(Thethaovanhoa.vn) - “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân” là nhiệm vụ “bất biến”, mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước trong ứng phó với đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19.
Bước sang giai đoạn chống dịch mới với dự báo nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tiếp tục hiệp lực, hành động quyết liệt, kiên định nhưng linh hoạt, khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, truyền thống kiên cường của dân tộc Việt Nam.
* Ngăn chặn triệt để dịch bệnh từ bên ngoài
Bằng chiến lược “phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để”, Việt Nam đã chiến thắng đại dịch COVID-19 trong "chiến dịch" mở màn. Các chuyên gia y tế đánh giá, đây là bài học kinh nghiệm quý báu, là đợt “tập dượt” cơ bản, quan trọng và cần thiết trong cuộc chiến dài hơi chống lại đại dịch toàn cầu còn phức tạp và gian nan ở phía trước. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tránh tình trạng “thỏa mãn non”, chủ quan trong tư tưởng và hành động phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi toàn dân, toàn quân “kiên định, kiên quyết hơn trong phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19”.
- Dịch COVID-19: Thông báo khẩn của Bệnh viện Bạch Mai
- Dịch COVID-19: Báo Đức ca ngợi Việt Nam chủ động và quyết liệt trong phòng chống dịch
- Dịch COVID-19: Cả 5 trường hợp bệnh nghi ngờ ở Quảng Bình đều âm tính với virus SARS-CoV-2
Kể từ khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện, cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Việt Nam bước sang giai đoạn hai với những diễn biến mới, phức tạp và nguy hiểm hơn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay các lực lượng chức năng phải thay đổi chiến lược và thực hiện song song 2 nhiệm vụ “ngăn chặn triệt để dịch bệnh từ bên ngoài” và “tầm soát, phát hiện sớm, khoanh vùng, điều trị triệt để dịch bệnh ủ bên trong”.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 22/3, Việt Nam ghi nhận 94 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có tới 25 bệnh nhân nước ngoài, 13 du học sinh và 22 người Việt Nam từ nước ngoài trở về.
Hiện số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam chủ yếu là các trường hợp xâm nhập từ bên ngoài, tỷ lệ lây thứ phát ở mức trung bình, hệ số lây nhiễm chưa đến 1%. Việc dừng cấp visa cho mọi đối tượng từ 0 giờ ngày 21/3, hạn chế tối đa mọi đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ ngoài vào. Theo đó, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly; các trường hợp vi phạm, trốn cách ly đều bị xử lý nghiêm. Đây là hành động mạnh mẽ, cân nhắc kỹ lưỡng của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn tối đa nguồn lây nhiễm.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới, biện pháp này được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, hài hòa giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại của quốc gia, tương tự như một số thành phố, quốc gia trên thế giới đã thực hiện, nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Điển hình, Singapore yêu cầu công dân một số quốc gia và khu vực đến đất nước này phải tự cách ly 14 ngày; Bắc Kinh (Trung Quốc) đưa toàn bộ người từ nước ngoài tới thành phố này đến các cơ sở cách ly; Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa đối với gần như toàn bộ đất nước; Hà Lan, thủ đô Washington (Mỹ)... ra lệnh đóng cửa hoặc hạn chế các trường học, quán bar, nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm…
* Bình tĩnh, hiểu đúng và hành động kịp thời
Lường trước mọi kịch bản, dự tính đến cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhìn vào bài học “nhãn tiền” lớn nhất dẫn đến mất khả năng kiểm soát dịch bệnh của nhiều quốc gia châu Âu, Việt Nam đã không chủ quan và luôn thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam nhằm ngăn chặn đỉnh dịch ở mức độ tối đa, không để lây ra cộng đồng. Việt Nam đã chủ động hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực…
Dưới góc độ y tế, chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam (PHEOC) nhận định, Việt Nam đã và đang triển khai phương pháp phòng, chống dịch bệnh đúng hướng, theo phương châm “phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để” ngay từ đầu. Đây là phương pháp cơ bản, quan trọng, phù hợp với phòng, chống dịch bệnh ở bất cứ giai đoạn nào.
Khi tình hình dịch bệnh chuyển sang một giai đoạn mới phức tạp hơn, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên từng ngày, hơn lúc nào hết càng phải bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân: “Phải bình tĩnh, đoàn kết, tự tin, trách nhiệm hơn nữa. Bình tĩnh để không hoảng hốt trước đại dịch, bình tĩnh để chọn giải pháp sáng suốt; đoàn kết từ trên xuống dưới, một lòng chia sẻ”.
Thay vì chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật để câu “like”, câu “views” hoặc đổ xô đi mua hàng tích trữ… gây bất an trong xã hội, mỗi người nên tỉnh táo, chọn lọc các thông tin chính xác và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, thực hiện các biện pháp phòng bệnh khoa học, đúng phương pháp đã được khuyến cáo trước đó. “Bảo vệ sức khỏe bản thân chính là bảo vệ sức khỏe người thân, gia đình và cộng đồng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bên cạnh các khuyến cáo rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang đúng cách; phải tự cách ly tại nơi đang sống và báo cho các cơ quan y tế khi có biểu hiện sốt, ho khan, khó thở…, ngành y tế đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân.
Do đó, chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến khích người dân tham gia khai báo sức khỏe tự nguyện cho bản thân và người thân. Hoạt động này góp phần quan trọng hỗ trợ ngành y tế phân nhóm các đối tượng dễ bị lây nhiễm hoặc khi bị lây nhiễm dễ bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền, đặc biệt quan tâm đến người yếu thế như người khuyết tật… ; đồng thời khuyến cáo các trường hợp này hạn chế di chuyển, ở tại gia đình để lực lượng y tế đến thăm và kiểm tra sức khỏe tại nhà hoặc tại cơ sở theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Ngoài ra, tạo không gian nơi làm việc, nơi ở thông thoáng, sạch sẽ; hạn chế tụ tập đông người; hạn chế đi lại khi không có việc cần thiết… nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh. “Hạn chế đi lại không đồng nghĩa với việc đứng yên trong nhà; chỉ nên hạn chế khi không có việc cần thiết bởi xã hội vẫn phải vận động để phục vụ cuộc sống”, chuyên gia Trần Đắc Phu nêu rõ.
Đối với kiều bào ta đang học tập, lao động và sinh sống tại nước ngoài cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nước sở tại. Những trường hợp đã về nước phải thực hiện nghiêm quy định kiểm dịch, nhập cảnh và cách ly nhằm bảo vệ sức khoẻ bản thân, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trước tình hình đại dịch, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của dân tộc”. Do đó, giữ tâm thế bình tĩnh, không hoang mang, hành động đúng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội là thiết thực góp phần đẩy lùi “giặc” COVID-19.
Ở một góc nhìn khác, đại dịch COVID-19 được xem như phép thử về trách nhiệm công dân, về tinh thần đoàn kết của một dân tộc, trong “vạn biến” càng cần phải kiên quyết, đồng lòng để thực hiện mục tiêu “bất biến” của quốc gia, đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Đến nay, Việt Nam đã và đang phát huy “công thức riêng” trong phòng, chống dịch mà ít quốc gia trên thế giới có được. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Việt Nam, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thống nhất ý chí và hành động, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn thử thách để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch.
Diệp Trương - TTXVN
Tags