Design đồ dùng thường nhật đầu Thế kỷ 20 và Máy bay

Thứ Sáu, 17/10/2014 15:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách tranh Kỹ thuật của người An Nam của Henry Oger 1908, là tổng kết toàn diện về hình ảnh đời sống Việt Nam, theo cách nhìn của những người thợ dân gian vẽ tranh và cách tổng hợp của một người phương Tây. Giày dép, quần áo, nhà cửa, thuyền bè, chợ búa, nông cụ, tang ma, tế lễ… hầu hết các sinh hoạt vật chất đều được vẽ lại, không phải theo kiểu tả thực, mà theo cách hiểu, cũng như cho người xem thông thường hiểu, đến thời điểm đó, đời sống của người Việt có những gì.

Khi đời sống đô thị có xu hướng tư bản bắt đầu phát triển vào thời Pháp thuộc, cũng đồng thời hình thành một tầng lớp thị dân mới, trí thức có, thương nhân có và mô hình sống kiểu công chức phương Tây xuất hiện trong sự pha trộn với đời sống sẵn có của người Việt Nam. Mặc dù ra thành phố đã lâu, nhưng hầu hết người thành phố vẫn còn giữ nhiều tính cách nông dân cũ, nhưng họ không muốn dừng ở đó, cũng không muốn mất đi chất nông dân truyền thống của mình, một thứ thị hiếu nửa nông dân, nửa thành thị hình thành, được phản ánh trong các đồ dùng thường nhật ở thành thị và ở tầng lớp giàu có nông thôn, mà người ta thường gọi là thị hiếu trọc phú. Tinh thần này vẫn được giữ nguyên cho đến tận ngày nay, đặc biệt trong những gia đình làm ăn phát đạt ở nông thôn hiện nay.


Thợ chạm khảm đồ gỗ. Ảnh tư liệu người Pháp chụp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tư liệu Nhà xuất bản Thế giới

Trong căn nhà người nông dân, bàn ghế theo kiểu một cái bàn nhỏ và hai cái ghế dài có tay tựa - được gọi là bộ bình tượng, cùng cái phản gỗ là rất quan trọng. Tuy vậy không phải gia đình nông dân nào cũng sắm được, mà họ phải đóng bằng tre. Trong gian giữa của ngôi nhà, phía chính gian, sát tường là rương thờ, hay bịch thóc đắp bằng đất, trên để bàn thờ, phía trước là một phản gỗ. Nhà nông dân xưa lòng nhà tương đối hẹp, nên cái phản đó chỉ còn cách ngưỡng cửa chừng hơn một mét, nên bộ bàn ghế đặt ở gian bên. Cách thức này là truyền thống và phổ biến trong mọi gia đình, mọi làng xã. Những gia đình địa chủ, phú nông, kỳ hào kỳ mục làm ăn khá giả hơn, thì có điều kiện nâng bộ đồ đó thành sập gụ tủ chè và bộ bình tượng hoàn toàn bằng gỗ rộng rãi. Người ta cho rằng kiểu thức sập gụ tủ chè là biến thể của phản gỗ tủ thờ theo phong cách đồ gỗ vua Luis XIV (1638 - 1715) từ Pháp ảnh hưởng qua Việt Nam. Đây cũng là một design Đông - Tây kết hợp, có thẩm mỹ nghiêng về phương Đông nhiều hơn. 


Phi công Van Der Born. Ảnh tư liệu người Pháp chụp đầu thế kỷ 20

Phong cách đồ gỗ và nội thất kiểu vua Luis XIV thuộc về thời kỳ Baroque, cầu kỳ duyên dáng, cẩn trọng và nhiều kỹ xảo. Đặc biệt sử dụng kỹ thuật cẩn ghép kim loại, vỏ mai rùa trang trí vào bề mặt đồ gỗ. Đồ sập gụ tủ chè Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cũng có tạo dáng cầu kỳ và chạm khảm trai ốc. Tủ chè cao chừng một mét và dài bằng cái sập chừng 2,2m, được kê cao ngang mặt sập. Nó có ba ngăn, ngăn giữa thường có cửa kính lùa, hai bên là hai ngăn tủ cánh gỗ chạm khảm các tích truyện phương Đông. Diềm tủ chạm lộng cầu kỳ những chùm nho, con sóc hay rồng phượng. Sập gụ có bề mặt rời, đặt trên bộ giá chạm chân quỳ dạ cá. Những địa chủ phú nông ở làng xã rất ưa chuộng hai đồ gỗ này. Ở Hà Nội, đồ gỗ được làm nhiều dáng vẻ hơn. Trong nhà có bình phong gỗ hoặc mặt đá, bộ bàn ghế mặt đá kết hợp kiểu thức đồ gỗ thời Minh ở Trung Quốc và phong cách Luis XIV. Riêng tủ thường được làm cao hơn, để đựng quần áo tân thời, cầu kỳ nhất là tủ chùa có ba khối cao hơn 2 thước, trên nóc chạm hình một ngôi chùa. Cánh giữa là gương lớn, hai cánh hai bên có phù điêu cũng theo tích cổ. Đi cùng với đồ gỗ là nhiều đồ gốm và đồ đồng thờ tự.


Sân bay Bạch Mai. Ảnh tư liệu người Pháp chụp đầu thế kỷ 20

Việt Nam là nước mở đường bay sớm ở châu Á, tiếc thay bước tiến vượt bậc này không được đánh giá và phát triển đúng mức. Thời phong kiến, ngoài ý tưởng con hạc kéo xe tiên và cái diều, hình như người Việt Nam chưa bao giờ mơ ước bay lên bầu trời, nên máy bay là cái gì quá sức tưởng tượng. Người ta cho rằng năm 1871, Giám mục Pigneau de Béhaine đã cho thả một quả khinh khí cầu trên bầu trời Sài Gòn nhân dịp Tết và sau đó ngày 10/12/1910 phi công Van Der Born (người Bỉ) cất cánh chiếc Farman IV Boxkite ở trường đua Phú Thọ mở đầu cho chuyến bay Đông Dương, tức là 7 năm sau hai anh em Orville và Wilbur Wright lần đầu tiên cất cánh bay ở Kittyhawk, North Carolina, Mỹ (theo Nguyễn Đức Hiệp. Diendan.org). Năm 1917, Vị Thủy, Sơn Tây được chọn làm bãi cất hạ cánh và năm 1918 thì sân bay Bạch Mai được xây dựng. Ngày 21/12/1920 một đội bay Pháp đã thực hiện một chuyến bay từ Pháp sang Đông Dương và ngày 19/4/1923 một phi công Pháp và thợ máy Việt đã bay một chuyến Sài Gòn - Hà Nội mất 8 giờ 30 phút. Lúc này ở Đông Dương đã có 60 sân bãi cất hạ cánh (oto - hui com).


Ông đồ ngồi trên chiếc sập gỗ phong kiến thế kỷ 19. Ảnh tư liệu người Pháp chụp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20

Cái mới và cái cũ chen lẫn nhau trong thời thực dân áp đặt quyền lực lên các nước Đông Dương, nhưng mặt khác thì những nước Đông Dương được hưởng trọn vẹn nền kỹ nghệ phương Tây có thành tựu từ những cuộc cải cách kỹ thuật và công nghiệp.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›