(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 ngày 17/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 140.511.282 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.012.481 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 119.324.809 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 579.942 ca tử vong trong tổng số 32.305.912 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 175.673 ca tử vong trong số 14.521.683 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 369.024 ca tử vong trong số 13.834.342 bệnh nhân.
Theo hãng tin AFP, tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 264 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 254 người và Bosnia-Herzegovina với 235 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 47,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 852.100 ca tử vong trong hơn 26,8 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 588.770 ca tử vong trong hơn 32,5 triệu ca nhiễm.
Châu Á ghi nhận hơn 292.160 ca tử vong trong hơn 20,5 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 120.780 ca tử vong, châu Phi có hơn 117.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.020 người.
Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 25.638 ca nhiễm mới và 239 ca tử vong. Hiện số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Đức đã lên lần lượt hơn 3,1 triệu ca và hơn 80.000 ca.
Trong bối cảnh Quốc hội Đức đang thảo luận việc sửa đổi Luật Phòng chống lây nhiễm nhằm gia tăng quyền lực cho Chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp chống dịch nhất quán trên cả nước, một số địa phương ở Đức như bang Brandenburg và thành phố Köln đã thông báo kế hoạch áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm kiểm soát tình trạng lây nhiễm.
Pháp cũng ghi nhận thêm 36.442 ca mắc và 313 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 5.224.321 ca và 100.404 ca. Ba Lan thông báo 21.934 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.660.088. Số ca tử vong cũng tăng thêm 595 ca lên 61.208 ca.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện khiến Slovakia lên kế hoạch nới lỏng các lệnh phong tỏa bằng cách không yêu cầu kiểm dịch bắt buộc đối với khách du lịch lưu trú tại các quốc gia EU được chỉ định, cũng như Anh và Thụy Sĩ. Slovakia cũng đã sửa đổi quy định miễn trừ kiểm dịch cho nhân viên của các nhà thầu cơ sở hạ tầng và các chuyên gia trong lĩnh vực quan trọng, trừ các tình huống khẩn cấp.
Tại châu Mỹ, Peru hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực với hơn 1,68 triệu ca nhiễm bệnh và khoảng 56.000 ca tử vong, tính đến thời điểm hiện tại. Ngày 16/4, Chính phủ Peru quyết định gia hạn việc tạm ngừng các chuyến bay từ Anh, Brazil và Nam Phi tới nước này thêm 2 tuần, từ ngày 16/4 đến hết ngày 30/4, như một biện pháp hạn chế nguy cơ cơ xâm nhập biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Trong khi đó, Chile vẫn đang phải đối phó với làn sóng thứ hai dịch COVID-19 với số ca bệnh mới trung bình mỗi ngày vào khoảng 7.000 trường hợp. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca COVID-19, trong đó có gần 25.000 trường hợp tử vong.
Tại châu Phi, Văn phòng các sân bay Maroc (ONDA) cho biết sẽ tạm dừng các chuyến bay chở khách đến và đi từ 13 quốc gia khác cho đến khi có thông báo mới. Đó là các quốc gia gồm Albania, Bulgaria, Cyprus, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Romania, Serbia, Slovakia và Slovenia.
Cũng theo nguồn tin này, quyết định đình chỉ trên cũng áp dụng cho du lịch đến 13 quốc gia này và sau đó di chuyển đến các quốc gia khác. Việc đình chỉ các liên kết hàng không này là một phần trong các biện pháp mà Maroc thực hiện nhằm chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Tính đến hết ngày 16/4, Maroc đã ghi nhận tổng cộng 504.847 trường hợp mắc COVID-19 và 8.934 ca tử vong, trong đó nước này đã ghi nhận 587 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Hiện Maroc xếp thứ hai trong tốp 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, chỉ sau Nam Phi.
TTXVN
Tags