Không gian trưng bày chia thành 2 phần lớn: văn hóa của các địa phương trải dọc 3 miền đất nước; văn hóa của 8 quốc gia ASEAN và hai quốc gia khác là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong các ngôi nhà rường Quảng Nam, mỗi địa phương và mỗi quốc gia sẽ thể hiện bản sắc và vẻ đẹp của mình qua việc trưng bày hình ảnh danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội,… Những không gian của các địa phương này được kết nối toàn bộ với nhau bởi một tác phẩm sắp đặt bản đồ Việt Nam bằng hoa dựa theo tác phẩm điêu khắc Chân trời Hội An của nhà điêu khắc người Đức Ingo Gũnther cùng các biểu tượng hoa sen bằng lồng đèn Hội An…
Vào chiều 22/6 khoảng 40 đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế sẽ có chương trình Carnaval đường phố “Sắc màu Festival Di sản Quảng Nam”. Và đêm 23/6, trong khu phố cổ còn diễn ra buổi Giao hòa nghệ thuật ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hoạt động này hướng đến kỷ niệm 10 năm Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và hưởng ứng “Tuần văn hóa và phát triển” do UNESCO phát động, được tổ chức bởi Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Cục Hợp tác quốc tế, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Nam và các tỉnh thành. Đây cũng là một trong những hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam.
Võ Phùng