(Thethaovanhoa.vn) - 1. Tôi nhớ, trong một cuộc phỏng vấn TS Olivier Tessier, người mà GS Phan Huy Lê gọi là "nhà nghiên cứu hàng đầu về Hoàng thành Thăng Long và một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của Hà Nội", ông nói, ở Hà Nội có một nơi ông hay lui tới ngoài căn gác nhỏ tầng 2 ngõ Hạ Hồi của Viện Viễn Đông Bác Cổ, đó là đài phun nước phía Bắc hồ Gươm của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
- Khôi phục Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: Hiện đại, mộng mơ, không phục cổ!
- Hà Nội trong mắt… Olivier Tessier
Vùng hồ Hoàn Kiếm xưa nay vẫn được coi "đất thiêng" của Thủ đô, trải qua hàng trăm năm, nơi đây đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện có thể làm nên một kho tàng các câu chuyện về sự hy sinh của người Việt Nam trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm. Những năm sôi sục phong trào Cần Vương chống Pháp, bọn thực dân lấy nơi đây làm chỗ hành hình và bêu đầu những người yêu nước bị chúng bắt.
Ngày nay, không nói ai cũng biết, trong mọi lễ hội cũng như sự kiện lớn, người ở Hà Nội vẫn chỉ thích đổ về Hồ Gươm, thay vì một không gian khác. Cũng chính bàn tay quy hoạch từ thời thực dân khi xây dựng Hà Nội hiện đại đã từng bước biến hồ nước ấy thành không gian trung tâm của một thành phố mới trong thế kỷ XX. Có nghĩa, ngoài những yếu tố lịch sử, đây còn là câu chuyện của quy hoạch đô thị, của sự sắp xếp và phát triển có chủ ý.
Trước đây chúng ta từng nói về đề án dựng đền thờ Lý Công Uẩn bên Hồ Gươm, nhân một lễ kỷ niệm lớn của đất nước, hay tòa building bên phía đông bờ Hồ... đều bị người Hà Nội phản ứng quyết liệt.
Nhắc lại những chuyện cũ để thấy, mỗi tác động ở vùng đất thiêng của Thủ đô cần rất thận trọng. Nói cách khác, người ở Hà Nội rất nhạy cảm với khu vực Hồ Gươm. Việc trang trí hay tô màu di tích dịp lễ lạt phải hợp lý và cẩn trọng.
2. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đang là một phần của di sản sống. Đó là một không gian mở cho đời sống nhân dân, cho hoạt động văn hóa... Những gánh hàng rong vẫn đi qua quảng trường trong một sáng sớm mai, vẫn tấp nập xe cộ từ nhiều góc phố đổ về, vẫn đầy những du khách trong và người nước đứng ngắm phố Hà Nội.
Tác động, trang trí quảng trường tạo hiệu ứng di sản để nó sống trong mỗi sự kiện của đất nước là cần thiết, nhưng cần phải “phân vai” mà ứng xử cho phải cách. Với Đông Kinh Nghĩa Thục, có lẽ cần dự liệu một loạt yếu tố của đô thị, di sản, văn hóa và cách tiếp nhận của cộng đồng, do đó cần nhiều góc nhìn của cả người dân, người hiểu lịch sử và cả các kiến trúc sư.
Câu chuyện bông hoa sẽ không to tát như nó đã xảy ra, nếu nó không đặt ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên bờ Hồ Gươm. Cần nghĩ đến điều đó chứ không đơn thuần là một cụm hoa trang trí được xã hội hóa với màu rất “rợ” vào ban ngày và nhấp nháy đèn màu về đêm.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Tags