Lễ hội Thành Tuyên 2024 sẽ được tổ chức "với quy mô quốc gia và hướng tới quy mô quốc tế" - đó là thông tin đáng chú ý trong tuần qua về một sự kiện văn hóa thường niên tại tỉnh Tuyên Quang.
Nhiều năm qua, sự kiện này vẫn được coi là lễ hội đón Tết Trung thu lớn nhất cả nước. Ở đó, trong những ngày gần Rằm tháng Tám, người dân toàn tỉnh, cũng như nhiều du khách từ các địa phương khác, vẫn đổ dồn về thành phố Tuyên Quang để thưởng thức lễ hội với hình ảnh biểu trưng là những chiếc đèn lồng lớn trên khắp phố phường.
Năm 2024 là tròn 20 năm lễ hội Thành Tuyên ra đời. Khởi điểm, đó là những đám rước đèn do các gia đình tại thành phố Tuyên Quang tổ chức dịp Trung thu. Dần dần, giữa các cộng đồng tại đây có sự thi đua trong việc làm lồng đèn và tổ chức rước, khiến hoạt động này dần trở nên phong phú.
Rồi, từ 2004, một số phường, tổ đứng ra tổ chức hoạt động này. Tiếp đó, lễ hội chính thức được nâng lên cấp thành phố từ 2008 và cấp tỉnh từ 2014.
Và theo dòng chảy ấy, những chiếc đèn lồng tại lễ hội ngày càng trở nên lớn về kích thước, với những đề tài mở rộng từ cổ tích, ngụ ngôn sang những di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh tại Tuyên Quang. Tương ứng, với sự phát triển của lễ hội, nhiều hoạt động - sự kiện bổ trợ cũng được chính quyền và doanh nghiệp địa phương tổ chức đồng hành…
Và khi "chiếc áo" cũ đã chật, từ năm 2022, tỉnh Tuyên Quang ban hành đề án "Đổi mới lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025" với kì vọng về một"sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có, mang lại nguồn lợi về kinh tế, xã hội cho tỉnh", trong đó có sự hưởng lợi của người dân.
Ở năm 2024 này, trong rất nhiều thay đổi, có thể thấy điểm nhấn phối hợp quan trọng của sự kiện là việc tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với sự góp mặt của Đờn ca tài tử, Nghệ thuật Bài chòi, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh… và dự kiến 2 di sản từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
***
Như thế, từ những cuộc chơi "tự phát"mà cộng đồng gửi gắm trí tuệ, tâm huyết, lễ hội Thành Tuyên đã từng bước chủ động được "nâng cấp" phát triển theo tính chất một lễ hội đa văn hóa, mang đậm bản sắc địa phương và gắn với chiến lược phát triển kinh tế - du lịch của tỉnh Tuyên Quang.
Và dù là một lễ hội mới xuất hiện trong 2 thập niên, "hạt nhân" của sự kiện này vẫn là một Tết Trung thu truyền thống vốn ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng. Bởi thế, đặc điểm quan trọng nhất của Lễ hội Thành Tuyên là tính xã hội hóa cao - khi mọi người dân tự giác tham gia và là chủ thể của lễ hội.
Tại đó, họ được chủ động sáng tạo, được thể hiện những kỹ năng độc đáo thông qua việc chế tạo các tác phẩm dân gian, kể từ ý tưởng, kỹ thuật thực hành cho tới cảm xúc dành cho trẻ em, gia đình - và rộng hơn là cho cả một vùng đất.
Đó là một điểm rất đáng chú ý, khi mà trong xu thế xây dựng và phát triển các lễ hội đương đại, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng chúng nên được phát triển từ "nền móng" là những sinh hoạt văn hóa vốn quen thuộc với cộng đồng, thay vì xây dựng những lễ hội đương đại hoàn toàn mới.
Có thể, việc phát triển lễ hội Thành Tuyên ở những tầm mức cao hơn sẽ là một chặng đường dài, và cần thêm những điều chỉnh, sàng lọc kế tiếp. Nhưng trước mắt, chúng ta hãy cứ cổ vũ cho quyết tâm phát triển sản phẩm gắn với công nghiệp văn hóa ở một địa phương xa Hà Nội.
Tags