(Thethaovanhoa.vn) - Một hệ thống máy tự động hoạt động như ATM, chỉ cần nhấn nút thông minh thì sẽ có khoảng 1,5kg gạo được chảy ra. Máy hoạt động 24/24h tại số 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, đang thu hút sự chú ý của người dân nghèo, nhất là những người bán vé số, người có hoàn cảnh neo đơn, bị thất nghiệp do dịch COVID-19.
Chiều 7/4, bà N.T.N.M chạy chiếc xe máy “cà tàng” hơn 4km từ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân xuống 204B Vườn Lài, phường Phú Hòa Thọ, Tân Phú để nhận bịch gạo miễn phí. Gia đình bà Mỹ hiện có 4 người, nhưng kinh tế trong nhà chủ yếu dựa vào nghề bán vé số của bà, chồng bà mới thất nghiệp gần đây. Từ khi Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngưng phát hành xổ số kiến thiết để phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng, gia đình bà Mỹ gặp muôn vàn khó khăn.
“Tôi nghe đứa cháu đọc thông tin trên mạng thấy ở đây có phát gạo miễn phí nên chạy tới xem thử. Thật may ở đây đúng là có phát gạo miễn phí. Dù số lượng gạo không nhiều, nhưng bịch gạo này cũng phần nào giúp đỡ những người như gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Mỹ nói.
- Những ngày không quên tập 2: Thành phố náo loạn tích trữ đồ vì COVID-19
- Thay 'Đừng bắt em phải quên' trên VTV1 là 'Những ngày không quên' đề tài COVID-19
- Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế
Còn bà N.T.L ở phường Phú Hòa Thọ khi đi ngang qua điểm phát gạo miễn phí cũng vội chạy vào xếp hàng chờ đến lượt mình. Bà Liên làm nghề sửa đồ cũ tại nhà, nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chẳng có mấy người tới chỗ bà để sửa đồ nên kinh tế trong nhà cũng gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng bà Liên, bà Mỹ, nhiều người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh khi nghe ở khu vực này có điểm phát gạo miễn phí đã tập trung về đây chờ đến lượt mình được nhận gạo. Sáng kiến sử dụng máy phát gạo tự động cho người dân có hoàn cảnh khó khăn được nhóm nhân viên Công ty PHGLock (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai thực hiện.
Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock cho biết, bản thân anh nhận thấy trong mùa dịch có nhiều người muốn tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, nhưng nếu phát thủ công và tập trung đông người thì rất dễ xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Sẵn làm trong nghề tự động, anh cùng nhóm nhân viên đã tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động. Cấu tạo máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo. Khi một người tới nhấn nút, gạo sẽ tự động chạy ra từ trong thùng chứa gạo. Mỗi một lần lấy được khoảng 1,5kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 ngày.
Đáng chú ý, chiếc máy cũng sẽ thực hiện giám sát người tới lấy gạo, nếu lấy gạo quá 1 lần, máy sẽ không thực hiện. Đồng thời, máy hoạt động 24/24h, trường hợp người dân tập trung đông quá, có thể giãn ra rồi quay lại nhận sau không sợ hết. Từ đó, người phát gạo và người nhận không tiếp xúc với nhau sẽ tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Dù lúc đầu mới triển khai (ngày 6/4), số lượng người dân tới nhận còn khá ít, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, đến 16 giờ chiều 7/4, người dân tập trung về đây ngày càng đông. Để phòng ngừa dịch bệnh, nhân viên Công ty PHGLock liên tục sử dụng loa kêu gọi mọi người cần chú ý đứng giãn cách nhau 2m; đồng thời quy định khu vực không tập trung quá 10 người, sai quy định máy sẽ ngừng hoạt động để phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài việc phát gạo miễn phí, Công ty cũng bố trí một quầy rửa tay khô và phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng dịch.
Theo anh Hoàng Tuấn Anh, phần lớn gạo được bản thân anh và nhân viên Công ty cùng chung tay quyên góp mua về để phát miễn phí cho người dân. Lúc đầu, Công ty dự kiến một ngày phát khoảng 500 kg gạo, tuy nhiên chỉ trong vòng chưa tới 2 ngày thực hiện, số lượng gạo ước tính mỗi ngày đã tới 3-5 tấn. Với nhu cầu lớn như vậy khả năng Công ty không đáp ứng đủ. Do vậy, nhóm đang kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngay trong ngày 7/4, một số mạnh thường quân đã đăng ký tham gia hỗ trợ cùng nhóm.
Dự kiến máy phát gạo tự động này sẽ hoạt động đến hết mùa dịch COVID-19. Khoảng 1-2 tháng sau khi hết dịch bệnh, những người lao động khó khăn đã có công ăn việc làm ổn định thì nhóm sẽ ngưng phát gạo.
H.Chung - TTXVN
Tags