(Thethaovanhoa.vn) - Hòa Hiệp và vài diễn viên trong phim truyền hình Đi qua mùa mưa (ĐD: Mai Dũng) vừa tố nhà sản xuất có dấu hiệu quỵt cát-sê của họ. Đây là vụ việc mới nhất của “căn bệnh kinh niên” quỵt cát-sê, và cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Đặc biệt với các phim truyền hình, nhà sản xuất thường ký một cam kết với nhà đài về việc sẽ làm một phim với đảm bảo thu hút khách, nếu đúng như vậy thì nhà đài sẽ thanh toán đủ tiền.
Nghĩa là chính nhà sản xuất cũng “tát nước theo mưa”, cũng “mượn hoa cúng Phật”, trong khi chi phí làm phim (chắc chắn phải có) lại được cam kết từ kinh phí thông qua lượng người xem (vốn rất khó chắc chắn). Bởi thực tế cho thấy có nhiều lý do để một phim bất ngờ ăn khách, hoặc không, mà nhiều trường hợp không phụ thuộc vào chất lượng của phim đó.
Đây là còn chưa kể đến việc thống kê lượng người xem (rating) tại Việt Nam hết sức tương đối, đôi khi rất bí ẩn. Điều này tiềm ẩn các nguy cơ: Thứ nhất, nếu phim chiếu vẫn hút khách ở mức độ bình thường, nhưng việc thu hút quảng cáo lại ở mức thấp hơn, nhà sản xuất sẽ nhận về tiền ít hơn, trong khi nhiệm vụ lấy quảng cáo không phải của họ.
Thứ hai, nhà đài ít khi nào chịu thiệt trong mối quan hệ này, nên chỉ khi nào lợi nhuận đủ nhiều thì họ mới trả đủ tiền đã cam kết. Nếu lợi nhuận ít (chưa phải là không hòa vốn, hay thua lỗ) thì họ có thể không trả đủ, với lý do rất mơ hồ là rating thấp, quảng cáo ít.
Nhà sản xuất cũng vin vào đây để chậm hoặc quỵt cát-sê của diễn viên và các ê-kíp khác trong đoàn phim như âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, hóa trang, lái xe… Diễn viên, đạo diễn bị quỵt cát-sê dễ được báo chí bênh vực hơn vì họ nổi tiếng, chứ các bộ phận khác thì thường chịu im lặng.
2. Nhiều nhà sản xuất và nhiều nghệ sĩ cũng đồng ý với nhau rằng việc sản xuất thành bại là hết sức bình thường, nhưng cái tình, chữ tín mới quyết định được cách hành xử hợp tình, hợp lý. Chỉ những nhà sản xuất “cò con” thì mới sản xuất ăn đong từng phim, còn những nhà sản xuất chuyên nghiệp luôn cùng lúc làm, hoặc chuẩn bị làm nhiều phim.
Đôi khi 3 phim lên sóng chỉ có một phim thành công, một phim hòa vốn, còn một phim chịu lỗ, nếu có chữ tín và trách nhiệm nghề nghiệp, nhà sản xuất sẽ cân đối. Đã có nhiều trường hợp nợ cát-sê đến 4-5 năm nay nhưng diễn viên vẫn không kiện tụng gì, vì họ biết được chữ tín và khó khăn thật sự của nhà sản xuất. Họ sẵn sàng đồng cam cộng khổ để chờ đến ngày thái lai.
Căn “bệnh kinh niên” quỵt cát-sê đã đến từ nhiều nguyên do, nhưng nặng nhất là do mất “kháng thể” về chữ tín. Nhiều trường hợp quỵt cát-sê là do nhà sản xuất không có đủ tiền mà vẫn liều làm phim, kết quả nhà đài “thối tiền” lại ít hơn dự kiến, thành ra vỡ nợ. Nhưng cũng nhiều trường hợp có tiền mà vẫn không muốn trả, cái này lại đến từ chữ tín và văn hóa ứng xử của họ.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags