Góc nhìn 365: Bia hơi, chợ cóc và bệnh dịch

Thứ Năm, 13/05/2021 07:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua 11/5, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố tạm dừng hoạt động đối với nhà hàng bia, quán bia, bia hơi cho đến khi có chỉ đạo mới.

Hà Nội: Tạm dừng hoạt động các quán bia, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm

Hà Nội: Tạm dừng hoạt động các quán bia, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm

UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, bia hơi cho tới khi có chỉ đạo mới của Thành phố.

Như thế, sau những rạp chiếu phim, quán bar, phòng karaoke hay dịch vụ tập gym, đến lượt các quán bia hơi cũng được đóng cửa để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Và đến tối qua, trên mặt báo và không gian mạng, chúng ta cũng được chứng kiến cảnh lục tục dọn hàng để ngừng bán ở nhiều quán bia hơi, cũng như cảnh một số thực khách tiếc rẻ, mua và đứng uống vội những cốc bia cuối cùng sau khi đã mất công tới đây.

Thực tế, câu chuyện “dừng bia hơi” đã được nhắc tới từ vài ngày trước, trong sự trông đợi của cộng đồng. Bởi, bên cạnh những con số dồn dập về những ca nhiễm Covid-19, rất nhiều người cảm thấy lo ngại và... sốt ruột khi nhìn vào những quán bia vẫn kín đặc người trên phố phường Hà Nội.

Tình hình dịch Covid-19, Bia hơi chợ cóc bệnh dịch, Số ca mắc Covid-19 hôm nay, Dịch covid-19 mới nhất, Covid-19 hôm nay, Covid-19 mới nhất, Số ca mắc Covid 19 hôm nay
Một quán bia tạm đóng cửa trên phố Kim Ngưu (ảnh chụp chiều 11/5/2021). Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN

Ai cũng biết, với thói quen uống bia của người Việt, việc giữ khoảng cách tối thiểu từ một tới hai mét theo quy định là rất khó khả thi. Và ai cũng biết, nếu không có yêu cầu tạm dừng từ lãnh đạo thành phố, hẳn nhiều người vẫn sẽ “kệ xác” dịch bệnh để bước ra đường, tìm đến quán bia vào lúc tan tầm.

Bởi, với nhiều cá nhân - mà đa phần là nam giới - bên cạnh sức hút của một loại đồ uống có men trong mùa nắng nóng, việc bước vào quán bia hơi còn gắn với nhu cầu tán gẫu, giao lưu, xả stress... sau một ngày làm việc. Cho dù, tất nhiên, thói quen ấy ít khi làm các bà nội trợ hài lòng.

Và, khi đã nói tới các bà nội trợ, người viết cũng không thể bỏ qua một thông tin khác: Song song với quán bia hơi, hệ thống chợ tạm – chợ cóc của Hà Nội cũng được dẹp bỏ từ ngày hôm qua để phòng dịch bệnh.

Hẳn với họ, so với chuyện đóng cửa các quán bia hơi dành cho phái mạnh, việc những khu chợ cóc nằm rải rác trên các hè phố sẽ “hệ trọng” hơn rất nhiều. Bởi từ lâu, sự tiện lợi nhất thời của các chợ cóc – khi người ta có thể thoải mái dừng xe cạnh vỉa hè hoặc đi bộ xuống chân tòa nhà chung cư để mua bán – chính là lý do khiến nó vẫn tồn tại, bất chấp quyết tâm của ngành quản lý đô thị.

***

Người viết không định bàn sâu về mặt trái của chợ cóc hay thú vui la cà bia hơi sau giờ làm việc. Muốn hay không, chúng vẫn tồn tại từ nhiều năm trong nhịp sống hàng ngày và đã là một phần trong nếp sống của rất nhiều người.

Chỉ có một điều chắc chắn, việc từ bỏ những thói quen ấy chỉ có thể làm mỗi người mất đi chút tiện lợi hay thỏa mãn sở thích, chứ không thể biến cuộc sống của chúng ta thành bi kịch. Minh chứng: trong năm 2020 vừa qua, khi dịch Covid -19 bắt đầu bùng phát, quán bia hơi và chợ cóc cũng đã từng bị dẹp bỏ để đảm bảo an toàn phòng dịch cho cộng đồng.

Ở chuỗi ngày ấy, sự tự giác và hưởng ứng của cộng đồng – bao gồm cả việc ngừng lui tới chợ cóc, quán bia - là nhân tố quyết định để tạo ra những thành công đặc biệt. Để rồi, khi dịch bị đẩy lùi, chúng ta lại có xu hướng quay trở lại với những tiện ích và thói quen cũ - vừa như một quán tính, vừa với tâm lý “bù đắp” cho chuỗi ngày vất vả vừa qua.

Bây giờ, khi sự tồn tại của bia hơi và quán cóc bị ngưng lại, chẳng có gì khó khăn để mỗi người tự đánh đổi quãng thời gian la cà quán bia với những bữa cơm tối cùng gia đình. Và, cũng sẽ là đơn giản, nếu chúng ta chịu khó đi thêm mấy bước chân tới các khu chợ truyền thống đã được quy hoạch hay các cửa hàng, siêu thị thay vì tạt vào các vỉa hè với những quầy hàng tạm bợ.

Và nếu có chút thiếu thoải mái, cần nhớ rằng sự “vượt khó” ấy chỉ là một hạt cát so với nguy cơ mà những con người trên tuyến đầu chống dịch đang đối diện hàng ngày. Ở một trật tự mới được xác lập bởi bệnh dịch, không thể có chỗ cho sự ích kỷ và tiện lợi tuyệt đối của bất cứ ai.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›