Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại

Thứ Năm, 03/10/2024 07:16 GMT+7

Google News
Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 1.

Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945) (NXB Hà Nội, Nhã Nam, 2024) của tác giả Đào Thị Diến là một nghiên cứu công phu và toàn diện về sự "thay da đổi thịt" của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Cuốn sách này đã chính thức được đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2024. Lễ trao giải sẽ diễn ra từ 16h30 ngày 8/10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, từ đó đem đến một nét độc đáo trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở cuốn sách này. Đó là lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ.

Để tìm hiểu rõ hơn về công trình có giá trị này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tác giả Đào Thị Diến.

Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến

Chuyên tâm nghiên cứu từ tài liệu lưu trữ

* Được biết, bà đã xuất bản nhiều công trình về Hà Nội. Bà quan tâm vấn đề này từ khi nào?

- Tôi bắt đầu chuyên tâm với chủ đề Hà Nội từ 2008, khi tham gia Hội thảo khoa học Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội thuộc chương trình khoa học cấp nhà nước K.X 09 của Văn phòng chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức vào tháng 3/2008 với báo cáo Hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc và vai trò của nó trong quản lý và phát triển đô thị.

Sau đó, tôi được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phân công làm chủ biên cuốn Hà Nội qua tài liệu lưu trữ 1873 - 1954 (NXB Hà Nội) gồm 2 tập với 4 chủ đề: Địa giới hành chính và Quy hoạch - Xây dựng (tập 1, gồm 843 trang); Giao thông công chính và Văn hóa - Giáo dục" (tập 2, gồm 903 trang). Khi gần kết thúc 2 tập sách đó cũng là lúc tôi nghỉ hưu theo chế độ (2008).

Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 3.

Sự kiện ra mắt sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)”

Vì cuốn sách này nằm trong dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, tôi được mời tiếp tục tham gia dự án, làm các công trình tiếp theo chuyên về Hà Nội như: Sang Pháp khảo sát nguồn tài liệu về Hà Nội tại Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d'outre - mer) tại Aix-en Provence (2013); biên soạn cuốn Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954Hà Nội qua Châu bản triều Nguyễn. Tôi cũng tham gia biên soạn một số sách về Hà Nội như Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội (NXB Hà Nội, 2010); Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính (NXB Hà Nội, 2017); Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay) (NXB Hà Nội, 2019).

Sau khi kết thúc đề tài Địa giới hành chính Việt Nam 1862-1945 qua tài liệu và tư liệu lưu trữ, tôi tham gia đề tài Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam. Đề tài này rộng, có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia ở hầu hết các lĩnh vực khoa học nên tôi đã có thể thu xếp được thời gian quay lại với chủ đề Hà Nội mà tôi luôn yêu thích và luôn luôn cất giữ trong lòng. Và từ đó, tôi ngừng tham gia các đề tài nghiên cứu khác. 

Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 4.

Sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” (NXB Hà Nội, Nhã Nam, 2024)

 * Vậy còn về cuốn sách "Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)"?

- Tôi tiếp tục viết về Hà Nội ngay cả trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Khi số lượng đã tương đối nhiều, GS-NGND Vũ Dương Ninh, người thầy kính mến của các thế hệ sinh viên trường Đại học Tổng hợp đã khích lệ, động viên tôi nên tổng hợp lại để in thành sách.

Đúng vào thời gian này, như một cơ duyên, vào năm 2023, Công ty sách Nhã Nam đã liên lạc với tôi, đề nghị được cộng tác để xuất bản sách là kết quả của đề tài Địa giới hành chính Việt Nam 1862-1945 qua tài liệu và tư liệu lưu trữ mà tôi đã nói ở trên. Nhưng lúc đó tôi chưa sẵn sàng vì còn một số vấn đề cần xác minh, do tài liệu dịch từ tiếng Pháp ra cần phải tra cứu các nguồn tư liệu khác bổ sung để có được tên các đơn vị hành chính chính xác bằng tiếng Việt.

Nhớ sự động viên của thầy Vũ Dương Ninh, tôi liền đề xuất việc xuất bản sách về Hà Nội. Cuối cùng, qua gần 2 năm tập hợp các bài viết và các báo cáo khoa học về Hà Nội, biên tập và xử lý nhiều vấn đề phát sinh, sách đã ra mắt bạn đọc vừa qua.

Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 5.

Phố Exposition trước 1902 (nay là phố Yết Kiêu). Ảnh của Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’outre mer – ANOM), phông: Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine – GGI), hồ sơ: 6550

* Sách được thực hiện trên cơ sở tài liệu lưu trữ. Vậy trong quá trình tiếp cận, xử lý các tài liệu lưu trữ, bà có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

- Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, chuyên ngành Lịch sử Thế giới (1975) đến lúc nghỉ hưu (2008), tôi chỉ công tác tại một cơ quan duy nhất là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và cũng chỉ làm một công việc duy nhất: Nghiên cứu tài liệu lưu trữ để công bố những tài liệu có giá trị trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới nhiều hình thức như viết bài, tham gia làm phim, biên soạn sách... theo từng vấn đề.

Tôi viết tương đối nhiều, ở rất nhiều chủ đề mà tài liệu lưu trữ có, từ lịch sử chuyên ngành lưu trữ (thời kỳ Pháp thuộc) đến các bài viết về Cách mạng tháng Tám, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nhiều nhất là về thành phố Hà Nội.

Vì vậy, đối với cá nhân tôi, việc biên soạn cuốn sách này có những thuận lợi nhất định. Nhờ có thâm niên trong công tác, tôi nắm vững khối tài liệu tiếng Pháp, hiểu rõ cách tổ chức và nội dung cơ bản của các phông tài liệu tiếng Pháp (fonds d'archives), hiểu rõ bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương và Bắc Kỳ, đặc biệt là ở Hà Nội. Vì thế, việc tra tìm tài liệu có nhiều thuận lợi so với các nhà nghiên cứu khác.

Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 6.

Phố Concession (nay là phố Phạm Ngũ Lão). Ảnh của Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’outre mer – ANOM), phông: Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine – GGI), hồ sơ: 6550

"Vẫn muốn được tiếp tục viết về Hà Nội…"

* Bà có "vốn" tiếng Pháp từ đâu để tiếp cận khối tư liệu này?

- Ngay từ khi mới về công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, khối tài liệu tiếng Pháp đã thu hút tôi. Sau giờ làm, tôi thường đi học tiếng Pháp vào buổi tối. Nhưng những năm sau 1975, cả Hà Nội không tìm được một lớp tiếng Pháp niveau B (tương đương trung cấp) nào vì không có người đăng ký học. May thay, lúc đó trong Trung tâm có rất nhiều các bác viên chức các Bộ thời Pháp như Bộ Giao thông, Bộ Thủy lợi... đã nghỉ hưu đến làm hợp đồng chỉnh lý tài liệu tiếng Pháp. Tôi học tiếng Pháp từ họ trong rất nhiều năm...

Năm 1986 - 1987, tôi được cử đi học chuyên tu tiếng Pháp tại Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân (Hà Nội) trong 2 năm liền, cho đến hết niveau B. Rồi, tôi thi vào Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp (Alliance Française) lúc mới mở ở Yết Kiêu, sau đó thì đi thực tập tại Paris, rồi làm Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Đại học Paris 7.

Vốn tiếng Pháp như vậy nhiều khi vẫn chưa đủ, vì trong số những tài liệu về Hà Nội, rất nhiều tài liệu có thời gian từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 như các công văn trao đổi, thư từ, báo cáo của Francis Garnier hay của Henri Rivière trong 2 trận đánh chiếm thành Hà Nội (1873 - 1882) với thứ tiếng Pháp cổ, rất khó đối với chúng ta ngày nay. Để vượt qua khó khăn này, tôi đã xin trợ giúp của GS-NGND Đinh Xuân Lâm của Khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp) trong những năm thầy còn sống. Nhờ có thầy, các bản dịch từ Pháp sang Việt của tôi ngày càng sáng nghĩa hơn.

Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 7.

Đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền). Ảnh của Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’outre mer – ANOM), phông: Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine – GGI), hồ sơ: 6550

* "Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)" một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại. Theo bà cuốn sách này có giá trị như thế nào đối với việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội ngày nay?

- Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) là một tập hợp 40 bài viết hoàn toàn dựa trên tài liệu về Hà Nội của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Nó sẽ là một ví dụ điển hình vì những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử Hà Nội thời cận đại, đặc biệt là những tài liệu về mặt xây dựng và quản lý đô thị cũng như bảo vệ các di sản văn hóa của Hà Nội.

Vì lẽ đó, tôi tin rằng cuốn sách sẽ được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau đánh giá cao. Bên cạnh đó, những tài liệu được sử dụng trong cuốn sách này rất có thể giúp các cơ quan chức năng rà soát, thể chế hóa các quy định của Nhà nước nhằm tạo ra một hành lang pháp lý để đảm bảo quản lý đô thị phát triển theo đúng quy hoạch và có thể đóng góp có hiệu quả đối với việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa của Thủ đô.

Hy vọng sách sẽ được các nhà quản lý trực tiếp làm công tác quản lý ở Hà Nội quan tâm.

Đề cử Giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại - Ảnh 8.

Trường đua ngựa ở Hà Nội trước 1902. Ảnh của Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’outre mer – ANOM), phông: Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine - GGI), hồ sơ: 6550

* Là một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, sự gắn bó ấy đã tạo động lực cho bà như thế nào trong việc để cho ra đời nhiều công trình về Hà Nội?

- Tôi cho rằng câu trả lời đã nằm chính trong câu hỏi. Nếu không có một tình yêu mãnh liệt với nơi chôn nhau cắt rốn của mình là Hà Nội, nếu không vì muốn lan tỏa những kiến thức về Hà Nội cho những người cùng có tình yêu Hà Nội như mình, làm sao tôi có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành những cuốn sách về Hà Nội mà tôi đã từng viết…

* Sau cuốn sách này và nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội đã công bố trước đây, liệu có vấn đề nghiên cứu nào về Hà Nội vẫn khiến bà vẫn trăn trở?

- Như các nhà nghiên cứu khác, tôi luôn mong muốn kết quả nghiên cứu của mình ngày càng hoàn thiện hơn. Trong trường hợp này, nếu có dịp tái bản cuốn Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945), tôi sẽ mở rộng nội dung hơn, bổ sung thêm những bài viết về những người Hà Nội đã có đóng góp cho Hà Nội. Ví dụ như cụ Phùng Như Cương chủ hiệu sơn Gecko từng là hội viên Hội đồng thành phố thời cận đại đã có sáng kiến giảm thuế cho phu xe kéo tay hay mở các nhà tắm công cộng rẻ tiền để phục vụ người lao động... Hoặc, các bài viết về hệ thống đê điều và các giải pháp chống lũ lụt cho thành phố Hà Nội mà chính quyền thuộc địa đã áp dụng từ 1884 đến 1944...

Một vấn đề nữa mà tôi cũng đang trăn trở, đó là những tài liệu về Hà Nội ở Aix-en Provence của Pháp mà tôi có được trong thời gian khảo sát tại Pháp năm 2013 (trên 5.000 trang dữ liệu bằng ảnh chụp) mới khai thác được rất ít vì tôi không đủ thời gian. Nếu sức khỏe cho phép, tôi vẫn muốn được tiếp tục viết về Hà Nội. Và hy vọng, với kho dữ liệu này, Hà Nội trong quá khứ sẽ còn hiện lên rạng rỡ hơn nữa, tô điểm thêm cho bức tranh Hà Nội ngày nay.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Về nhà nghiên cứu Đào Thị Diến

Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến, sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970 - 1975) và sau đó công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội (1975 - 2008). Bà có bằng thạc sĩ Lịch sử (năm 1999) và bằng Tiến sĩ Lịch sử (năm 2004) tại Đại học Paris 7 – Denis Diderot (Pháp).

Bà là tác giả của các sách chuyên về Hà Nội đã xuất bản: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954), 2 tập; Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954. Bà còn tham gia biên soạn các sách: Từ điển đường phố Hà Nội; Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội; Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính; Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay).

Công Bắc (Thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›