(Thethaovanhoa.vn) - Tôi sẽ không nói về chuyện Trấn Thành đã “bôi bẩn” cải lương như thế nào, vì điều đó dư luận đã nói quá rõ rồi, nhất là tiếng nói của những người trong nghề, những nghệ sĩ gạo cội.
Tôi chỉ xin nói về cách sáng tác hài của ê-kíp Trấn Thành. Cứ cho đây là một vở diễn hoàn toàn mới, không liên quan gì đến vở cải lương kinh điển Tô Ánh Nguyệt đi. Cứ coi như đây là vở “Cô Nguyệt bán cocktail tô” như Trấn Thành bào chữa đi. Thì như thế, liệu tiểu phẩm hài này có chấp nhận được không?Trong án phạt 32,5 triệu đồng dành cho Trấn Thành và 15 triệu đồng mỗi người dành cho NSND Ngọc Giàu và Anh Đức, có cho thêm một hình phạt bổ sung là phải gỡ bỏ vở cải lương “chế” này khỏi các trang điện tử. Vì vậy tôi chỉ xin kể lại những tình huống “chối tai nhất”.
Khá khen cho Trấn Thành và ê-kíp, họ đã “chế” ra một tiểu phẩm hài pha cải lương hết sức thông minh, dí dỏm và ít nhiều có mang thông điệp mang tính dạy dỗ. Thông điệp ấy là để... giải phóng phụ nữ như Trấn Thành nói. Tuy nhiên, thông điệp ấy chỉ là cái vỏ mỹ miều khoác lên một vở hài nhảm. Có quá nhiều chi tiết vượt quá giới hạn mà không một sân khấu nào có thể chấp nhận được.
Bỏ qua những từ ngữ có phần dung tục khó nghe, chẳng hạn như “Ai kêu tôi đó, mặt chó tôi đây”? “Gọi là thầy thì nói là sư phạm quá, không lẽ gọi qua bằng thằng cho xúc phạm”. Trong đoạn hội thoại khiến khán giả cười rộ, rõ ràng là có ẩn ý dung tục “Không, anh thích con chim em cơ” (lời NSND Ngọc Giàu), “Giờ này còn thích con chim cơ à” (lời Trấn Thành)...
Sẽ là bới lông tìm vết, nếu tôi cứ tiếp tục liệt kê ra những tình tiết như thế. Nhưng phải nói thực là đến đoạn tấu hài về tình cảm mẹ con ở gần cuối tiểu phẩm khi Tô Ánh Nguyệt (hay cô Nguyệt bán cocktail tô) gặp lại con thì là một sự xúc phạm đến tình mẫu tử thiêng liêng: “Sao mày đu tao như thằn lằn đu cột dừa. Rụng hai trái dừa của tao mày đền nghe mày”. “Cho con bú một miếng”. “Cái thằng này, cái đó để cho ba bú”. “Vì cái răng con bú vào giập trái cây của mẹ”.
Đoạn đối thoại nêu trên đặt trong bối cảnh đối thoại giữa hai mẹ con ngày gặp mặt thì quả là sởn gai gà. Hài thì hài nhưng chạm vào luân thường thì cũng phải kiêng nể.
Và cuối cùng, cũng lần đầu tiên, trên sân khấu, tôi được nghe, một nhân vật gọi má mà tiếng “má” và sau đó cả tiếng "mẹ" lại bị kéo dài ra như... tiếng chửi tục. Sao lại dám đọc trệch tiếng mẹ thiêng liêng thành ra như thế?
***
Khi dư luận phản ứng, Trấn Thành đã xin lỗi. Đa số công chúng chấp nhận lời xin lỗi đó, tuy nhiên, trên báo Văn hóa, cũng có nhiều nghệ sĩ lên tiếng rằng anh xin lỗi không chân thành, mà còn “ngụy biện”, “lẻo mép”... “Xin lỗi nhưng không nhận mình sai, không nhận mình “bôi bẩn” cải lương, đổ tại khán giả "không coi phần cuối clip” – báo Văn hóa viết.
Ở đây, tôi không nghĩ rằng, Trấn Thành xin lỗi không chân thành. Anh đã rất chân thành. Cũng như anh là người cũng rất có tâm với cải lương và rất thông minh để tạo ra một vở diễn nhằm đưa cải lương đến với khán giả theo cách mà anh cho là gần gũi, hiện đại.
Thế nhưng, dường như Trấn Thành đã ở quá lâu trong cái hài nhảm nên đã không biết giới hạn là ở chỗ nào. Anh không nhận ra những câu thoại, những tình tiết nêu trên là quá dung tục. “Tôi thấy bình thường mình diễn những vở khác cũng vậy. Đó là tục giản thanh mà” – anh bộc bạch.
Cũng trong lúc xin lỗi công chúng, anh còn than thở: “Đôi khi có một số từ khó phát âm, khiến người ta "trẹo lưỡi". Bản thân tôi khi phát hiện mình nói sai đã sửa lại ngay theo một cách hài hước. Tôi nghĩ đó là một chuyện đơn giản, tại sao mọi người lại nghĩ đó là chuyện nghiêm trọng? Cảm giác như mọi người làm thì rất đơn giản nhưng Trấn Thành làm thì lại rất nghiêm trọng”.
Câu hờn trách này khiến người ta nhớ đến việc anh đã nói nhịu từ “giao hưởng hợp xướng” thành từ bậy bạ. Điều đó diễn ra ngay trên sóng truyền hình, trước mặt một thí sinh là bé gái khoảng chục tuổi. Nếu anh coi những sự cố “trẹo lưỡi” ấy là nhỏ, và Tô Ánh Nguyệt Remix là bình thường, thì anh còn tiếp tục phạm sai lầm lớn.
***
Đến đây, ta mới hiểu vì sao, nhiều nghệ sĩ lại nổi giận như thế đối với bản tấu hài vở cải lương Tô Ánh Nguyệt.
Cơn giận không chỉ trút lên Trấn Thành mà cả các bạn diễn của anh, đặc biệt là NSND Ngọc Giàu. Nhưng cơn giận của họ vẫn còn quên trút lên một đối tượng nữa, ấy chính là chương trình họ diễn. Chương trình này đã “chắp cánh” cho ê-kíp Trấn Thành, Ngọc Giàu, Anh Đức chế vở cải lương trên sân khấu, sau đó phát tán trên băng đĩa, trên mạng.
Bởi thế, hình phạt bổ sung: yêu cầu gỡ clip cải lương nêu trên khỏi các trang điện tử là một quyết định đúng đắn. Clip này không chỉ là sản phẩm của chuyến lưu diễn không phép, là một sự vi phạm bản quyền vở cải lương kinh điển, mà tự thân nó là một vở hài “bẩn”.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Tags