(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Tiếp theo loạt bài của Diễn đàn văn hóa: “Tôi yêu tiếng nước tôi”, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) giới thiệu bài viết của nhà thơ Phan Hoàng - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.
“Ý kiến của nhà thơ - dịch giả Dương Tường trong bài Tiếng Việt đang đi về đâu? rất đáng trân trọng. Đó là nỗi lo lắng của một người lớn tuổi giàu trải nghiệm và là một bậc thức giả giàu kiến văn trước những hiện tượng bất thường của đời sống văn hoá ngôn ngữ dân tộc, cho dù có những ý kiến phản bác rằng ông “bảo thủ”…Không phải bây giờ mà từ lâu chính ông Dương Tường cùng những học giả đáng kính như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn, An Chi, Nguyễn Đức Dân, Hồ Ngọc Đại… đã từng lên tiếng về chuyện “sính ngoại” trong việc sử dụng ngôn ngữ trong lời ăn tiếng nói hàng ngày và cả văn bản. Có người còn bỏ công truy tìm từ nguyên, đính chính những sai phạm về tiếng Việt.
Tiếng mẹ đẻ là một tài sản vô giá phải biết giữ gìn và khai triển. Làm giàu tiếng mẹ đẻ bằng cách du nhập và biến hóa những thứ tiếng khác thành tiếng Việt là điều cần làm và chúng ta đã làm từ lâu, đặc biệt là những thuật ngữ khoa học hoặc tên những sản phẩm công nghệ tiên tiến đến từ các nền văn minh của thế giới. Tuy nhiên, việc chối bỏ tiếng mẹ đẻ đẹp và trong sáng để thay vào đó bằng thứ tiếng lai căng, kệch cỡm là điều không nên làm.
Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM
Ví dụ mà ông Dương Tường nêu lên trong bài báo về nghệ danh Mew Amazing của Đức Hùng là chí lý. Một người gốc Việt ở nước ngoài hoặc một phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc buộc phải tuân thủ văn hóa bản địa, lấy tên hoặc nghệ danh có yếu tố nước ngoài là lẽ thường tình. Thế nhưng thật khó lý giải một người sinh sống hoàn toàn tại Việt Nam khi bước vào con đường văn học nghệ thuật lại lấy những bút danh, nghệ danh có yếu tố tiếng nước ngoài kết hợp với tiếng Việt nhưng vẫn được một bộ phận xã hội chấp nhận.
Sự sính ngoại ấy có thể nhằm gây chú ý đến người đọc, người xem, người nghe và đã có hiệu quả nhất định ban đầu. Tuy nhiên để đứng được bền bỉ theo thời gian thì người nghệ sĩ cần phải thực sự có tài năng, tình yêu và sự lao động nghề nghiệp cật lực chứ không phải chỉ có cái tên “lạ tai” gây tò mò ban đầu. Khi một người trẻ vì lý do nào đó chọn cho mình nghệ danh nửa Tây nửa ta để bước vào con đường nghệ thuật có thể hiểu được, nhưng còn những người đi trước và các cơ quan quản lý văn hóa sao không góp ý hoặc có tiếng nói “định hướng” cho họ?
Không chỉ trong đời sống văn học nghệ thuật mà trong đời sống xã hội hiện nay việc sính ngoại về ngôn ngữ cũng khá phổ biến. Đi trên đường phố ai cũng dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu nửa Tây nửa ta của các công ty, cửa hàng treo nhan nhản. Cả tiếng Việt sử dụng thường ngày như một cửa hàng nào đó “sắp khai trương” lại được treo bảng thông báo bằng tiếng Anh thành “open soon”, hoặc “giảm giá” thành “sale off”, “giảm giá mạnh” thành “crazy sale”, rồi những “công viên nước” thành “water park”, “sắp xếp” nói là “set up”…
Trong ngôn ngữ đời thường, việc tiếng Anh xâm nhậpvà dần biến hóa thành quen thuộc như một cách làm giàu có thêm tiếng Việt là còn có thể hiểu được, nhưng việc các bút danh, nghệ danh nửa Tây nửa ta được các cơ quan quản lý văn hóa chấp nhận cho xuất hiện chính thức trên các ấn phẩm hoặc biểu diễn trên sân khấu, truyền hình, phát thanh là điều cần phải xem lại. Yêu quý, gìn giữ sự trong sáng và vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ hãy bắt đầu từ cái tên của những người được xem là của công chúng.
Đồng thời, ngành giáo dục cần nghiên cứu, giảng dạy sao cho học sinh ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng và hiểu đúng cái hay cái đẹp của tiếng mẹ đẻ, mà khởi đầu là cái tên đáng tự hào của chính mỗi người do ông bà cha mẹ đặt cho.
Tiếng Việt tinh tế và gần gũi như cơm ăn nước uống hàng ngày. Tiếng Việt là nền tảng văn hóa Việt. Và chỉ cái tên người ấy cất lên, chúng ta cũng có thể hiểu phần nào họ từ đâu đến và họ có tư cách ra sao trong cuộc sống này”.
Phan Hoàng
Thể thao & Văn hóa
Tags