Sáng 18/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" đã chính thức khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại diễn đàn. Sau đó, phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã gợi ý một số nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội của Quốc hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” là một sự lựa chọn rất cần thiết vào lúc này để các nhà lập pháp, nhà hoạch định chính sách cùng chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi tìm kiếm giải pháp tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, chúng ta đang đứng trước tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nhiều biến động, bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Tuy đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số nước đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hệ lụỵ đối với các mặt đời sống xã hội còn nặng nề. Đặc biệt, môi trường phát triển và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới thật sự đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
"Điều hết sức đặc biệt là, ngược dòng bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Trước những biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, nếu không có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nguy cơ gặp nhiều khó khăn như đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, thậm chí nghiêm trọng hơn, sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Về xuất khẩu, sức ép lạm phát chi phí đẩy có xu hướng giảm nhờ giảm giá dầu thô và giá các đầu vào chiến lược của nền kinh tế, nên giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh cao. Mặc dù đạt được kết quả tích cực trong những tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm tốc do suy giảm kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính, nhất là ba nền kinh tế lớn Mỹ, châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Về đầu tư, tuy chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng vốn đầu tư công lại có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và các dòng vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hệ luỵ dây chuyền, đang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Khó khăn sẽ gia tăng nếu dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều nhanh chóng khi mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng mạnh.
Về tiêu dùng trong nước, đây là động lực có nhiều tiềm năng và đang tỏ ra vững vàng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Cầu nội địa đã phục hồi rất mạnh nhờ việc khắc phục được cơ bản các đứt gãy của nền kinh tế trong nước và nhờ kết quả triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Đây là gói kích thích kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mức sống, an sinh xã hội, giữ vững niềm tin. Trong ngắn hạn, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ hướng nội (du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, nhất là hàng không…) đang tạo nền tảng tăng trưởng khá vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam.
"Vào lúc này, rõ ràng, sự lựa chọn của Việt Nam là phải tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới. Đây là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động, bất ổn, đầy nghịch lý. Thực tiễn trước đây đã chứng tỏ rằng, chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn ở góc độ tổng thể với tầm bao quát dài hạn hơn, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả, mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội. Tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện “dài nhiều kỳ” về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được, có nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các "nút thắt" về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm…trong việc triển khai các dự án lớn.
Hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán hiện nay còn nhiều rủi ro bởi thiếu vắng sự giám sát an toàn hệ thống, về sở hữu chéo, về giao dịch thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật… Lĩnh vực bất động sản vẫn tồn tại những bất cập liên quan đến các quy định về xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án, về quản lý loại hình bất động sản hỗn hợp, về quy trình, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư và triển khai các dự án, chính sách hỗ trợ cân đối nguồn cung về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội... Mục tiêu phát triển thị trường lao động - việc làm đồng bộ, hiện đại và thông suốt cần được thực hiện tích cực hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đảm đương tốt vai trò bảo vệ người lao động trước các cú sốc kinh tế và phi kinh tế. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, đưa hoạt động đào tạo nghề phát triển về chất giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp...
- Chủ động đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu
- Chuyên gia Singapore: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, khắc phục những "điểm nghẽn" nói trên là điều kiện quan trọng để mở rộng dư địa chính sách, gia tăng tính chủ động trong điều hành kinh tế vĩ mô, giải phóng các nguồn lực, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững...
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục thông tin về hai phiên thảo luận chuyên đề tiếp theo sau Phiên khai mạc.
Xuân Tùng/TTXVN
Tags