: Cuộc khủng hoảng niềm tin đến từ ngành giáo dục

Ngẫm từ vụ 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang: Cuộc khủng hoảng niềm tin đến từ ngành giáo dục

Sự kiện gian lận thi cử tại Hà Giang đang tạo nên một làn sóng chấn động dư luận. Hàng trăm bài thi đã bị huỷ bỏ và đây trở thành một trong những bê bối nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua của ngành giáo dục.

Xuân An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›