Mặc dù đã tận dụng các ô đất trống, gầm cầu, sân trường học, lòng đường… để làm nơi trông giữ phương tiện nhưng hệ thống giao thông tĩnh của thành phố vẫn “cung không đủ cầu”, đặc biệt là ở một số khu đô thị, khu di tích danh thắng vào mùa cao điểm.
Đáng lưu ý, một số nơi không thiếu điểm gửi xe nhưng phương tiện vẫn đỗ tràn lan ngoài đường, trên hè, thậm chí các điểm trông giữ xe tự phát vẫn đua nhau mọc lên, một đoạn ngõ nhỏ, hè đường cũng biến thành điểm trông giữ xe. Tình trạng vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi khiến người dân bức xúc và yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm.
Đến khu đô thị Linh Đàm, nơi đông dân nhất Thủ đô, chỉ riêng dân số các tòa HH trong bán đảo Linh Đàm đã gần bằng 2 phường bình thường của thành phố Hà Nội, trong khi hạ tầng không thay đổi dẫn đến mọi thứ đều quá tải, đặc biệt là các điểm trông giữ xe, Ngoài các điểm đỗ được cấp phép, hầu hết các ô đất trống, vỉa hè, lòng đường ở đây đều bị chiếm dụng dừng đỗ xe tùy tiện.
Tại khu vực Đền Voi Phục (quận Ba Đình), trên đường Bưởi từ nút giao Kim Mã đến nút giao với đường Đào Tấn; khu vực trước cổng Vườn Thú Hà Nội cũng thường xuyên diễn ra tình trạng trông giữ xe tự phát, dừng đỗ sai quy định vào dịp lễ Tết. Dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, lực lượng chức năng quận Ba Đình đã ra quân, kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, dừng đỗ xe sai quy định, thu giá quá trên địa bàn. Tại khu vực trước cổng Vườn Thú Hà Nội tồn tại điểm trông giữ xe ô tô tự phát trong ngày và theo tháng. Mặc dù lực lượng chức năng của phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình đã nắm bắt và xử lý nhiều lần nhưng việc xử lý điểm trông giữ này vẫn gặp khó khăn. UBND quận đã đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu có biện pháp quản lý mặt bằng đảm bảo hạn chế tình trạng trông xe tự phát, sai quy định.
Phục vụ du khách đến với lễ hội Chùa hương năm nay, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã tổ chức 4 bãi trông giữ phương tiện cho người dân. Các bãi trông giữ phương tiện này có đường dây nóng, cam kết đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, niêm yết giá vé, thu đúng giá quy định. Tuy nhiên, trong khi các bãi trông giữ phương tiện chưa sử dụng hết công suất thì các phương tiện vẫn dừng đỗ tùy tiện ngoài đường hoặc gửi vào các điểm trông giữ tự phát.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại du lịch 63 – 68 Phạm Văn Cường cho biết, điểm trông giữ phương tiện của đơn vị ở khu vực Chùa Hương thu phí trông giữ xe tự động, xuất vé đầu vào, đầu ra xuất hóa đơn diện tử, có thông tin mã vạch, nhờ đó người gửi xe biết được mình đang ở mức phí nào và bao nhiêu tiền. Cụ thể, giá vé giờ vào đối với xe dưới 9 chỗ là 10.000 đồng/giờ, còn xe từ 9 chỗ trở lên là 12.500 đồng/giờ theo đúng quy định. Điều này giúp công ty quản lý được và người gửi xe cũng yên tâm không bị thu phí “chặt chém”, phương tiện có bảo hiểm và được bảo vệ an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Cường, tình trạng phương tiện đỗ tràn lan ở bến bãi tự phát bên ngoài, trên các tuyến đường, đặc biệt tỉnh lộ 419 và trước các nhà dân, chứ không gửi vào trong các bãi trông giữ được cấp phép đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xử lý.
Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hưng cho biết, lực lượng chức năng huyện Mỹ Đức đã tiến hành kiểm tra các điều kiện để các bãi trông giữ phương tiện được phép hoạt động. Nét mới năm nay là doanh nghiệp, hợp tác xã tự quản lý, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải giám sát, giải tỏa hành lang giao thông, bến cóc và tuyên truyền pháp luật cho người dân. Trong đợt phục vụ Tết Nguyên đán, kể cả ngày cao điểm nhất, các bãi trông giữ phương tiện không quá tải, đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp nào thu quá giá vé quy định. “Đối với phản ánh về các điểm trông giữ tự phát của người dân, ngay trong chiều nay, Thanh tra Giao thông Vận tải huyện Mỹ Đức cùng tổ liên ngành sẽ tiến hành khảo sát địa bàn, nếu phát hiện những điểm dừng đỗ xe trái phép vào nhà dân sẽ lập biên bản, yêu cầu cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Hưng nói.
Là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm thu hút một lượng phương tiện rất lớn kèm theo nhu cầu gửi, đỗ xe. Để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân hiện nay trên địa bàn quận có 4 đơn vị được cấp phép trông giữ xe gồm: Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, Công ty TNHH 901, Công ty Tùng Linh – Gia Khánh và Công ty cổ phần Đồng Xuân. Theo đại diện Phòng quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, đơn vị thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các bãi trông giữ phương tiện thực hiện đúng giấy phép, không để xảy ra tình trạng nâng giá vé, thu quá giá quy định, trông giữ quá diện tích. Đặc biệt, Phòng quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm và các phường có nhóm zalo, khi đi kiểm tra nếu phát hiện trường hợp vi phạm thông báo ngay lên nhóm để xử lý kịp thời. “Tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa được triệt để, vẫn còn một số người dân tận dụng các đoạn ngõ trông vài cái xe; trước các quán cà phê dọc các tuyến phố như: Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… khách cũng thường dừng đỗ xe để vào quán”, đại diện Phòng quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm thừa nhận.
Những ngày cuối tháng 2/2024, theo chân cán bộ Thanh tra đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hoàn Kiếm và quận Tây Hồ kiểm tra tại một số điểm trông giữ xe trên địa bàn cho thấy trong khi các điểm trông giữ xe được cấp phép đảm bảo các quy định vẫn chưa sử dụng hết công suất thì phía bên ngoài các điểm trông giữ xe này, phương tiện vẫn đỗ tràn lan ngoài đường như khu vực gầm cầu Long Biên.
Cái khó của lực lượng chức năng khi đi kiểm tra, xử lý phương tiện dừng đỗ sai quy định là người dân thiếu hợp tác. Do đó lực lượng chức năng khi phát hiện trường hợp vi phạm là phải quay video làm bằng chứng. Thậm chí có những trường hợp phương tiện dừng đỗ nửa trên hè, nửa dưới lòng đường hay cùng tuyến phố có đoạn cấm đỗ nhưng có đoạn lại không cấm; phát hiện phương tiện dừng đỗ sai quy đinh nhưng khi lực lượng chức năng ra xử lý thì mất “biển cấm đỗ”… tất cả những điểu này gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, xử lý, đại diện các đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ cho biết.
Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thực hiện hàng trăm buổi kiểm tra các điểm trông giữ xe có thu phí trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã lập biên bản 95 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 474 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ lập biên bản vi phạm hành chính giảm 15 vụ (tương đương 13,64%); số tiền xử phạt vi phạm hành chính giảm 35,5 triệu đồng (tương đương 6,97%). Để tiếp tục duy trì, thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng liên ngành, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra tại các điểm trông giữ phương tiện, các điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố. Từ đó, đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thu hồi giấy phép đối với các điểm trông giữ phương tiện có bất cập về tổ chức giao thông, không bảo đảm an toàn giao thông hoặc có nhiều lần vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử lý.
Tags