(Thethaovanhoa.vn) - 2 trận đấu cuối cùng của vòng 1/8 EURO 2020 sẽ diễn ra vào tối nay. Càng về cuối, giải vô địch bóng đá châu Âu càng hấp dẫn - và tất nhiên, cũng gây chút tiếc nuối cho chúng ta khi thời điểm kết thúc giải đang đến gần.
Tiếc là phải. EURO mang quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn có những nét độc đáo so với World Cup, mà điển hình là việc luôn tiềm ẩn những bất ngờ cho đến hết trận chung kết - như trường hợp các năm 1992 hay 2004. Bởi thế, không lạ nếu nói rằng mỗi kỳ EURO đều là ngày hội đích thực với giới mộ điệu.
Và cũng có một thực tế: Những ngày này, ký ức về những giải EURO cũ luôn “tuôn chảy” bất tận trên mọi diễn đàn và mạng xã hội.
Đó không chỉ là câu chuyện về những trận cầu của giai đoạn trước - thời điểm mà trong suy nghĩ của rất nhiều người, bóng đá quyến rũ và lãng mạn hơn so với sự thực dụng đến tàn nhẫn của bây giờ. Xa hơn, cách thưởng thức bóng đá của chúng ta cũng đã rất khác so với “ngày xưa”.
Chỉ cần thuộc lứa 8x đổ lại, rất nhiều người có thể “nhắm mắt” kể về những mùa bóng đá ấy. Khi đó, EURO tại Việt Nam chưa có những bản tin dày đặc được báo chí, truyền hình phát trước cả tháng - và tất nhiên, lại càng không có mạng internet hay smartphone để đưa không khí bóng đá vào tận... phòng ngủ như bây giờ.
Cũng như, thay cho những tờ lịch thi đấu đầy màu sắc và những chiếc ti vi dạng LCD treo tường, EURO khi ấy gắn với những chiếc ti vi “truyền thống” - mà đa phần là đen trắng, khiến người xem phải căng mắt nhìn nếu Hà Lan mặc áo cam và Italy mặc áo xanh da trời đang đá với nhau.
Rồi nữa, thay cho những dịch vụ ship đồ ăn đến tận nhà để phục vụ các trận bóng khuya, người xem khi ấy thường chỉ có rá lạc luộc hay ấm nước chè được “xách tay” tới sân trước - thậm chí là vỉa hè - của những gia đình có ti vi và sẵn sàng chia sẻ cùng bà con trong phố.
Chẳng có gì lạ, khi đó là câu chuyện về những mùa EURO trong quá khứ của một Việt Nam vừa ra khỏi giai đoạn bao cấp. Nhưng trong dòng hồi ức của đa phần khán giả lớn tuổi, những mùa bóng ấy lại luôn trong trẻo, đầy ắp sức hút - thậm chí là có chút gì đó quyến rũ hơn so với cách thưởng thức một giải đấu của hôm nay.
Như câu đùa của nhiều người, nếu có một tour “xem bóng đá bao cấp” với rổ lạc luộc, ấm nước chè và chiếc ti vi đen trắng, biết đâu khối khán giả vẫn muốn trải nghiệm lại, như cách mà chúng ta tìm đến những “quán ăn bao cấp” từng ăn khách...
***
Thẳng thắn thì những hoài niệm ấy không chỉ ùa về ở mùa bóng này. Đó là điều thường xuyên xảy đến ở những mùa EURO trước - và rất có thể, là cả sau này - khi mà chúng ta vẫn luôn muốn giữ những hồi ức đẹp của quá khứ mà mình thuộc về.
Mọi chuyện không hẳn chỉ là thuộc tính tâm lý “ôn nghèo kể khổ” vốn quen thuộc với người Việt. Xa hơn, từ những gì được nhắc lại, chúng ta càng thấm thía một nguyên lý tưởng như giản đơn: Không phải cứ khó khăn vật chất thì đời sống tinh thần nghèo nàn. Và ở đây, đời sống tinh thần gắn với bóng đá, niềm say mê của rất nhiều người Việt.
Không phải ngẫu nhiên, nhiều chuyên gia đã khẳng định: Ở bối cảnh xã hội hiện đại nhạt dần tính cộng đồng, còn sự phát triển quá nhanh của vật chất dễ tạo ra cảm giác hụt hẫng, băn khoăn trước những hệ giá trị tinh thần của hiện tại, chúng ta thường có xu hướng tìm về những bản sắc đã định hình trong quá khứ - mà ở đây là một thời bao cấp đã từng rất quen thuộc với nhiều người.
Có thể câu chuyện ấy sẽ cần thảo luận thêm trong tương lai, khi mà xu hướng lãng mạn hóa thời bao cấp rồi cũng đến lúc phải đi hết quãng đường của nó. Nhưng, riêng với bóng đá và EURO, hãy cứ để cho mạch hoài niệm từ quá khứ được tiếp tục, như nó đã và đang có.
Bởi, xét cho cùng, trong mọi hoàn cảnh, bóng đá vẫn luôn gắn với phút thăng hoa và hạnh phúc của tất cả mọi người.
Cúc Đường
Tags