(Thethaovanhoa.vn) - “Sóng” ở đây chỉ một hiện tượng mặt nước dao động, dâng lên hạ xuống như đang di chuyển về một hướng nào đó. Đó là một hiện tượng thiên nhiên. Ta thấy ở hồ, ao, sông, biển, khi có gió sẽ xuất hiện sự chuyển động của bề mặt nước phía trên, hết đợt này đến đợt khác.
Hiện tượng này có lẽ liên tục xuất hiện ở sông, biển, vốn luôn luôn có gió. Gió to sóng cả, chớ ngã tay chèo. Những đợt sóng lừng giữa biển khơi luôn làm cho ngư dân hay những người đi biển phải dè chừng. Không cẩn thận là gãy buồm, đắm thuyền như chơi. Còn trong hồ ao nhỏ, thì chuyện sóng to cũng có nhưng ít. Có khi chỉ có sóng gợn lăn tăn một chút gọi là...
Cũng theo quy luật, sóng dồn lên từng đợt từng đợt, sóng sau nối theo sóng trước, theo một chu kỳ đều đặn. Khi quan sát, ta thấy rất khó phân biệt sự khác nhau giữa những ngọn sóng. Chúng cứ nối tiếp, nhấp nhô như một luống cày vỡ, đều tăm tắp. Đây chính là căn cứ mà dân gian sử dụng để làm nên ngữ nghĩa của câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.
Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này như sau: “Đợt sóng trước đã đổ xuống ở đâu thì đợt sóng sau tất cũng đổ xuống ngay tại nơi ấy”. Hay dùng với ẩn ý: “Cha nào con ấy”.
Tục ngữ “Cha nào con ấy” thường dùng khi chỉ một nhận định “Con cái thường thừa hưởng tính cách, thói nết của cha mẹ (cha mẹ thế nào thì con thế ấy)”. Ngữ nghĩa chung có thể có sự tương đồng. Nhưng xét từng câu thì chúng lại có những nét nghĩa riêng biệt.
Câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” muốn nói tới một sự tình ở đời: Những hành vi mà ai đó đã quen làm thì nó sẽ được lặp lại i xì ở chính con cái họ. Tất nhiên, sẽ có hành vi tốt và hành vi xấu. Nhưng câu này nghiêng về sự cảnh báo: Những hành vi xấu, không hay của người đời sẽ được vận ngay vào thế hệ con cái họ.
Thế hệ sau rất dễ nhiễm và bắt chước mọi thói quen, sở thích, hành vi của thế hệ trước. Thế hệ trước không ở đâu xa, chính là cha mẹ. Một người nào đó, ứng xử với cha mẹ không ra gì. Không những anh ta không cung phụng, cho cha mẹ ăn uống tử tế mà còn buông ra những lời cay nghiệt, nhiếc móc, hỗn hào. Lúc đó anh chưa thấy gì. Nhưng cứ đợi đấy, đến lượt con cái anh, chúng sẽ ứng xử hệt với anh như thế, có khi còn tệ hơn. Hậu quả không hay này đã được minh chứng bằng nhiều câu chuyện ngụ ngôn mà khi đọc, những người biết suy nghĩ đều rất thấm thía câu “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
Câu tục ngữ chính là một bài học sâu sắc về sự giáo dục gia đình. Gia đình là tổ ấm, là tế bào xã hội. Sự giáo dục của cha mẹ với con cái (theo gia phong, theo những nguyên tắc giáo dục truyền thống hay hiện đại) đều nhằm tới đích nuôi dạy những đứa con nên người. Đừng làm điều xằng bậy, khuất tất. Ác giả thì ác báo. Người ta thường nói "trời có mắt" với hàm ý “Vẫn có một đấng siêu nhiên nhìn ra mọi sự việc diễn ra ở đời và sẽ có cách trả lại cho nhân gian sự công bằng cần thiết”.
Nhưng chẳng cần đến trời, quy luật thường thấy ở đời là “gieo gió gặt bão”, “ai làm nấy chịu”. Kẻ nào đối nhân xử thế với bố mẹ, anh em, cộng đồng không ra gì thì kẻ đó sẽ nhận về mình ngay hậu quả nhỡn tiền đó. Không gì buồn hơn là chính con cái (những người thân yêu nhất) của mình lặp lại những hành động xấu xa do mình đã làm trong cuộc sống.
“Biển kia từng đợt sóng trào
Cha nào con ấy, ai nào khác đâu...”.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Tags