Kể từ khi xem Hoa ban đỏ ra mắt lần đầu nhân kỷ niệm 40 chiến thắng Điện Biên Phủ (cách đây 30 năm), lại xem tiếp bao lần trên truyền hình, rồi bây giờ xem lại, đồng thời giao lưu với NSND Trần Lực, NSND Thu Hà, NSND Trung Hiếu trong Lễ khai mạc Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Điện ảnh Quân đội nhân dân, tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc như buổi đầu tiên ấy. Thật cảm phục sự tài hoa của nữ đạo diễn Bạch Diệp, người đã tái hiện chiến dịch Điện Biện Phủ vừa giàu cảm hứng sử thi, hào hùng, bi tráng, lại vừa dào dạt chất trữ tình, lãng mạn, tinh tế như một bài thơ.
1. Phim Hoa ban đỏ được NSƯT Bạch Diệp đạo diễn từ kịch bản của nhà văn Hữu Mai, do Xưởng phim Quân đội nhân dân sản xuất năm 1993, ra mắt năm 1994 nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên (7/5/1954 - 7/5/1994). Bộ phim được đầu tư quy mô, bối cảnh được dàn dựng công phu, kỹ càng, chân thực. Sự đầu tư kỹ càng thể hiện trong cuộc ra quân rầm rộ với ê-kíp sáng tạo hùng hậu đảm nhận nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau.
Phim lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của tiểu đoàn trưởng Phương (diễn viên Trần Lực đóng) khi đó có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 206 - cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh. Anh bị thương, và ở quân y viện, tình cờ gặp Tấm (diễn viên Thu Hà đóng) - cô y tá cùng làng, vốn là láng giềng thân thiết. Tấm lo lắng, hết lòng chăm sóc và thầm yêu anh. Tấm giấu rồi cũng đành phải kể cho Phương nghe cái chết thương tâm của mẹ anh và dân làng khi bị địch phục kích bất ngờ.
Dù vết thương chưa được tháo băng, tiểu đoàn trưởng Phương nôn nóng mong trở lại đơn vị. Anh chia tay Tấm ở một cánh rừng bừng nở hoa ban đỏ. Ngày cứ điểm bị đập tan, Tấm đã chạy khắp cánh đồng Mường Thanh tìm Phương trong tiếng hát quân hành của bộ đội ta mừng chiến thắng...
Từng là nữ văn công tham gia chiến trường năm xưa, đạo diễn Bạch Diệp đã gọi trở về miền ký ức chân thực nhất mà chính bà là người trong cuộc. Đạo diễn đã chọn một cách kể mới về đề tài chiến tranh ở Điện Biên. Thời điểm cuối cùng của cuộc chiến thật khốc liệt, có cảnh bộ đội ta đào hầm hào chiến đấu, có máy bay quần đảo, có xe tăng, đạn bom, có mất mát, đau thương không kể xiết, có sự sống cái chết trong gang tấc... Chiến tranh được nhìn, khai thác trong khoảng lặng của tình yêu nước, tình yêu cuộc sống, con người, tình yêu lứa đôi. Chính cách tìm tòi này đã khơi dậy sức sống Việt Nam đang tiềm ẩn trong huyết quản mỗi người dân yêu nước.
Chiến tranh được nhìn, khai thác trong khoảng lặng của tình yêu nước, tình yêu cuộc sống, con người, tình yêu lứa đôi.
2. Là đạo diễn có chính kiến, mạnh mẽ, quyết đoán, Bạch Diệp đã cộng hưởng được vào câu chuyện chiến tranh vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, tinh tế của phái đẹp. Người chiến sĩ ra trận mang theo tuổi trẻ đầy nhiệt huyết yêu nước và nét hồn nhiên, mơ mộng trong trẻo, lãng mạn. Chuyện tình yêu nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc thấm thía. Mỗi nhân vật trong phim đều thể hiện cao trách nhiệm công dân... Giữa phút nghỉ ngơi hiếm hoi, người lính vẫn vang lên tiếng hát... Sự lãng mạn, trữ tình, trong trẻo đã được đạo diễn thể hiện rất khéo léo.
Đạo diễn đầu tư, dàn dựng công phu cho đại cảnh hàng ngàn người, song cũng có những khoảng lặng xót đau của chiến tranh qua các phân cảnh độc đáo. Bà không quá tập trung những cảnh trận mạc mà quan tâm cuộc sống đời thường. Cảnh đoàn quân ra đi nguyên quân số, qua một đêm đã hy sinh gần hết. Cảnh chiến sĩ Đạt bị thương ở đầu, lúc thì gào thét xung phong, lúc thì lặng lẽ, ngơ ngác, ngoan như một đứa trẻ ngồi chơi bi với Tấm. Cảnh văn công ra chiến hào biểu diễn động viên tinh thần bộ đội. Cảnh bộ đội đào hầm lặng lẽ trong đêm xuyên đến lô cốt địch trong ngột ngạt. Cảnh Tấm mang ra chiến trường tất cả sự hồn hậu, trong trẻo với tình yêu thuần khiết và niềm tin vào ngày toàn thắng. Cảnh Tấm tìm kiếm, đợi chờ Phương trong đoàn quân đi xúc động đã lấy bao nước mắt của khán giả. Tấm vẹn nguyên hy vọng tìm thấy Phương trong đoàn quân chiến thắng: "Anh Phương ơi! Em sắp được gặp anh rồi. Em yêu anh. Anh có biết không". Một khoảng hẫng lớn hẫng hụt đầy cảm xúc gieo vào lòng khán giả.
Nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam
NSND Bạch Diệp (1929 - 2013) tên thật Nguyễn Thanh Tâm, sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Từ ngày đầu tiên bước chân vào nghề, hơn nửa thế kỷ, bà đã đạo diễn thành công nhiều bộ phim mang phong cách riêng như: Trần Quốc Toản ra quân (1971), Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982), Mảnh trời riêng (1983), Trừng phạt (1984), Y Hơ Nua (1985), Cuộc chia tay không hẹn trước (1986), Huyền thoại về người mẹ (1987), Ngõ hẹp (1988), Hoa ban đỏ (1994)...
Năm 1997, NSƯT Bạch Diệp được phong tặng NSND (đợt 4); là nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam và là một trong số các nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư Điện ảnh Liên Xô. Năm 2007, bà vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho 2 tác phẩm Ngày lễ thánh và Huyền thoại về người mẹ.
3. Mỗi khi nhắc đến phim Hoa ban đỏ, NSND Thu Hà vẫn da diết xúc động: "Đây là bộ phim để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và sự ám ảnh về tình yêu trong chiến tranh. Tôi cảm ơn cô Bạch Diệp đã cho tôi có cơ hội hóa thân vào một vai diễn nhiều cảm xúc của nữ chiến sĩ quân y. Trong vai trò nội tướng, cô Bạch Diệp rất mạnh mẽ, quyết đoán, khéo léo làm nên bản tình ca trong chiến tranh bi tráng, hào hùng mà vô cùng lãng mạn, tinh tế. Tôi may mắn, hãnh diện khi được cô tận tình chỉ dẫn để được góp mặt trong bộ phim lịch sử này".
Nghệ sĩ Trần Lực đã nhận xét về bạn diễn của mình: "Vai Tấm trong Hoa ban đỏ đã làm cho bộ phim chiến tranh trở nên mềm mại và thơ mộng lãng mạn đầy sức sống giữa cảnh trận mạc ác liệt. Hình ảnh cô gái trong sáng đứng bên cây cầu, trong tiếng nhạc Giải phóng Điện Biên hào hùng mà cứ đôn đáo kiếm tìm. Tôi đã khóc cho 2 nhân vật Phương và Tấm. Niềm tin, tình yêu khiến cho 2 người cứ thao thiết tìm nhau ở kết phim đã làm giàu lên ý nghĩa của bộ phim. Chiến tranh thật tàn nhẫn, khủng khiếp...".
Còn cô Tấm cũng dành cho bạn diễn của mình bao lời ngợi ca ngọt ngào: "Anh Trần Lực hóa thân quá đẹp từ hình ảnh đến diễn xuất. Chính vì thế, anh đã hóa thân tạo nên hình tượng tiểu đoàn trưởng đẹp, xúc động trong lòng khán giả. Anh đã chuyển tải được sự hồn hậu, phong thái thư sinh trong vai người lính và chính anh đã giúp tôi cộng hưởng vào vai Tấm đầy cảm xúc".
4. Đã 30 năm trôi qua, Hoa ban đỏ được đánh giá là phim truyện nhựa thành công với cách thể hiện sáng tạo của NSND Bạch Diệp do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất khi tái hiện lịch sử một cách độc đáo, thuyết phục, hấp dẫn, nói về chiến tranh cách mạng, nhưng hoàn toàn khác biệt, vượt lên trên các bộ phim cùng thời. Đây là một bộ phim chiến tranh có nhiều khoảng lặng khiến khán giả cứ day dứt bởi cái nhìn sâu thẳm về thân phận con người.
Hoa ban đỏ là minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn được thể hiện trong vẻ đẹp giản dị, chân chất, hồn nhiên mà vô cùng quyết liệt. Cứ mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, công chúng lại nhắc nhớ phim Hoa ban đỏ và NSND Bạch Diệp tài hoa.
Ê-kíp sáng tạo hùng hậu
Chỉ đạo nội dung Hoa ban đỏ do Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Đại tá Phạm Hoa và Thượng tá Đinh Xuân Dũng đảm nhận; Cố vấn quân sự (Trung tướng Vũ Cao); Giám đốc sản xuất (Đặng Xuân Hải); Phó giám đốc sản xuất (Phạm Tiến Đại, Lê Thi); Trợ lý giám đốc sản xuất (Lê Hợi, Hoàng Dũng Tuấn, Phạm Thọ); Thư ký, Trợ lý đạo diễn (Thanh Tùng, Lê Vinh Quốc, Nguyễn Thị Ngọc); Biên tập (Trần Thanh Hiệp); Âm nhạc (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân); Âm thanh (Nguyễn Huy Căn, Trương Thị Trâm); Họa sĩ (Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Hải Nghiêm); Dựng cảnh (Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Đức Tuynh, Lê Kỳ, Bùi Xuân Thiện); Kỹ thuật hình (Nguyễn Quốc Dũng); Phục trang (Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thu Hồng, Trần Đức Vinh); Dựng phim (Trần Minh Hải, Trần Lê Trang); Khói lửa (Nguyễn Văn Thắng); Tiếng động (Minh Tâm, Nguyễn Văn Bàn)...
Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên trong và ngoài quân đội hóa thân xuất sắc vào các nhân vật: Trần Lực (Tiểu đoàn trưởng Phương), Thu Hà (vai Tấm), Trung Hiếu (Bảy - em trai Tấm), Trọng Trinh (Quán), Phạm Thu Hà (Thanh), Tiến Hợi (Trung đoàn trưởng Hồng), Mạnh Cường (Tư lệnh Đại đoàn), Hồng Sơn (Chính ủy Đại đoàn), Quốc Trị (Thiêm), Công Lý (Được), Thanh Tùng (Phú), Trung Anh (Hoan), Kim Oanh (Thao), Hán Văn Tình (lão Mùi - bố của Tấm)...
Tags