(Thethaovanhoa.vn) - Không phải “giải cứu” thanh long, dưa hấu hay tôm hùm, mà giải cứu... cỗ cưới mới là câu chuyện đang được quan tâm nhất trên mạng xã hội.
Sáng 7/3 tại xã Phù Ninh (Thủy Nguyên, Hải Phòng), một đám cưới của 2 thanh niên bị hoãn gấp - khi họ được tin mình ở cùng thôn với người nhà của bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19. Điều đáng nói, thực phẩm cho 75 mâm cỗ dự kiến đãi khách của nhà gái đã được mua đầy đủ từ trước, với mức giá cho mỗi mâm khoảng từ 1,2 - 1,5 triệu đồng.
Tất nhiên, như bất cứ gia đình nào, gia chủ đã phải đau đầu tìm phương án giải quyết số cỗ này…
Như lời kể, nhiều giải pháp đã được nhắc đến - trong đó có cả đề xuất cứ dành vài chục mâm mời người thân ăn theo kiểu “nội bộ”, dù đám cưới bị hoãn. Nhưng cuối cùng, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, gia đình họ vẫn quyết định không tổ chức ăn uống và tụ tập. Thay vào đó, một chiếc tủ đông lớn sẽ được thuê để số thực phẩm này được bảo quản và... ăn dần.
Thế nhưng, một tình huống thú vị đã xảy ra: Thương đôi bạn trẻ gặp “sự cố” trong ngày lẽ - ra - là - cưới, bà con hàng xóm tại địa phương đã tự động rủ nhau tới để... giải cứu cho các mâm cỗ bằng cách mua lại giúp. Nhiệt tình, nhiều người còn gọi điện cho bạn bè, con cháu đề nghị tham gia “giải cứu” cùng mình.
Cuộc giải cứu ấy đã thành công tốt đẹp, khi gia chủ giải quyết được phần lớn số thực phẩm đã mua. Chưa hết, để chia sẻ với gia đình, các phía cho thuê loa đài, phông bạt, bát đũa... đều miễn cho họ một phần chi phí, hoặc không lấy tiền ngay mà chờ tới khi... cưới lại.
Giữa những căng thẳng của mùa dịch Covid-19, tôi tin hầu hết độc giả đều đọc câu chuyện này với một nụ cười. Tất nhiên, đó là nụ cười của sự cảm thông và chia sẻ.
Thực tế, có lẽ bất cứ ai trong số chúng ta đều từng tính tới câu chuyện “thừa cỗ” trong những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời mình. Và, cũng không ai nghĩ, sẽ có ngày, những mâm cỗ trong đám cưới sẽ được giải cứu theo cách ly kỳ như thế.
Đó là một câu chuyện tưởng như nhỏ và rất đời thường, khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra trong giai đoạn căng thẳng nhất. Nhưng, nếu xét tới tính chất của một ngày trọng đại nhất đối với mỗi cặp vợ chồng, nó không đơn giản.
Thẳng thắn, chẳng ai mong đám cưới của mình phải hoãn hoặc tổ chức một cách lặng lẽ vì những lý do khách quan như bệnh dịch. Vậy mà hơn một tháng qua, trên mặt báo, chúng ta gặp không ít trường hợp như thế.
Đơn cử, ở huyện Đắk Hà (Kon Tum) vào sáng 15/3, một cặp vợ chồng trẻ hoãn tổ chức tiệc cưới và chỉ tổ chức rước dâu “nội bộ” bằng xe máy, với vài người thân trong gia đình. Trước đó, ngày 12/3, ở Tuy Phong (Bình Thuận), một cặp thanh niên cũng tạm hoãn đám cưới - dự kiến được tổ chức sau 6 năm yêu nhau - và gửi lời cáo lỗi tới bè bạn.
Có cả chục câu chuyện như vậy, muôn vẻ muôn hình quanh một lý do chung: Ý thức của mỗi cặp vợ chồng, để giữ an toàn cho cộng đồng - và qua đó, góp phần đẩy lùi đại dịch. Như chia sẻ của rất nhiều người, đó là những quyết định khó khăn nhưng sáng suốt, để chờ niềm vui trong tương lai.
Sự hy sinh ấy xứng đáng được trân trọng, sẻ chia và cả hỗ trợ khi cần thiết - như câu chuyện “giải cứu” đám cưới vừa kể. Thậm chí, chúng còn chân thực và sinh động hơn rất nhiều so với những lời lẽ sáo rỗng và dễ dãi - vốn cũng không hiếm gặp trong thời điểm dịch bệnh này.
Sơn Tùng
Tags