Tín ngưỡng thờ Mẫu vừa CHÍNH THỨC được vinh danh là Di sản thế giới

Thứ Năm, 01/12/2016 21:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tối ngày 1/12/2016 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có tên gọi đầy đủ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hồ sơ này là 1 trong 18 hồ sơ Quốc gia được UNESCO xét vinh danh trong phiên họp lần này tại Ethiopia.

Trước đó, sau khi đệ trình lên UNESCO vào đầu 2014, hồ sơ này từng được chuyển sang phiên xét duyệt vào năm 2016 (thay cho năm 2015), với lý do Việt Nam không còn thuộc nhóm quốc gia được UNESCO ưu tiên xét duyệt (chưa có, hoặc có rất ít danh hiệu  Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp thế giới).


Một buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Theo PGS Ngô Đức Thịnh, người từng có hàng chục năm nghiên cứu về thờ Mẫu, tín ngưỡng dân gian thuần Việt này đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, hướng tới cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn.

Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với nhiều hình tượng người phụ nữ là các nhân vật lịch sử hoặc được lịch sử hóa như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu (tương truyền là người mẹ của Thánh Gióng), Linh Sơn Thánh Mẫu...

Trong đời sống hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu được cộng đồng biết tới qua khái niệm "hầu đồng" – hình thức diễn xướng chủ yếu của tín ngưỡng này. Thực tế, trong quá khứ, cũng đã có một thời gian dài tín ngưỡng thờ Mẫu và diễn xướng hầu đồng không được phép vận hành vì các biến tướng liên quan tới dị đoan.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, tín ngưỡng này đã được nhìn nhận lại với quan điểm đa chiều hơn – trong đó, những yếu tố về văn hóa truyền thống, âm nhạc và nghệ thuật diễn xướng được giới chuyên môn đánh giá khá cao.


Hình thức diễn xướng này thường được gọi bằng khái niệm "Hầu đồng"

Với việc được vinh danh lần này, Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại thứ 11 mà Việt Nam sở hữu.

10 danh hiệu trước đó thuộc về Nhã nhạc cung đình Huế (2003),  Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ( 2005), Dân ca quan họ, Ca trù (đều trong năm 2009), Hội Gióng (2010), Hát xoan Phú Thọ ( 2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ( 2012), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh ( 2014) và Nghi thức kéo co (2015).


Sơn Tùng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›