(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về cái chết của một cụ bà 85 tuổi trong lúc ở nhà để chờ được nhập viện điều trị COVID-19 tại thủ đô Bangkok hồi tuần trước đã làm dậy sóng dư luận Thái Lan trước thực trạng thiếu giường bệnh tại một trong những quốc gia được đánh giá có hệ thống y tế hàng đầu Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thách thức này đang hiện hữu khi ngày 25/4, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì đại dịch COVID-19 theo ngày ở mức hai chữ số.
Đợt bùng phát thứ ba dịch COVID-19 đang diễn ra tại Thái Lan - quốc gia mới chỉ một năm trước được ca ngợi là mô hình thành công trong phòng, chống dịch trên thế giới. Những mốc mới về số ca nhiễm và tử vong liên tục được công bố, khiến hệ thống y tế của nước này đứng trước nguy cơ quá tải và buộc nhiều người phải dùng đến mạng xã hội với nỗ lực tuyệt vọng để tìm giường bệnh cho gia đình và bạn bè.
Một trường hợp tử vong do nhập viện muộn được truyền thông Thái Lan đăng tải là cựu vận động viên thể thao điện tử Kunlasub Wattnaphon, người đã trải qua 5 ngày tự cách ly và cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bệnh viện nhưng không thành công sau khi các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Ngày 21/4, cựu vận động viên này đã đăng tải trên Facebook rằng đã được nhập viện và được chẩn đoán mắc COVID-19.
Do virus đã tấn công vào phổi nên anh được chỉ định dùng máy thở và phải nằm tại phòng điều trị tích cực (ICU). Các bác sĩ cho biết nguyên nhân khiến các triệu chứng của Kunlasub trở nên trầm trọng là do anh bị béo phì. Kunlasub đã yêu cầu bạn bè cập nhật thông tin về tình trạng của mình trên trang Facebook của anh. Vào đêm 23/4, bạn bè của Kunlasub đã đăng tải trên Facebook rằng cựu vận động viên này đã không qua khỏi sau khi lên cơn đau tim và chức năng phổi chỉ còn khoảng 20%.
Ước tính tại Thái Lan có khoảng 1.000 giường chăm sóc tích cực ICU. Sau khi số lượng các ca nhiễm mới vượt mốc 2.000 ca/ngày hôm 23/4, giới chức Thái Lan cho rằng nếu số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tiếp tục ở mức 1.500 ca mỗi ngày thì tất cả các giường chăm sóc tích cực ở thủ đô Bangkok sẽ kín bệnh nhân trong vòng 1 tuần và trên toàn quốc trong vòng 19 ngày. Tính đến ngày 24/4, bệnh nhân COVID-19 chiếm tới 19.386 giường bệnh trong tổng số 40.524 giường bệnh có sẵn trên toàn quốc của Thái Lan.
Trước nguy cơ thiếu giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19, các cơ quan chức năng của Thái Lan đang chạy đua với thời gian để nâng khả năng tiếp nhận với mục tiêu chính là tăng số giường ICU điều trị bệnh nhân nặng, thành lập các bệnh viện dã chiến và chuyển đổi một số khách sạn thành bệnh viện-khách sạn (hospitel) dành cho những bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Bộ Y tế Thái Lan cũng đã phải tính đến phương án cho phép các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà, dành các giường bệnh ở bệnh viện cho bệnh nhân nặng và giảm sức ép đối với hệ thống y tế. Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã yêu cầu Cục Dịch vụ y tế soạn một cẩm nang hướng dẫn tự chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Cẩm nang này được biên soạn dành cho những người mắc bệnh có thể phải tự điều trị tại nhà nếu số lượng bệnh nhân vẫn còn cao. Tuy nhiên, phương pháp thay thế này chỉ có khả năng áp dụng cho những bệnh nhân không có triệu chứng, sống một mình và không lây bệnh cho các thành viên trong gia đình.
Suốt 3 ngày qua, số ca mắc mới theo ngày ở Thái Lan liên tục vượt con số 2.000. Đỉnh điểm là ngày 24/4 ghi nhận "kỷ lục" 2.839 ca, tăng tới 769 ca so với một ngày trước đó. Tới chiều 25/4, tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á là 55.460 ca, trong đó có 140 bệnh nhân không qua khỏi.
Lý giải về nguyên nhân gây ra 2 đợt bùng phát COVID-19 liên tiếp ở Thái Lan kể từ tháng 12/2020, dư luận sở tại cho rằng chính quyền đã không mạnh tay xử lý tình trạng lao động nhập cư trái phép, các ổ cờ bạc bất hợp pháp và gần đây nhất là những địa điểm vui chơi ban đêm vi phạm quy định phòng dịch ở khu vực Thong Lor của Bangkok.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng tâm lý chủ quan sau 1 năm khống chế thành công đại dịch, việc chậm trễ trong triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và sự cân bằng giữa các biện pháp nghiêm ngặt như hạn chế đi lại với sức ép vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của đất nước đã khiến cho dịch bệnh có cơ hội lây lan mạnh trở lại. Đợt bùng phát mới trầm trọng hơn ở Thái Lan còn được cho là do nước này đang phải đối phó với biến thể phát hiện lần đầu ở Anh có khả năng lây lan nhanh hơn 1,7 lần so với chủng gốc.
Khi Chính phủ Thái Lan cho phép tổ chức đón Tết cổ truyền Songkran, mặc dù cấm các hoạt động té nước truyền thống, việc nhiều người tới các quán bar, các tụ điểm vui chơi ban đêm hay đi du lịch hoặc về quê thăm người thân càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Ước tính khoảng 40% các ca nhiễm mới trong tháng 4 tại thủ đô Bangkok có liên quan đến các quán bar hay địa điểm vui chơi ban đêm, còn ở các tỉnh khác con số này là khoảng 25%.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 từ ngày 28/2, ban đầu tập trung vào các nhóm ưu tiên với hai loại vaccine là Sinovac của Trung Quốc và Oxford/AstraZeneca. Trong gần 2 tháng qua, mới chỉ có 864.840 người được tiêm phòng, trong đó có khoảng 120.000 người được tiêm mũi thứ hai. Điều này có nghĩa là Thái Lan chỉ tiêm được 13.000 liều vaccine mỗi ngày và với tốc độ đó thì phải mất vài năm Thái Lan mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Chính phủ Thái Lan hiện có trong tay 2,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 - đủ để tiêm cho 1,05 triệu người và đang đặt mục tiêu có được 100 triệu liều để tiêm cho 50 triệu người trong năm nay.
Ngoài việc đe dọa tới an ninh y tế, đợt bùng phát mới nhất của COVID-19 cũng có thể phá hỏng kế hoạch mở cửa trở lại đất nước trong hai tháng tới và gây thiệt hại đối với nền kinh tế vốn đang chao đảo vì tác động của đại dịch trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, thăm dò dư luận mới nhất được công bố ngày 25/4 cho thấy đa số người dân Thái Lan (68,4%) cảm thấy lo lắng và sợ hãi hơn so với 2 đợt bùng phát trước của COVID-19.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan giảm 6,1% năm 2020 - kết quả tồi tệ nhất trong vòng 2 thập niên qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) cho rằng tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể chỉ đạt mức 1,6% trong năm nay nếu chính phủ không kích thích nền kinh tế đang quay cuồng với làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) lần thứ hai cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ 1,5%-3,5% xuống 1,5%-3,0%. Chính phủ nước này cũng giảm số lượng du khách quốc tế dự kiến tới Thái Lan xuống còn 3-4 triệu lượt trong năm nay, đồng thời hạ thấp mức dự báo doanh thu từ du lịch. Tổng doanh thu du lịch cho năm 2021 đã được điều chỉnh giảm từ 1.218 tỷ baht xuống còn 850 tỷ baht (27 tỷ USD).
- Dịch Covid-19: Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao chưa từng thấy
- Thái Lan ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 theo ngày cao nhất
- Dịch Covid-19: Thái Lan thông qua việc cấp hộ chiếu vaccine
Nhằm khôi phục niềm tin của công chúng vào cách thức xử lý đợt bùng phát mới nhất của đại dịch, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh chính phủ đã sẵn sàng đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 và sẽ làm tất cả những gì có thể để cung cấp giường cho tất cả bệnh nhân.
Dư luận Thái Lan cho rằng khi đợt bùng phát mới có nguy cơ làm tiêu tan hy vọng về việc đất nước mở cửa trở lại, chính phủ cần đưa ra quyết định nhanh chóng, ban hành các quy định rõ ràng với yêu cầu thực thi nghiêm túc để tránh việc phải phong tỏa hoàn toàn mà sẽ chỉ càng gây khó khăn cho sự hồi phục kinh tế. Những tuần tới được dự báo là giai đoạn rất khó khăn đối với Thái Lan, đòi hỏi các biện pháp chủ động, có kế hoạch cũng như sự quyết đoán từ chính phủ, và quan trọng hơn cả là ý thức chống dịch của người dân.
Ngọc Quang/ Phóng viên TTXVN tại Thái Lan
Tags