Vài ngày trước, tôi tình cờ đọc một dòng tin ngắn: Cuộc thi tuyển quốc tế Ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa vừa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM gia hạn tới giữa tháng 7.
TP.HCM được xem là đô thị sầm uất, hiện đại bậc nhất cả nước. Nhưng ít ai để ý, giữa lòng thành phố hoa lệ này lại có một bán đảo vẫn còn lưu giữ những nét thôn dã như Thanh Đa.
Xuôi theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, qua cầu Kinh - cây cầu duy nhất gắn kết bán đảo này với thành phố - chúng ta bước vào Thanh Đa. Càng đi sâu vào bán đảo, thay vì bóng dáng của những tòa nhà cao tầng, hay các khu dân cư chen chúc là những hàng dừa nước, ao sen, những cây cầu nhỏ chỉ xe máy mới qua được
Dù chỉ cách Quận 1 chừng bảy, tám cây số, ta có cảm giác Thanh Đa thuộc về một không gian khác, như thể thời gian cũng chỉ dừng lại từ vài chục năm trước. Có thể nói, bán đảo Thanh Đa đã đóng góp rất nhiều vào diện tích mảng xanh thành phố, là nơi lý tưởng với những ai không có nhiều thời giờ nhưng vẫn muốn tìm về chốn không khói xe, tiếng ồn động cơ, tìm lại thanh bình, không khí thanh sạch.
Vì những điều đó, không ngạc nhiên khi vài tháng trước, một nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra ý tưởng biến nơi đầy thành một công viên sinh thái khổng lồ.
Việc một khu vực có diện tích hơn 400 hecta được đầu tư phát triển sinh thái sẽ góp thêm một "lá phổi xanh" cải thiện chất lượng không khí, nhất là khi khu vực ấy cách trung tâm không xa.
Nhìn ra thế giới, giữa lòng thành phố New York (Mỹ), công viên trung tâm New York nằm trên đảo Manhattan từ lâu đã trở thành địa điểm nổi tiếng toàn cầu. Công viên này góp phần tạo thêm điểm nhấn cho thành phố New York, bên cạnh danh tiếng là một trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu thế giới.
Tất nhiên, với vị trí ven sông lớn, biệt lập, nhiều khu vực vẫn còn hoang sơ, Thanh Đa chỉ còn thiếu một thiết kế chuyên nghiệp, quy hoạch bài bản để trở mình thành khu sinh thái, hướng đến thành điểm đến trên hành trình tham quan của du khách trong và ngoài nước.
Và cũng cần nói thêm, ý tưởng về việc hình thành một công viên sinh thái là tích cực, nhưng trước hết ý tưởng đó phải được người dân đang sinh sống ở Bình Quới - Thanh Đa đồng thuận, ủng hộ. Chính cư dân sinh sống lâu đời ở đây mới hiểu vùng đất này nhất.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cư dân, đảm bảo quyền lợi cho những hộ dân đã sống tại đây hàng chục năm, để họ trở thành những nhân tố tích cực trong việc giữ gìn sắc xanh của bán đảo, đó là điều không thể bỏ qua. Giống như, dù phương án quy hoạch nào được chọn, chúng ta vẫn hi vọng một phần lớn diện tích của Thanh Đa sẽ được dành cho mục đích sinh thái và phục vụ cộng đồng.
Hãy cùng hi vọng vào những kết quả tích cực từ cuộc thi đang được tổ chức, cũng như một tương lai đẹp cho Thanh Đa, để TP.HCM có thêm một không gian xanh và thỏa được giấc mơ "rừng trong thành phố" vốn đang được đặt ra với các "đại đô thị".
Tags