Chơi nghịch là bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ, bất kể người hay động vật, bất kể thời tiền sử hay hiện tại… Vì thế, quên tìm những "đồ chơi" của trẻ nhỏ trong hàng vạn di vật người xưa để lại trong các tầng văn hóa khảo cổ là một lỗi ấu trĩ của nền khảo cổ học.
1. Đầu những năm 2000, lang thang ở các hiệu sách châu Âu, tôi bất chợt mua được cuốn sách tiếng Đức Spielzeugen in der Geschichte (Đồ chơi trong Lịch sử), ngỡ ra nhiều điều mà vốn trong cuộc đời khảo cổ vẫn gặp mà chưa tỏ tường. Khối lượng tài liệu từ các mộ Pharaoh (Ai Cập), mộ xác khô ở Peru, Mexico, Tarim, Tân Cương, mộ xác đóng băng ở Greenland, mộ "kết" ở Đan Mạch… và thông tin từ mosaic, hình vẽ trong văn minh La Mã, Lưỡng Hà… đã xới lên trong giới khoa học khảo cổ thế giới một chủ đề thú vị: đồ chơi - bao gồm cả của người lớn, và đương nhiên trong đó chủ yếu là đồ chơi trẻ em.
Từ đó, tôi bắt đầu gom nhặt hiện vật và những thông tin về "đồ chơi" trong khảo cổ học Việt Nam. Con người thời tiền, sơ sử sống trên đất Việt Nam cũng … chơi chứ!
Một trong những bằng chứng sớm nhất về đồ chơi trong thời đại Đá đã được các nhà khoa học xác nhận, đó là các xương sên (talus) động vật như của hươu, nai, lợn… chết trong rừng. Cục xương này đặc, rất chắc và có hình chữ nhật với rãnh lượn như một dấu ngã. Việc phát hiện những xương này tồn tại lạc lõng trong tầng văn hóa, không đi cùng các xương bỏ đi khác của con vật, khiến các nhà khảo cổ ngờ rằng chúng được gom nhặt từ các bộ xương động vật chết khô trong rừng mang về làm đồ chơi.
Hiện tượng này cũng được chúng tôi thực chứng khi khai quật các địa điểm văn hóa Hòa Bình thời đại đá ở Xóm Trại, Đú Sáng và Làng Vành. Số lượng xương sên các cỡ tìm được khá nhiều và độ trơn bóng bề mặt đã giúp xác nhận việc sử dụng như một đồ chơi đương thời.
Bên cạnh xương sên còn một số xương cục chủ yếu ở khớp quay. Có thể xác định chúng không thuộc các bữa ăn thải ra mà gom từ xương thú chết khô trong rừng mang về cho trẻ chơi.
Tại hang Xóm Trại và Đú Sáng (Hòa Bình), cuộc khai quật năm 2004 nhờ sàng kỹ trầm tích tầng văn hóa đã thu gom được hàng ngàn viên cuội nhỏ. Một phần có thể chúng lẫn trong các mẻ ốc bắt dưới suối, nhưng không loại trừ chính chúng là những viên cuội được được gom về cho trẻ chơi.
2. Bằng chứng rõ nhất hiện vật được chế cho trẻ chơi ở Việt Nam xuất hiện ở khoảng 4.200 – 3.500 năm. Đó là những viên bi đất nung, mảnh gốm vỡ được ghè tròn và nhất là những con giống hình thú vật, gia súc. Chắc chắn, những đồ chơi bằng tre nứa, gỗ… đã không còn lại do môi trường ẩm và thời gian làm tiêu hủy. Vì thế, những "đồ chơi" bằng đồng thời Đông Sơn trở nên rất quý giá cho chủ đề đồ chơi trẻ nhỏ của chúng ta hôm nay.
Trước hết, ta hãy rà soát lại những đồ đã tìm thấy trong mộ các em nhỏ. Đồ đeo đẹp là một thứ cha mẹ các em dành ưu tiên cho trẻ nhỏ. Chúng gồm những vòng tai, hạt chuỗi đá quý và thủy tinh. Ở một chiếc vòng đeo cho trẻ ở Quỳ Chử còn thấy vòng nhỏ bằng ngà voi, bằng đồng cài lẫn những hạt cây rừng. Trẻ em nhà giàu được chơi và chôn theo những hiện vật người lớn thu nhỏ, như rìu, giáo, dao găm, đặc biệt những nhạc chuông các loại.
Tại Đông Sơn (Thanh Hóa) từng đào được một khóa thắt lưng đồng dùng cho trẻ em, trên đó móc chi chít nhạc chuông. Cụm đồ đồng mới phát hiện cũng ở gần Đông Sơn là trong một nồi chôn em bé. Có thể nhận ra: giáo, dao găm nhỏ, đặc biệt là một nhạc chuông hình vuông và một bộ chũm chọe nhỏ xíu (rộng vành chỉ 4cm) mạ vàng.
Số lượng mộ trẻ em được chôn theo dao găm khá lớn. Năm 1978, tôi khai quật Quỳ Chử và Hoằng Lý nhận ra một nồi chôn trẻ sơ sinh ở địa điểm Gành (Hoằng Lý, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), một dao găm chuôi chữ T có tay chắn cong sừng trâu. Ở mộ em bé khoảng 6 tuổi tại Đồng Cáo (Quỳ Chử, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) phát hiện một phần vỏ bao dao găm bên cạnh một giáo đồng. Mộ em bé 5 tuổi chôn trong thạp đồng Hợp Minh (Yên Bái) chôn kèm một dao găm...
Bên cạnh đồ chơi, trẻ em còn được người lớn chôn theo những đồ có tác dụng giúp các em an toàn ở cõi bên kia và cũng có thể đó chính là những đồ mà khi còn sống các em đã sử dụng. Thống kê dao găm thời Đông Sơn, chúng tôi nhận ra khoảng 5% dao kích thước nhỏ (cả phần tay cầm), chứng tỏ số dao găm sản xuất cho trẻ em dùng hoặc chơi là đáng kể… Hoặc, số lượng mảnh vải làm bằng sợi đặc biệt và hạt dưa bở tìm được rất nhiều ở mộ em bé con nhà giàu chôn ở Yên Bắc (Hà Nam) đáng để chúng ta suy nghĩ về sự riêng biệt của một thế giới dành cho các em nhỏ đương thời. Đáng tiếc, việc nghiên cứu dựa trên hình thái xương răng các em mới chỉ cho phép chúng tôi đoán định tuổi. Hy vọng trong tương lai với ứng dụng các kỹ thuật so sánh, phân tích cao hơn, chúng ta có thể nói đó là em bé trai hay gái để có thể xem xét sự chung riêng của các em cả trên khía cạnh giới tính.
Để kết luận phần này, tôi nhớ đến hai em nhỏ thời Neanderthal được chôn và bao bọc bởi hàng ngàn hạt chuỗi nhỏ. Nhiều nhà nghiên cứu ngờ rằng các em được hiến tế trong môt nghi lễ nào đó đương thời. Nhưng cho đến nay, đây vẫn là ngôi mộ nhiều đồ trang sắc nhất trong thời đại Đá cũ. Hy vọng trong tương lai, khảo cổ học nước ta sẽ có nhiều thông tin hơn nữa về thế giới trẻ em. Đó cũng là nguyện vọng tác giả muốn xới lên từ chuyên mục "Đêm đêm rì rầm từ trong tiếng đất" hôm nay!
"Trẻ em nhà giàu được chơi và chôn theo những hiện vật người lớn thu nhỏ, như rìu, giáo, dao găm, đặc biệt những nhạc chuông các loại" - TS Nguyễn Việt.
Tags