(Thethaovanhoa.vn) - Một loạt các hoạt động sân khấu đang được triển khai, nhân tưởng niệm 30 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (29/8/1988).
- Nhà hát Tuổi trẻ diễn kịch Lưu Quang Vũ ở Hà Giang
- 'Tái dựng' kịch Lưu Quang Vũ về sự vô cảm
- 5 đêm diễn các tác phẩm kinh điển của Lưu Quang Vũ
Điển hình, từ ngày 11/8, Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ đã diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Rồi, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng vừa hoàn thành Nguồn sáng trong đời - vở diễn từ một trong những kịch bản nổi tiếng nhất của cố tác giả này. Chưa hết, một đêm thơ - nhạc - kịch tưởng niệm Lưu Quang Vũ (và nhà thơ Xuân Quỳnh) cũng được nhiều đơn vị tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 26/8…
Thực tế, nhiều năm nay, vào mỗi dịp tháng 8, cái tên Lưu Quang Vũ vẫn được giới sân khấu và cả khán giả nhắc tới với nhiều xúc cảm đa dạng.
Đó trước hết là sự ngậm ngùi và tiếc nuối khi nhớ về một tác giả đã từng in đậm dấu ấn lên sân khấu Việt Nam trong thập niên 1980 và thậm chí, kéo dài đến tận bây giờ.
Nói “đến tận bây giờ”, bởi ngay cả khi xem lại những kịch bản được ông viết từ cách đây hơn 30 năm, người ta vẫn thấy ở đó những thông điệp, những triết lý vượt khỏi lớp vỏ thời sự, và để lại ấn tượng mạnh trong lòng độc giả.
Những vở diễn đang xuất hiện tại Nhà hát Tuổi Trẻ là một ví dụ. Lời thề thứ 9 viết về những chiến sĩ bộ đội, nhưng lại là thông điệp về sự công bằng trong xã hội. “Lời nói dối cuối cùng” có lớp vỏ là câu chuyện dân gian về chú Cuội, nhưng ẩn sau trong nó là nỗi băn khoăn về sự trung thực, chính trực cần có trong xã hội để thuyết phục mỗi con người. Hoặc mang dáng dấp một câu chuyện vừa viễn tưởng, vừa lãng mạn, Hoa cúc xanh trên đầm lầy lại là đòi hỏi chính đáng, để mỗi con người không phải chịu áp lực để biến thành một cỗ máy hoàn hảo và toàn bích…
Như nhận xét của những người trong cuộc, giá trị từ những thông điệp nhân văn là điều mà khá nhiều kịch bản bây giờ không có - khi các tác giả hiện đại vẫn thiên về phản ánh bề rộng của cuộc sống, mà thiếu đi chiều sâu cần thiết.
***
Nhưng xa hơn, nhắc tới Lưu Quang Vũ cũng là nhắc tới một thời hoàng kim của sân khấu, khi mà người xem luôn tìm thấy ở đó những tâm sự và suy nghĩ của chính bản thân mình.
So với thời điểm ấy, sân khấu của cuộc sống bây giờ đã khác đi rất nhiều - nhất là về khán giả, những người góp phần làm nên thành công của một vở diễn sân khấu.
Như những nhà phê bình sân khấu đã nhiều lần nhận xét, khán giả hôm nay là khán giả của một Việt Nam đã ở vào giai đoạn hội nhập văn hóa, đã hiểu biết khá rõ về thế giới, về những thay đổi chóng mặt đang diễn ra, chứ không phải ở tâm thế “ngây thơ” như xưa. Đặc biệt, sự bùng nổ của vô vàn những kênh giải trí khác đã dẫn đến một tất yếu: người xem không thể háo hức với sân khấu như trước.
Có nghĩa, để phần nào tìm lại sức hút như quá khứ, sân khấu cần rất nhiều yếu tố để tác động tới con tim, khối óc của lớp người xem kỹ tính hiện thời. Đơn cử, như tâm sự của các đạo diễn, trước hết sân khấu phải được cách tân ngay từ khâu kỹ thuật, được đầu tư công nghệ để đội ngũ sáng tạo thỏa sức thể hiện ý tưởng của mình - thay vì chỉ thuần túy là thứ thứ âm thanh ánh sáng, phục trang cảnh trí tồn tại từ thế kỷ trước.
Có nghĩa, câu chuyện phức tạp hơn rất nhiều, so với cách mà nhiều người hay than thở về sự èo uột của sân khấu hiện tại, rằng chúng ta đang thiếu một “Lưu Quang Vũ” thứ hai.
Xem kịch Lưu Quang Vũ, nhớ về ông và về giai đoạn hoàng kim của sân khấu - đó là dịp để khán giả và người làm nghề cùng “hâm nóng” lại quá khứ. Và từ đó, có động lực tìm lời giải cho những bài toán mới của sân khấu hiện đại.
Anh Bảo
Tags