- Chuyện 'thâm cung bí sử' về biểu tượng 'thiếu phụ bay' của Rolls-Royce: Vợ của quý tộc, suýt lấy cảm hứng từ Nike
- Đẳng cấp dâu hào môn: Ca nương Kiều Anh 'bê' cả nhà hàng fine dining 'quý tộc' về nhà khiến ai cũng ghen tị
- Lớp học quý tộc cho giới nhà giàu Trung Quốc: Chi hàng triệu USD chỉ để học thưởng trà, ăn bánh, hôn gió đúng cách
Nhìn mọi người cưỡi ngựa thong dong hay chụp ảnh cực ngầu bên cạnh chú ngựa cũng thích đấy nhưng làm sao để bắt đầu đây?
“Đã lắm mọi người ơi! Cảm giác hoàn toàn khác với lúc mình điều khiển một chiếc xe hơi hay lái một phương tiện giao thông” - MC Thanh Thanh Huyền kể lại cảm giác trong lần đầu tiên ngồi trên lưng ngựa.
TikToker Hạnh Moe cũng chia sẻ cảm giác khi đi trải nghiệm cưỡi ngựa tại CLB Ngựa Hà Nội (Hà Nội). Cô nàng được đi thăm chuồng ngựa, làm quen với ngựa, học cách lên ngựa, thúc ngựa di chuyển,... “Nhìn thế thôi chứ bộ môn này tốn khá nhiều sức lực đấy” - Hạnh Moe đúc kết.
Thanh Thanh Huyền (trái) và Hạnh Moe (phải)
“Lần đầu tiên ngồi trên lưng ngựa mình rất thích và thấy dễ vì có người dắt ngựa cho. Đến khi đi học, mình phải tự điều khiển rồi ngựa bắt đầu chạy mới thấy không sung sướng như ban đầu. Bộ môn này có sự mạo hiểm và nguy hiểm nhất định nhưng đổi lại, mình có được cảm giác chinh phục, thỏa mãn” - Đây là chia sẻ của Hằng, đang theo đuổi bộ cưỡi ngựa tại CLB Ngựa Thánh Gióng (Hà Nội).
Thực tế, không chỉ Thanh Thanh Huyền, Hạnh Moe hay Hằng mà nhiều người trẻ cũng dành sự quan tâm cho bộ môn cưỡi ngựa trong thời gian gần đây. Các clip review trải nghiệm cưỡi ngựa, học cưỡi ngựa trên MXH luôn nhận được một lượng tương tác đáng kể với những câu hỏi như “Học ở đâu?”, “Chi phí thế nào?”, “Có khó không?”,...
Những chia sẻ dưới đây từ người trong cuộc sẽ giúp cư dân mạng trả lời những câu hỏi và tìm hiểu thêm về thú chơi mới mẻ này.
Chi tiền triệu để theo đuổi bộ môn “quý tộc”
Ở Việt Nam, hiện có 2 hình thức cưỡi ngựa phổ biến là cưỡi ngựa trải nghiệm và huấn luyện cưỡi ngựa.
Nói rõ hơn về huấn luyện cưỡi ngựa, anh Đinh Ngọc Cương - Chủ tịch CLB Ngựa Thánh Gióng cho biết: “Các khóa học giúp học viên có được kỹ năng và kiến thức cơ bản về bộ môn cưỡi ngựa thể thao. Ví dụ khóa cơ bản giúp học viên hiểu được bộ môn cưỡi ngựa thể thao giải trí cần những yếu tố an toàn như thế nào, những kỹ thuật về tư thế, cách thức về điều khiển một chú ngựa đi đứng, dừng, rẽ phải rẽ trái thế nào cho đúng và đặc biệt là khả năng tương tác và kiểm soát ngựa”. Sau khi hoàn tất khóa học, học viên sẽ có kỳ thi kiểm tra chất lượng. Dựa vào kết quả kiểm tra, quá trình học và mong muốn của học viên, HLV sẽ tư vấn xem học viên có nên tham gia làm hội viên chính thức của CLB hay không.
Giống như nhiều môn thể thao khác, cưỡi ngựa cũng đặt sự an toàn của người tham gia lên hàng đầu. Các CLB đều có quy định an toàn cho người tham gia như trang bị các thiết bị an toàn như mũ bảo hiểm, áo bảo hộ, đi giày riêng,... Anh Cương giải thích: “Mỗi chú ngựa có trọng lượng khoảng 400 - 500kg, nếu không kiểm soát được thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy mà trong mỗi ca học, chúng tôi luôn có 1 HLV và 1 trợ lý để hỗ trợ để đảm bảo an toàn”.
Từ vị trí học viên, Hằng chia sẻ: “Mình thấy ngựa rất thông minh và có cá tính. Khi tập, mình vừa phải điều khiển, vừa phải xem tâm trạng của nó hôm nay thế nào, có vui hay không. Ngoài ra mình cũng phải rất tập trung bởi vì nếu ngựa có thể có những phản ứng như lồng lên, gây nguy hiểm cho cả người và ngựa”. Hằng cho biết thêm mình đến với bộ môn vì chồng là người Ý và được học bộ môn này từ nhỏ. Sau khi thử, cô đã rất thích và cùng chồng đi học cưỡi ngựa.
Được nhiều người trẻ ưa chuộng hơn là cưỡi ngựa trải nghiệm. Hình thức này thường diễn ra vào cuối tuần, không tốn quá nhiều chi phí và vẫn đáp ứng được đam mê “sống ảo”. Sau buổi cưỡi ngựa trải nghiệm của mình, Hạnh Moe cũng nhanh chóng nhận ra ngựa rất thông minh, thậm chí còn biết “thử” cả người cưỡi xem có tâm lý vững vàng hay không. Bản thân cô nàng có những khoảnh khắc hú hồn khi ngựa hất đuôi vào người, hí vang gây giật mình nhưng đây vẫn là một trải nghiệm thú vị.
Những khoảnh khắc giật mình của Hạnh Moe
Mỗi CLB ngựa sẽ có biểu giá và quy định riêng với người tham gia nhưng các thông tin cơ bản gồm có:
1/ Đào tạo cưỡi ngựa
- Đối tượng: Từ trẻ em đến trung niên đều có thể theo học
- Thời gian: Khoảng 40 - 45 phút/buổi. Mỗi khóa học thường có 12 buổi
- Học phí: Dao động từ 6 triệu đến hơn 10 triệu đồng, tùy vào đối tượng và biểu giá của từng CLB/trung tâm.
2/ Trải nghiệm và chụp ảnh với ngựa
- Thời gian: Tuỳ theo quy định của từng nơi, kéo dài từ 20 - 90 phút
- Chi phí: 100.000 - 125.000 nghìn cho 10 phút
3/ Mua ngựa và gửi nuôi tại CLB/trung tâm
- Đối tượng: Người đã thành thạo và thường xuyên cưỡi ngựa
- Chi phí gửi nuôi ngựa: Khoảng 5 triệu đồng/tháng
Về phía những chú ngựa, mỗi CLB, mỗi vùng miền sẽ có quy trình chăm sóc và thuần dưỡng, nuôi dưỡng ngựa khác nhau. Đa phần các CLB ngựa ở Việt Nam chủ yếu sử dụng dòng ngựa lai vì có thể hình phù hợp hơn với người Việt, yêu cầu chăm sóc cũng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam. Ở CLB Ngựa Thánh Gióng, mỗi chú ngựa trưởng thành được duy trì tỷ lệ 50 - 60kg cỏ/ngày và khoảng 4 - 6kg chất thô (cám tổng hợp). Ngoài ra ngựa được thăm khám định kỳ và tiêm phòng bệnh.
Giá cả của ngựa ở Việt Nam khá biến động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống ngựa, tuổi ngựa và mức độ thuần hóa. “Có những con ngựa lên đến vài tỷ đồng nhưng cũng có con chỉ vài chục triệu. Với dòng ngựa lai mà tôi cung cấp thông tin phía trên, mức giá sẽ dao động khoảng 80 - 150 triệu” - anh Cương tiết lộ.
Để học cưỡi ngựa thì có tiền thôi chưa đủ!
Từ những con số nói trên, có thể thấy người tham gia cưỡi ngựa thường phải đầu tư một khoản chi không nhỏ. Bên cạnh đó, vì yêu cầu sân bãi và không gian rộng cho ngựa hoạt động nên các CLB ngựa đều ở khu vực ngoại thành, cần thời gian di chuyển. Thế nên hoàn toàn dễ hiểu khi đối tượng học cưỡi ngựa khá hẹp, chủ yếu dành cho những người có điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ có điều kiện kinh tế thôi thì chưa đủ, để tham gia cưỡi ngựa còn cần nhiều ngoài yêu cầu như đam mê động vật, yêu thiên nhiên và rất dũng cảm. Anh Cương nhận xét: “Các học viên và hội viên đều là những người cá tính. Ban đầu họ đến với cưỡi ngựa là vì thích, vì tò mò sau đó phát triển thành đam mê và đặt mục tiêu chinh phục mỗi ngày. Việc các bạn ngồi lên lưng ngựa và chinh phục được con ngựa thực sự là một sự khác biệt bởi không phải ai cũng dám thử hay nghiêm túc tập cưỡi ngựa”.
Bày tỏ quan điểm về việc cưỡi ngựa được gọi là bộ môn “quý tộc”, nam HLV tâm sự: “Ở các nước phát triển và một số nước trong khu vực, cưỡi ngựa đúng là một bộ môn quý tộc vì nó chỉ dành cho người có điều kiện như chúng ta đã nói. Nhưng theo quan điểm của tôi, cưỡi ngựa có quý tộc hay không còn do cách mình chơi nữa. Nếu có quy trình và cách chơi phù hợp thì tôi nghĩ cưỡi ngựa có thể phát triển đại trà được. Cách chúng ta nuôi và ứng xử với động vật mới quan trọng”.
Nhưng với kinh nghiệm 12 năm cưỡi ngựa, anh Cương nhận thấy bộ môn này ngày càng được chú ý ở Việt Nam, nhất là các bạn trẻ. “Thứ nhất, cưỡi ngựa đòi hỏi sự vận động toàn thân, rèn cho chúng ta sức khỏe và tinh thần dũng cảm khi có thể điều khiển chú ngựa. Thứ hai, mọi người cũng được tương tác với động vật, cảm nhận tình cảm của chú ngựa với mình và được hòa mình vào thiên nhiên. Bỏ mặc nhịp sống hối hả của thành phố sau lưng để điều khiển một chú ngựa, đi thong dong ở những đồng cỏ, triền đê hay bờ sông là một cảm giác rất thú vị” - anh Cương lý giải về sự thích thú của mọi người với cưỡi ngựa.
Tags