Đến nay, nhờ sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, khá nhiều phim tài liệu, phim truyện điện ảnh, phim truyền hình đã được sản xuất về đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, như nhiều phim Nhà nước khác, các tác phẩm này cũng không có nhiều cơ hội được phổ biến rộng rãi tới công chúng.
Vấn đề này được một số chuyên gia nêu ra trong tham luận gửi tới hội thảo khoa học Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật khi nhìn lại từ thực tế sản xuất đến phổ biến những tác phẩm điện ảnh về đề tài Điện Biên Phủ nói riêng và đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng nói chung.
Những thước phim được đầu tư lớn
Thực tế, vào những năm chẵn nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, Nhà nước thường dành sự quan tâm đầu tư có trọng điểm cho những sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và lĩnh vực điện ảnh nói riêng. Phương thức đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh sản xuất phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng được thực hiện theo quy trình chặt chẽ từ tuyển chọn, xét duyệt kịch bản đến thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí làm phim.
Riêng về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay đã có một số lượng đáng kể phim truyện điện ảnh có quy mô sản xuất lớn và đạt thành công nhất định.
Đó là Hoa ban đỏ, phim truyện điện ảnh được sản xuất năm 1994, do đạo diễn - NSND Bạch Diệp cùng đội ngũ những người làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Với đề tài chiến tranh dạng bán tài liệu, hai nhân vật chính trong phim là Phương (NSND Trần Lực) - một tiểu đoàn trưởng bộ đội chủ lực và Tấm (NSND Thu Hà) - nữ dân quân kiêm y tá xinh đẹp. Phương và Tấm vốn là hàng xóm với nhau từ nhỏ, họ gặp lại nhau khi cùng tham gia chiến đấu. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, Phương bị trọng thương và được Tấm (người luôn thầm yêu anh) hết lòng chăm sóc. Khi vết thương đã lành, Phương xa Tấm để trở về đơn vị, cuộc chia tay cảm động giữa cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ khiến bao khán giả rơi nước mắt.
Còn là Ký ức Điện Biên, phim truyện điện ảnh của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, dựatheo kịch bản ban đầu mang tên Người hàng binh của Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đỗ Minh Tuấn. Phim được đầu tư kinh phí sản xuất hơn 13 tỷ đồng, được xem là mức đầu tư kỷ lục vào thời điểm đó.
Câu chuyện Ký ức Điện Biên mô tả tình yêu, sự đau khổ cố gắng kìm nén ghen tuông, sự hiểu lầm, sự tỉnh ngộ mang đầy tính nhân văn xung quanh mối quan hệ tay ba giữa Bạo (Phạm Quang Ánh) - một người lính vệ quốc đoàn, Bernard - một trung sĩ thuộc đơn vị Huguette 1 trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh và Mây (Kiều Anh) - một cô y tá trong đơn vị dân công đang tải gạo lên chiến trường, khi họ tình cờ gặp nhau, thực hiện nhiệm vụ được giao và chăm sóc nhau trên chiến trường.
Hoặc, Sống cùng lịch sử cũng do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2014, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn theo kịch bản cùng tên của Đoàn Minh Tuấn. Phim được chiếu nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là bộ phim được Nhà nước đặt hàng với kinh phí sản xuất 21 tỷ đồng. Nếu tính theo giá USD vào thời điểm đó thì Sống cùng lịch sử là dự án phim triệu đô của Hãng phim truyện Việt Nam.
Phim xoay quanh nhóm bạn trẻ đi phượt qua những chiến tích Điện Biên Phủ năm xưa. Suốt hành trình, họ mơ thấy mình xuất hiện trong những trận chiến của ông cha, gặp các anh hùng lịch sử và hóa thân thành những dân công kéo pháo, đào hầm trong suốt 56 ngày đêm. Từ những con người của thế giới hiện đại, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội, họ dần thay đổi theo hướng tích cực.
Với Hoa ban đỏ, Ký ức Điện Biên, Sống cùng lịch sử… hay nhiều tác phẩm phim truyện điện ảnh về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng khác, có thể thấy những người làm phim đã cố gắng tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ kể chuyện; thiết kế những bối cảnh lớn với hầm hố, chiến hào, đồn, bốt, cứ điểm địch; huy động số đông diễn viên quần chúng trong nhiều đại cảnh; gia công vô số trang phục, đạo cụ; sử dụng triệt để hiệu quả khói lửa, đạn nổ,… để nhằm tái hiện chân thực, sinh động sự kiện lịch sử.
"Điểm nghẽn" cần tháo gỡ
Thế nhưng, có một hiện trạng đáng buồn như lời PGS-TS Đỗ Lệnh Hồng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam thì, "hầu hết những bộ phim này đều chỉ được chiếu một vài buổi nhân dịp kỷ niệm ngày lễ, hoặc một vài buổi chiếu có bán vé, song do không có chi phí quảng cáo hợp lý, phim quá ít khách rồi cất vào kho. Sự lãng phí này đã tồn tại rất lâu mà chưa có cách nào tháo gỡ".
Lấy ví dụ về trường hợp phim truyện về đề tài chiến tranh Đào, phở và piano bất ngờ tạo nên cơn sốt phòng vé nhờ sức mạnh lan tỏa của truyền thông trên không gian mạng thời gian vừa qua, ông Tú cho rằng, đây là sự kiện đáng mừng nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề là "điểm nghẽn" cần được quan tâm giải quyết.
"Đó là, thực tế hiện nay, hầu hết các rạp chiếu bóng khang trang với thiết bị hiện đại, chất lượng hình ảnh, âm thanh đạt tiêu chuẩn quốc tế - đều thuộc sở hữu tư nhân, hoặc các pháp nhân nước ngoài. Do thế, bất cứ chủ phim nào muốn mang phim đến chiếu, ngoài các khoản chịu thuế, đều phải trả tiền thuê rạp, tiền điện, nước và thù lao nhân viên phục vụ. Ngoài ra, còn phải thảo luận ăn chia 5/5, 4/6… giữa chủ rạp với chủ phim sau khi phát hành. Do đó, với cơ chế gò bó hiện thời, phim do Nhà nước tài trợ sản xuất khó có thể đến với hệ thống rạp này".
Hoặc về vấn đề quảng cáo, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hồng Tú cho biết: "Từ lâu nay, Nhà nước mới chỉ đầu tư kinh phí cho hoạt động sản xuất phim mà chưa đầu tư chi phí cho quảng cáo (ngoài chi phí tối đa 100 triệu cho cuộc họp báo duy nhất/ mỗi bộ phim được sản xuất). Vì thế, cần quan tâm đặc biệt đến chiến lược quảng cáo, tuyên truyền giới thiệu phim".
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, khía cạnh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm - vốn cực kỳ quan trọng trong việc đưa sản phẩm phim ảnh đến công chúng - được các nước có nền điện ảnh phát triển đặc biệt coi trọng và hiện tư nhân ở ta cũng đang làm rất tốt.
Cho nên, theo ông Tân, việc dự toán ngân sách hỗ trợ sản xuất phim không duyệt chi phần này khiến các phim sử dụng ngân sách hầu như không có cơ hội ra rạp chiếu thương mại. Trường hợp phát hành bộ phim Đào, phở và piano tạo nên cơn "sốt" vừa qua chỉ là hiện tượng đơn lẻ, bộc phát nhưng cho thấy vai trò của quảng bá, tiếp thị phim ảnh quan trọng như thế nào.
Song, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tân, để giành được sự quan tâm, chú ý của dư luận, kích thích trí tò mò nơi người xem, quảng bá có hiệu quả cho phim thì không chỉ một sớm, một chiều mà có được.
Trên thực tế, việc tạo dựng hiệu ứng truyền thông cho mỗi bộ phim mới phải bắt đầu từ khi dự án được khởi động. Cùng với các chuyên mục talk show, giới thiệu phim, phỏng vấn tại các kênh trên sóng truyền hình truyền thống, báo điện tử, báo in… vốn có lâu nay; cần tận dụng triệt để sức chia sẻ, hiệu quả lan truyền thông tin trên các nền tảng số, mạng xã hội để quảng bá về bộ phim đang làm, sắp chiếu.
Bên cạnh đó, cần ghi nhận đóng góp của các nhà truyền thông, những người điểm phim "có tâm" trên mạng xã hội đã chủ động hướng người trẻ đến với những bộ phim có nội dung và nghệ thuật tốt. Bởi, theo ông Tân, "thực tế, khán giả vẫn đang ủng hộ, yêu thích phim Việt Nam. Nhiều chuyên gia đánh giá hiện nay đang là thời điểm vàng cho phim Việt Nam. Đối tượng khán giả đến rạp hiện ngày càng phong phú với trình độ, thị hiếu khác nhau, dù giới trẻ vẫn chiếm đến 85 - 90% lượng người xem".
"Thực tế, khán giả vẫn đang ủng hộ, yêu thích phim Việt Nam. Nhiều chuyên gia đánh giá hiện nay đang là thời điểm vàng cho phim Việt Nam"... - ông Nguyễn Văn Tân, PCT Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tags