Tết nhất là dịp gia đình, người thân tụ họp lại sau 1 năm làm việc bận rộn, chưa có thời gian quan tâm nhau sát sao. Với trẻ nhỏ, đây là dịp được theo chân bố mẹ đến chúc Tết họ hàng, được gặp thêm nhiều người và cả được mừng tuổi.
Cũng vì vậy, cha mẹ cần dạy dỗ con thật kỹ càng phép tắc khi chúc Tết, tránh gặp phải trường hợp khó xử.
Chị L. (Thái Bình) vừa được một phen mát mày, mát mặt vì con gái. Chị hớn hở chia sẻ, trước ngày Tết chị đã dặn con gái 5 tuổi rất kỹ về các phép tặng ứng xử ngày Tết, như việc phải khoanh tay cảm ơn khi được mừng tuổi, nếu ngồi ăn cơm phải mời ông bà, các bác, các cô trước rồi mới ăn, không được xé bao lì xì trước mặt khách,...
Vì được mẹ dặn đi dặn lại và lấy nhiều ví dụ thực tế nên con chị L. đã ghi nhớ rất tốt. Chiều mùng 2 Tết hôm nay, gia đình chị L. và một số gia đình anh chị em họ khác sang chúc Tết nhà một người bác. Trong khi những đứa cháu khác khi đến nhà liền chạy luôn vào bàn, mở nắp hộp bánh kẹo xem có gì ngon rồi bốc ăn thì con chị ngay khi bước vào cửa đã khoanh tay lễ phép nói: "Con chúc ông bà năm mới khỏe mạnh, an khang thịnh vượng ạ".
Hành động của con chị L. đã được người bác khen nức nở, những người họ hàng cũng nhanh chóng nhắc con mình học tập theo. Chị L. cho biết, bản thân không có ý so bì gì, hay ra vẻ ta con giỏi hơn, nhưng việc con biết phép tắc cư xử thật sự khiến chị thấy rất vui và mát mày mát mặt.
"Mình cảm thấy không uổng công dạy dỗ con kỹ lưỡng trước Tết. Vì trẻ con hay quên lắm, nên mình đã thường xuyên nêu ra những tình huống tế, đóng vai luôn để con biết cách phản ứng đúng", chị L. tâm sự.
Những việc cần dặn con thật kỹ trước khi đi chúc Tết
Để tránh đầu năm mất vui và nhận được nhiều lời khen như gia đình chị L. thì đây là những điều bố mẹ cần dặn con kỹ lưỡng trước khi đi chúc Tết:
1. Dạy con không "đại náo" khay bánh mứt
Tết đến nên nhà ai cũng tiếp đãi khách bằng bánh mứt, kẹo, nước ngọt - toàn những món khoái khẩu của trẻ con. Vì vậy, rất khó để tránh trường hợp các con thi nhau "khám phá" khay mứt của nhà người khác khi đi chúc tết, và sẽ thật rắc rối nếu các con tranh nhau ầm ĩ một cái kẹo ngay trước mặt chủ nhà.
Cha mẹ có thể ngăn chặn hoàn toàn tình huống đáng xấu hổ này bằng cách dặn dò và chỉ bảo con cách ứng xử lịch sự khi đi chúc Tết. Chẳng hạn như con muốn ăn gì thì nói để cha mẹ lấy giúp. Chỉ nên ăn một, hai viên kẹo thôi vì ăn nhiều kẹo sẽ bị sâu răng. Hoặc nếu kẹo nhà bác ngon, thì khi về nhà, con có thể nói để lần sau cha mẹ mua kẹo đó cho ăn…
Trong trường hợp tình huống không mong muốn xảy ra, cha mẹ đừng lớn tiếng trách phạt con vì điều này chỉ khiến cho tình hình càng thêm tệ. Thay vào đó, cha mẹ hãy đánh lạc hướng con bằng cách như: "Ôi, nhà bác có cây mai đẹp quá, mẹ con mình ra xem nhé", hoặc bày một trò chơi nho nhỏ để các con chơi với nhau, xem ai giành phần thắng.
2. Dạy con không vòi tiền lì xì
Lì xì là một phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tiền lì xì được xem là tiền mang lại may mắn và nhiều điều tốt đẹp đến cho trẻ em. Do đó, số tiền trong phong bì không quan trọng bằng ý nghĩa của phong tục, và số tiền đó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.
Tuy nhiên, trên thực tế, không hiếm gặp những tình huống kiểu như: Các bé chơi quanh quẩn ở bên để gây sự chú ý của khách, nhắc nhở thẳng thừng "cô/chú chưa lì xì cho con!", tranh nhau phong bao đẹp, so sánh tiền lì xì của ai nhiều hơn… khiến cha mẹ và khách rơi vào tình huống dở khóc dở cười
Để tránh trường hợp này xảy ra, cha mẹ nên nói chuyện với con trước về ý nghĩa của tiền mừng tuổi. Cần nhẹ nhàng nhắc nhở con không nên vòi vĩnh tiền lì xì từ người lớn bởi đó là hành động không hay, cũng như không được rút tiền ra khỏi phong bì hay tỏ thái độ không vui khi nhận được tiền lì xì ít ngay trước mặt khách.
3. Dạy con chào hỏi, cảm ơn khi đi chúc Tết
Đối với những bé trầm tính, nhút nhát thì đi chúc Tết chẳng khác nào là "cực hình" vì con phải cùng cha mẹ đi đến những nơi xa lạ, gặp những người chẳng quen thân. Nên con rụt rè, nép mình sau cha mẹ, không dám chào hỏi hay cảm ơn ai cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nếu được cha mẹ "huấn luyện" trước ngay từ ở nhà, rằng "hôm nay mình đến nhà bác A/cô B, chú C chúc Tết. Khi đến nơi, con nhớ chào hỏi lễ phép theo lời giới thiệu của bố mẹ. Ai cho con gì thì con nhận lấy rồi cảm ơn nha. Ai hỏi thăm con thì con hãy trả lời lịch sự". Đồng thời, cha mẹ tập cho con thực hiện việc chào hỏi, cảm ơn, cách trả lời câu hỏi nhiều lần ở nhà, thì đảm bảo khi đi chúc Tết, con sẽ trở nên tự tin, dạn dĩ, ăn nói lễ phép.
Tags