(Thethaovanhoa.vn) - Đồng tiền vốn là "đơn vị tiền tệ nhỏ nhất ở Việt Nam thời phong kiến" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2020). Sở dĩ có chữ "đồng" cũng bởi tiền ngày xưa được đúc bằng đồng, một kim loại dễ gia công (đúc, dát mỏng, trang trí họa tiết), bền vững (dùng được lâu dài), có tính thẩm mỹ.
Thực ra, người ta còn dùng các kim loại khác, như bạc hay kẽm để đúc tiền. Nhưng "đồng" vẫn là chất liệu phổ biến, tiện lợi hơn cả.
Đồng tiền cũng còn dùng để chỉ đơn vị tiền tệ của quốc gia nào đó (đồng tiền Việt Nam, đồng tiền Ba Lan, đồng tiền chung châu Âu…). Đồng tiền trước hết có vai trò trung gian, dùng để mua bán, trao đổi hàng hóa nói chung.
Câu tục ngữ "Đồng tiền liền khúc ruột" hàm chứa một quan niệm của dân gian trong việc ứng xử với giá trị vật chất, tức là với đồng tiền.
Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải nghĩa câu này là: "Đồng tiền vốn gắn liền với khúc ruột của từng người (nên ai cũng thấy xót xa một khi tiền của bị hao mòn)".
Việt Chương (trong Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao Việt Nam, quyển Thượng, NXB Đồng Nai, 2003) có cách giải thích sát thực hơn: "Đồng tiền không phải tự nhiên mà có, chính là do mồ hôi nước mắt, công sức của mình tạo ra. Vì vậy mới có chuyện "đồng tiền liền khúc ruột". Tiền của như vậy là do một phần thân xác hao hụt ra mới có, cho nên tiền mất là ruột đau xót biết chừng nào".
Đồng tiền được dùng để chỉ giá trị vật chất do con người làm ra từ sức lao động của chính mình. Có làm mới có tiền, có tiền mới có ăn và có tiền mới có những tiện ích phục vụ cuộc sống. Như vậy, đồng tiền có giá trị thường nhật, thiết thân đối với mỗi người. Chúng ta không đến nỗi sùng bái coi "đồng tiền mua tiên cũng được" nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều, một cuộc sống thực sự hạnh phúc không thể không có tiền bạc. Ngạn ngữ phương Tây có câu "Tiền không mua được hạnh phúc nhưng không thể hạnh phúc nếu thiếu tiền".
Đồng tiền có ý nghĩa thiết thân với mỗi người, gắn bó như “liền khúc ruột”. Ruột “phần của ống tiêu hoá kéo dài từ cuối dạ dày đến hậu môn” (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn) là một phận rất quan trọng trong cơ thể mỗi người. Khi nói cha ruột, mẹ ruột, anh em ruột… là ta nói tới mối quan hệ gần gũi, máu mủ không thể tách rời trong một gia đình. Trong xã hội cũng vậy, nếu người ta chỉ mối quan hệ nào đó liên quan khăng khít tới cơ quan nội tạng này thì tức là người ta nhấn mạnh sự keo sơn gắn bó khó rời: “Bầm ơi, liền khúc ruột mềm/ Có con, có mẹ còn thêm đồng bào” (Tố Hữu).
- Chữ và nghĩa: 'Chiêm lên vai, thóc dài xuống đất'
- Chữ và nghĩa: Tháng Giêng bếp chủ nhà, tháng 3 bếp con ở
Đồng tiền của mỗi người cần phải quý trọng và tôn trọng. Ta nhận đồng tiền của ai đó gửi trao (cho vay, cho mượn, giúp đỡ tương thân tương ái…) là ta phải biết trân trọng và gìn giữ. Nhưng không chỉ trân trọng, ta cần phải biết sử dụng sao cho có hiệu quả thiết thực.
Có người tham lam, cứ thấy đồng tiền là lóa mắt, không phân biệt phải trái, bất chấp sự công minh của pháp luật (Đồng bạc đâm toạc tờ giấy).
Có người nhập nhằng, không công bằng trong việc đóng góp, ăn chia (Ăn cho đều, kêu cho sòng).
Có người nhập nhèm, không rõ ràng trong việc vay và trả, vay phải ra vay, cho phải ra cho (Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm).
Khi ai đó đứng ra nhận tiền bạc, vật chất nhằm giúp cho những người nghèo khó, trong cơn thất cơ lỡ vận, người đó phải biết ứng xử sao cho phải (chỉ giúp cho những người thực sự khó khăn), sao cho kịp thời (Một miếng khi đói bằng một gói khi no), sao cho công tâm và công bằng (Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng), sao cho nhân văn (Của cho không bằng cách cho), v.v… Nếu không thì đồng tiền nhân ái kia sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Đói cho sạch, rách cho thơm
Cái đẹp nhân cách cao hơn đồng tiền.
PGS - TS Phạm Văn Tình
Tags