Nhịp điệu đặc biệt của SEA Games trong tuần qua khiến chúng ta dường như ít để ý tới một thông tin thú vị: UBND Hà Nội vừa ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Quy chế này sẽ có hiệu lực từ ngày mai 27/5.
Nói “thú vị” bởi kể từ khi phố đi bộ Hồ Gươm được thiết lập 6 năm trước, giới quản lý đã nhắc rất nhiều tới sự cần thiết của một bộ quy chế như vậy. Nó liên quan tới cách “nhập cuộc” của cộng đồng trong những không gian đô thị dành cho đi bộ - một mô hình mới chỉ vào Việt Nam trong vài năm gần đây.
Về cơ bản, bộ quy chế này yêu cầu người tham gia không gian đi bộ tại Hồ Gươm thực hiện các ứng xử văn hóa như không mang vật nuôi, không sử dụng các thiết bị loa, đài, trống để phát âm thanh công suất lớn, có trang phục lịch sự... không có những hành vi, lời nói thô tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Tương tự, các tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu không tranh giành lôi kéo khách, phải đăng ký kinh doanh và chỉ bán những mặt hàng được phép, giao tiếp lịch sự hòa nhã, có niêm yết và bán đúng giá hàng, không thu phí trông giữ xe quá giá quy định tại các tuyến phố phụ cận khu đi bộ...
Thực chất, kể từ khi dự thảo quy chế này được đưa ra vào năm ngoái, đã có nhiều ý kiến tranh luận - không phải vì sự cần thiết của nó mà bởi một lý do đơn giản: Rất nhiều quy định ở đây là điều đã, và cần được yêu cầu thực hiện tại mọi không gian đô thị trên cả nước. Chẳng lẽ, chỉ riêng tại Hồ Gươm, cộng đồng mới cần tới... sự văn minh?
Nhưng, cũng cần nhìn rõ: Khu vực phố đi bộ Hồ Gươm cũng chính là không gian cộng điển hình nhất của Hà Nội, nơi người ta có thể chứng kiến đầy đủ mọi sắc thái trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Và, cộng đồng hiện rõ ràng chưa thể hoàn hảo về văn hóa ứng xử - nhất là trong một không gian đông đúc và dễ bị rơi vào cảnh quá tải.
Chèo kéo chặt chém khách, sử dụng hệ thống tăng âm quá tải tạo ra rác âm thanh - đó chỉ là những hiện tượng bề nổi mà cơ quan chức năng có thể giám sát và xử lý. Nhưng, thái độ ích kỷ, thiếu ý thức - cũng như những thói quen ứng xử tùy tiện theo kiểu tiểu nông - lại là câu chuyện tự thân của mỗi người trong số hàng ngàn du khách vẫn đổ về đây vào dịp cuối tuần.
Không cần kể lại những “hạt sạn” ứng xử từng có, chỉ một nhận xét của các chuyên gia từng khảo sát tại đây cũng đủ làm chúng ta thừa nhận: Những hành vi chưa đẹp ở phố đi bộ Hồ Gươm chủ yếu đến từ cộng đồng bản địa chứ ít khi bị bắt gặp ở những du khách quốc tế vốn đã quen với nếp ứng xử tại nhiều quốc gia khác.
- Góc nhìn 365: 'Gặp lại' phố đi bộ Hồ Gươm
- Hà Nội: Phố đi bộ Hồ Gươm mở cửa sau 5 tuần tạm dừng
- Nhiều hoạt động văn hóa trong tháng 6/2020 tại Phố đi bộ Hồ Gươm
Và, rõ ràng nếu khái niệm “văn minh đô thị” vẫn được chúng ta nhắc tới theo nghĩa rộng, thì phố đi bộ cũng cần tới một văn hóa riêng - nơi không gian và sự tương tác qua lại sẽ có rất nhiều đặc thù.
Đã từng có người nói vui rằng chúng ta không chỉ có phố đi bộ muộn hơn so với nhiều quốc gia phát triển, mà còn loay hoay với thói quen này - khi mà hàng ngày, mỗi người cũng ít có dịp đi bộ trên những vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm. Cũng như, cách đi bộ tại Hồ Gươm và nhiều không gian đi bộ bây giờ vẫn mang tính phong trào - khi dòng người luôn di chuyển với sự hoạt náo hối hả, thậm chí vội vàng, thay vì sự thư giãn nhàn tản để thưởng ngoạn.
Đó có thể là chuyện còn phải bàn tiếp. Nhưng rõ ràng, sẽ là hợp lý, nếu chúng ta cùng nhìn không gian đi bộ tại Hồ Gươm như một điểm đến không chỉ để vui chơi mà còn để tạo dựng thói quen văn hóa và văn minh đô thị trong mỗi dịp cuối tuần.
Trí Uẩn
Tags