Dệt may hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Với chính sách thuế đối ứng đối với tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, theo giới chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam vẫn có đủ khả năng và tự tin để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Hirdaramani là Tập đoàn chuyên sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, có nhà máy ở Việt Nam, Sri Lanka, Bangladesh, Ethiopia và Nicaragua. Bà Nguyễn Thị Kim Trang, Trưởng Phòng xuất nhập khẩu Công ty Fashion Garments thuộc Tập đoàn Hirdaramani cho biết, việc Hoa Kỳ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày khiến doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị, có thêm hy vọng việc đàm phán của Chính phủ sẽ mang lại thuế suất như trước hoặc giảm được mức thuế áp cho Việt Nam.
Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex cho hay, nếu thuế đối ứng vẫn được áp dụng, đơn hàng tại Hoa Kỳ có thể sụt giảm hoặc đơn giá giảm mạnh. Vì các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ sẽ không chuyển 100% chi phí tăng thêm vào giá bán, mà chỉ tăng nhẹ một phần để hạn chế mức tác động tăng chi phí lên người tiêu dùng Hoa Kỳ. Chi phí còn lại sẽ được chia sẻ cho nhà sản xuất và điều này sẽ tạo áp lực cho nhà sản xuất phải giảm giá nếu muốn bán được hàng vào Mỹ.
Doanh nghiệp có thị phần lớn ở Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng lớn do nhu cầu tiêu dùng dệt may của Hoa Kỳ giảm. Khó khăn trong ngắn hạn để khai thác thị trường mới thay thế bởi khai thác được thị trường mới cần rất nhiều thời gian.

Dây chuyền gia công hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Tuy nhiên, theo ông Cầm, vẫn có những kỳ vọng để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tin tưởng và ổn định sản xuất trong thời gian tới. Đó là kết quả đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ có kết quả tích cực nhờ sự chủ động của Chính phủ cũng như các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Theo ông Cầm, năng lực sản xuất dệt may nội địa tại Hoa Kỳ hiện chỉ đáp ứng được khoảng 3%, thậm chí chưa tới 3% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các chuyên gia trong ngành dệt may của Hoa Kỳ cho biết, sẽ rất tốn kém và phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được ngành may mặc của nước này.
Theo Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ, số lượng người làm việc trong ngành sản xuất may mặc hiện chỉ xấp xỉ 100.000 lao động. Trong khi ở Việt Nam, con số này là 2,5 - 2,7 triệu lao động. Do vậy, chỉ với 100.000 lao động, Hoa Kỳ không thể bù đắp được phần suy giảm nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Cùng với việc thiếu lao động lành nghề và sẵn sàng làm việc, Hoa Kỳ không có nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước. Theo văn bản của Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ gửi cho Đại diện thương mại của Tổng thống Donald Trump, khoảng 70 loại vật liệu dùng để sản xuất một đôi giày thông thường tại Hoa Kỳ là không có sẵn mà phải nhập khẩu.
Trong khi đó, việc dịch chuyển sản xuất hàng loạt, quy mô lớn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tất cả các quốc gia đều bị đánh thuế cao. Sẽ xảy ra hiện tượng dịch chuyển một số đơn hàng lẻ, ghép vào được năng lực sản xuất của một số quốc gia có mức thuế thấp hơn. Vì việc dịch chuyển sản xuất đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, ít nhất từ 1-2 năm để ổn định khu vực sản xuất mới.
Theo nghiên cứu của Đại học Yale, người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong chiến dịch đánh thuế này. Với cùng một rổ hàng hóa, mỗi hộ gia đình Mỹ năm 2025 ước tính phải chi thêm 3.800 USD so với năm 2024. Trong đó, hàng may mặc sẽ tăng giá nhiều nhất, chỉ sau đồ da. Khi rổ hàng hóa tăng giá, nguy cơ lạm phát hiện hữu, Fed có thể duy trì lãi ở mức cao hơn so với dự kiến và không theo lộ trình giảm trong năm 2025, tạo nên gánh nặng rất lớn cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Các hiệp hội, ngành hàng liên quan may mặc và giày dép đã gửi thư cho Chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng này để giảm áp lực.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, khả năng đàm phán thành công đối với ngành dệt may là rất cao. Vì việc đánh thuế quan cao thường để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng Hoa Kỳ hầu như không may quần áo. Việc đánh thuế cao, chỉ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ Hoa Kỳ thiệt hại. Thậm chí, các nhà bán lẻ Hoa Kỳ có thể phải dịch chuyển kinh doanh sang thị trường khác.

Thiết kế mẫu hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc Dony, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Nếu không thành công, các doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng. Vì Hoa Kỳ áp thuế cao cho tất cả các nước chứ không chỉ áp riêng cho Việt Nam. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do. Đó là các thị trường có thuế suất rất ưu đãi, không kém hấp dẫn so với thị trường Hoa Kỳ.
TÜV Rheinland là công ty hàng đầu thế giới về kiểm nghiệm, đánh giá và chứng nhận sản phẩm cho các nhãn hàng và người mua trên toàn cầu. Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của Công ty TÜV Rheinland Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không nên quá lo lắng.
Theo kết quả cuộc họp gần đây của TÜV Rheinland với các nhãn hàng về vấn đề xử lý thuế đối ứng, các nhãn hàng cho biết vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam, do có sự ổn định chính trị, chi phí nhân công cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu khác của nhãn hàng về năng lực, quy mô sản xuất cũng như kỹ năng làm hàng giá trị cao.
Theo bà Thúy, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp biết cách tận dụng cơ hội và lợi thế của mình như thế nào. Hàng dệt may Việt Nam được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao do đa dạng chủng loại, chất lượng tốt, có đặc trưng riêng, có thể kể đến như hàng xuất khẩu của Công ty Phong Phú, Công ty May 10, Công ty May Sông Hồng...
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex cho rằng, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với ngành dệt may Việt Nam. Ngành đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới. Điều quan trọng nhất lúc này không phải là hoang mang, lo lắng mà là tinh thần kiên định, dũng cảm, gắn bó, sẵn sàng làm việc với hiệu suất cao nhất trong 90 ngày tới.
Bài cuối: Tái cấu trúc, củng cố thương hiệu
Tags