(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần 2 tháng qua, dịch Covid-19 ngày càng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mọi người, và phía trước chắc chắn vẫn còn một khoảng thời gian nữa phải "chung sống" với nó.
Phải thích nghi với nhịp sống phòng bệnh đã đành. Ta hãy thử đặt mình mình trong tình huống không may phải cách ly, ta sẽ làm gì trong 14 ngày tập trung đó?
Là điều không may, nhưng đi cách ly đối với một số người lại là “những ngày sống chậm” hiếm hoi trong cuộc đời họ. Câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh mới đây là một ví dụ.
Sống chậm không có nghĩa là lề mề, chậm chạp. Chúng ta bình tĩnh thích ứng với hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời còn cảm nhận được những cái hay, cái đẹp của cuộc sống xung quanh. Hãy xem vị bác sĩ đi cách ly “sống chậm” thế nào?
Với bác sỹ Quốc Hùng, ngày mùng 8/3 vừa qua là một ngày thật dài vì bắt đầu chuỗi 14 ngày trong khu cách ly của bệnh viện dành cho người thuộc diện F1, sau khi ông tiếp xúc với 4 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Quảng Ninh. Năm nay 59 tuổi, 35 năm trong nghề y, chưa bao giờ ông thức dậy sau 6 giờ và cũng hiếm khi được nghỉ 2 ngày liên tiếp. Cho nên, đối với ông thì quãng thời gian 2 tuần đi cách ly chính là dịp để “sống chậm”.
"Hàng ngày, sau khi tham gia hội chẩn trực tuyến với đồng nghiệp qua thiết bị công nghệ thông minh, cố gắng tìm xem xung quanh mình có vật dụng gì bị hỏng để sửa chữa, càng khó càng hay" - ông tâm sự. Bên cạnh đó, ông còn viết báo cáo, xem tin tức... tham quan kho bảo quản máy thở, sửa các đồ điện, ăn, di chuyển 50m/ngày.
Đúng là ông rất tự tin, bình tĩnh cho nên “Việc đầu tiên khi vào đến khu cách ly là tháo đồng hồ trên tay, cất đi, để không nhìn vào đó, đỡ sốt ruột”. Và ông cũng đã chuẩn bị cho mình tâm thế tốt nhất để “Vào đây để sống chậm chút thôi mà. Tôi vẫn tham gia điều hành bệnh viện chứ có ngồi một chỗ đâu…”.
Những chia sẻ của vị bác sĩ quả là rất bổ ích và tôi thấy rằng có nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm, học theo.
***
Sống chậm trong mùa dịch, dù bị cách ly hay không, có lẽ là cách tốt nhất để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời không để cho những tháng ngày này trôi qua một cách vô nghĩa.
Câu chuyện của bác sĩ Hùng cho thấy sống chậm chỉ khác với ngày thường là không thường xuyên đến cơ quan làm việc tập trung, nhưng vẫn có thể làm việc, thậm chí rất tích cực qua mạng internet hay bằng các hình thức trực tuyến khác.
Đối với học sinh và sinh viên trong cả nước, dịp này là lúc áp dụng công nghệ học trực tuyến, học cách quản lý phân bổ thời gian ở nhà cho thích hợp. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải đảm bảo chất lượng học tập. Vì thế, những ngày ở nhà học trực tuyến cũng không phải là vấn đề gì khó khăn, hoàn toàn có thể làm bài kiểm tra cô giao, tham gia ôn tập theo hướng dẫn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành giai đoạn này triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế - xã hội, cung cấp những dịch vụ công, sử dụng các giao dịch điện tử trong công việc. Cho nên với nhiều người, không đến trụ sở thì vẫn có thể làm việc online tại nhà. Rất nhiều các giao dịch, thủ tục khác, chúng ta có thể tiến hành qua internet - đó cũng là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0
Đối với người dân, đây là thời điểm mọi người thực hiện trách nhiệm công dân của mình bằng cách hợp tác tích cực với Bộ Y tế trong việc khai báo y tế tự nguyện tại nhà. Cũng có thể tranh thủ dịp này để nghỉ ngơi một chút, kiểm tra lại sức khỏe của chính bản thân mình. Hạn chế tiếp xúc, nếu không có việc gì cần thiết thì nên làm việc ở nhà, chăm sóc gia đình. Khoảng thời gian sống chậm này sẽ giúp chúng ta bình tâm trở lại không hoang mang, lo lắng vì bị cuốn theo các tin hot, tin giả..., khôi phục lại thói quen đọc sách, nâng cao văn hoá đọc.
Khi chúng ta sống chậm, có suy nghĩ bình tĩnh, thấu đáo, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình yên, nhìn nhận được mọi thứ đúng như những gì đang diễn ra. Tâm bình yên thì sẽ kết nối được năng lượng tích cực, đó chính là giá trị của việc sống chậm.
Quốc Khánh
Tags