'Cười xuyên Việt' có nên là mùa cuối?

Thứ Sáu, 29/07/2016 06:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dù phía tổ chức đã có nhiều nỗ lực đổi mới và đầu tư bài bản cho từng số phát sóng, nhưng nhìn từ bình diện người xem thì có vẻ như Cười xuyên Việt đang dần vắng khách. Điều này có thể do trong 2 năm mà chương trình đã dày đặc các phiên bản, 2 dành cho thí sinh, 1 dành cho nghệ sĩ, 1 dành cho nhóm diễn viên (“Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội”).

Như trong phiên bản Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hộichẳng hạn, chắc chắn khó làm một mùa mới hấp dẫn giống như vậy, nếu còn trông cậy vào hai quân sư Diệp Tiên và Huỳnh Lập. Vì nói như Diệp Tiên, anh đã “lục tung” các sân khấu, các tụ điểm ở TP.HCM để mời cho được các nhóm hài và nhóm diễn viên trẻ có thực lực…

Tuy nói vậy, nhưng quan hệ và sức lực của mỗi quân sư cũng có hạng, nếu hy vọng một sự mới mẻ hơn thì phải mời các quân sư khác, họ có các quan hệ khác. Nhưng nhìn ở bình diện rộng hơn, để tìm được những nhóm hài hội tụ nhiều điều kiện để đi đường dài nhưBuffalo, X-Pro là không hề đơn giản.

Tối hôm 29/7, top 4 của Cười xuyên Việt hóa thân vào những vai diễn nổi tiếng của NSƯT Hoài Linh, NSƯT Thành Lộc và danh hài Nhật Cường, với chủ đề “Thần tượng”. Không những nhận được sự đồng ý, mà họ còn nhận được sự ủng hộ, quảng bá từ các ngôi sao này. Đây là một cơ hội khá tốt về nghề nghiệp, vì các ngôi sao này nổi tiếng mát tay, đặc biệt là Hoài Linh.

Tuấn Dũng tái hiện hình ảnh “Sáu Bảnh” Hoài Linh

Công bằng nhìn nhận thì hai quân sư Diệp Tiên và Huỳnh Lập cũng đã nỗ lực rất lớn để giúp các thí sinh làm ra các mảng miếng mới, chứ không bê nguyên xi. Thế nhưng, hiệu quả cuối cùng chưa chắc thật như ý, vì kiểu gì cũng bị khán giả so sánh với các ngôi sao lớn kia. Hơn nữa, thẳng thắn mà nói thì top 4 của Cười xuyên Việt dù có nhiều quyết tâm, nhưng tự trong mỗi người còn thiếu cái tố chất, cái năng khiếu - vốn là của trời cho, không phải muốn là được.

Một lý do nữa, khán giả Việt vốn “cả thèm chóng chán”, nên dù Cười xuyên Việt luôn đổi mới và thay đổi định dạng, nhưng trong vòng 2 năm mà làm đến 4 lần, mỗi phiên bản kéo dài mấy tháng, dễ chán cũng đương nhiên. Vẫn còn người xem như mùa thứ 4 của Cười xuyên Việt đã là một sự ngạc nhiên với nhiều đơn vị sản xuất khác.

Tình trạng “đầu voi đuôi chuột” của một số chương trình truyền hình thực tế khác cũng là một ví dụ. Dù hấp dẫn nhiều năm liền trên thế giới, nhưng khi vào Việt Nam chỉ vài số là hết nóng. Nhiều công ty truyền thông biết điều này nên cùng lúc phải mua bản quyền nhiều chương trình để dự phòng, và khi ký hợp đồng cũng đề cập đến khía cạnh phá sản do vắng người xem, thấp rating, để khỏi phải đền bù.

Khi hỏi nhà sản xuất có muốn làm thêm các số tiếp theo của Cười xuyên Việt hay không? Họ nói vẫn đang chuẩn bị, nghe thật khâm phục vì dũng cảm. Thế nhưng, có khi Cười xuyên Việt cũng nên là mùa cuối cho đúng quy luật “cả thèm chóng chán” của khán giả. Với khả năng sáng tạo định dạng nội địa và sự chỉn chu, bài bản trong sản xuất, Truyền thông Khang dư sức để làm nên những chương trình mới.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›