Chữ và nghĩa: Năm ăn năm thua

Thứ Tư, 21/08/2019 07:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - (LTS): Thứ Tư hằng tuần, bắt đầu từ tuần này, TT&VH khởi đăng mục "Chữ và nghĩa" với hy vọng có thể trở thành một diễn đàn nho nhỏ để cùng bạn đọc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Để giữ gìn sự trong sáng ấy chắc chắn phải bắt đầu bằng cách hiểu đúng, dùng đúng chữ và nghĩa tiếng Việt...

Khi tiếng Việt được bổ sung 3.000 từ mới...

Khi tiếng Việt được bổ sung 3.000 từ mới...

Mới đây ở Hà Nội, tại cuộc tọa đàm “Giáo sư Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt”, lại có nhiều ý kiến trái chiều về việc làm sao để chuẩn hóa, luật hóa, hoặc làm trong sáng tiếng Việt.

Hai bạn Phạm Khánh Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Hòa Bình và Nguyễn Đức Duy, 118/12 Trần Quang Diệu, quận 3, TP.HCM, có hỏi (với nội dung gần giống nhau): Gần đây, chúng tôi hay rất nghe nói tới cụm từ “năm ăn năm thua”. Chúng tôi muốn biết đây thuộc loại từ gì và nó có nghĩa như thế nào?

Căn cứ vào thắc mắc của hai vị, tôi đã cố gắng tìm, tra cứu các loại từ điển giải nghĩa tiếng Việt (kể cả cuốn Từ điển từ mới vừa xuất bản) nhưng đều chưa thấy thống kê mục từ này. Có thể coi đây là một dạng thành ngữ mới xuất hiện, đặc biệt nhiều trong lĩnh vực thể thao.

Chẳng hạn, chúng ta rất nghe các bình luận viên bóng đá tường thuật: “Đó là một đường chuyền năm ăn năm thua”; “Ngay trước khung thành mà Roy Keane quá mạo hiểm với cú tạt bóng năm ăn năm thua của mình”... Cách nói này rất phù hợp trong các tình huống tranh chấp bóng tay đôi giữa các cầu thủ trên sân. Khi trong vòng vây của đối thủ, họ không có nhiều sự lựa chọn. Thế là họ đành giải thoát tình huống khó xử đó bằng một thao tác chuyền bóng tùy hứng. Biết đâu lại tạo ra một cú đột biến có lợi cũng nên.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Và ta có thể tạm đưa ra một cách giải nghĩa về tổ hợp từ này như sau: Năm ăn năm thua, (thành ngữ) dùng để chỉ hoàn cảnh bấp bênh, phải đưa ra một giải pháp mà khả năng đạt, hay không đạt như ý muốn của ai đó là chia đều theo hai hướng ngược chiều nhau: hoặc được, hoặc mất.

Điều này trước hết xuất phát từ một tình thế khá bức bách. Khi đó “đương sự” đang ở một hoàn cảnh khó xử, lại không thể dềnh dàng, cần phải quyết định xử lí nhanh. Trong khi đó, điều kiện và cơ hội của họ không có nhiều thuận lợi để chủ động giải quyết một cách tốt hơn.

Trong cuộc sống, không hiếm khi ta phải đối mặt với những sự tình như vậy. Ví dụ: “Ông nghĩ một lát rồi đành quyết định thế chấp căn nhà cũ. Phải có tiền rồi mới tính tiếp. Tính tiếp cũng nan giải đấy. Cũng không chắc là sẽ xong. Thôi đành nhắm mắt đưa chân, chấp nhận năm ăn năm thua chứ biết sao”?

Đáng tiếc là bây giờ, ngay trong hoàn cảnh rất bình thường, nhiều người lại sẵn sàng “tặc lưỡi” thử sức may rủi trong một tình huống của cuộc sống, theo kiểu “tung xúc xắc chọn vận may”. Họ “liều mình” vào cuộc chơi năm ăn năm thua để hy vọng có một cơ hội bất chợt nào đó rơi xuống đầu mình. Biết đâu từ sự liều lĩnh đó lại là một dịp đổi đời cũng nên. Thế là máu yêng hùng của các tay chơi nổi lên.

Ta thấy không ít các “đại gia” có máu mặt sẵn sàng đặt cược cả cơ nghiệp để “đánh quả” một cú làm ăn nào đấy. Cứ sẵn sàng chơi “tới bến” rồi ra sao thì ra. Ví dụ: “Không có lôi thôi gì nữa! Tớ nói một là một, hai là hai. Quyết định đặt toàn bộ “cửa” này đấy. Ừ thì năm ăn năm thua. Người quân tử sợ gì kia chứ”. Nhưng cái “năm ăn” của họ thì ít, còn cái “năm thua” của họ thì nhiều. Đó là một cách ứng xử theo kiểu được ăn cả, ngã về không (Bất chấp tất cả, cứ liều lĩnh mà làm, nếu được thì được rất lớn, còn nếu thua thì coi như thất bại hoàn toàn).

Đành liều đánh cược năm ăn

Buồn thay lại nhận được phần năm thua...

PGS-TS Phạm Văn Tình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›