"Tôi không viết văn. Tôi chỉ đưa lên những kỷ niệm về phố Hàng Bột của tôi - Con phố tuy nhỏ nhưng mang đủ đầy những nét đặc trưng của Hà Nội; con phố mà yếu tố lịch sử, địa lý, con người, xã hội đều như một Hà Nội thu nhỏ, được chắt lọc mà nên. Và tôi tin, cũng như mọi con phố bắt đầu bằng chữ "Hàng" ở Hà Nội, chỉ riêng phố Hàng Bột cũng đủ để tôi dành trọn cuộc đời tìm hiểu và yêu nó!" - tác giả Hồ Công Thiết viết.
Nếu thoáng qua Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành) của ông, sẽ chỉ thấy toàn chuyện vụn vặt. Có những câu chuyện được tác giả kể chỉ vài ba trang. Nhưng cũng chỉ cần có thế cũng đủ để tác giả Hồ Công Thiết (1952 - 2023) dựng nên đời sống đặc biệt của một con phố Hà Nội, nơi ông sinh ra và gắn bó cả đời mình.
Đâu phải chỉ chuyện "tầm phào"
Mở đầu sách bằng chùm bài Muôn gánh mưu sinh, ông kể về đủ nghề kiếm sống có trên con phố Hàng Bột thời bao cấp. Mỗi nghề lại gắn với từng người Hàng Bột cụ thể. Nào từ chuyện Anh Trung giò chả, Cháo gà bà Bi, Bánh cuốn bà Quảng, Bún chả bà Ba, Phở Tuyết Hàng Bột cho đến chuyện về những nghề nay đã không còn hoặc mai một ít nhiều như Nghề thục lốp, Khắc bút và bơm mực bút bi, Đắp lốp và ép lốp, Chiếu video, Dán hộp giấy,…
Từng chuyện nghề, chuyện người được kể tưởng như "tầm phào" là thế, nhưng tất thảy cho thấy cơ cấu nghề nghiệp, tình hình xã hội một thời ở con phố Hàng Bột nói riêng, và Hà Nội nói chung. Nếu nhìn vào chiều sâu con chữ, qua từng câu chuyện nghề mà tác giả mô tả rất tỉ mỉ, ta còn thấy được một phần chân dung của từng lớp người đã sống và mưu sinh ra sao trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn.
Đó là lớp người già có những trí thức như họa sĩ Nùng Sơn trong Vẽ truyền thần với lối ăn mặc rất Tây, thông thạo tiếng Pháp; những nghệ sĩ đúng nghĩa như ông chủ cửa hàng thú nhồi bông (tiêu bản) với những tạo hình đầy sáng tạo; rồi cả những người buôn bán từ nơi khác đến như ông Tàu bán lạc rang húng lìu rất kỹ tính…
Chọn tả kỹ lưỡng cách từng người hành nghề, tác giả cho thấy lớp người già trên phố Hàng Bột có đặc trưng tính cách kỹ càng, cẩn thận, tỉ mỉ và giữ nghề theo lối truyền thống.
Trong khi đó, lớp người trẻ của phố Hàng Bột lại được miêu tả với sự thức thời. Đó là một lớp thanh niên thức thời, đầy sáng tạo để mưu sinh tại Hà Nội. Họ sẵn sàng làm đủ nghề, thậm chí làm dăm ba nghề cùng lúc với tinh thần "chưa biết thì học" để rồi sản sinh ra những nghệ sĩ đích thực như Nam trong truyện Khắc bút và bơm mực bút bi sở hữu những nét khắc hào hoa, tinh tế.
Chùm bài tiếp theo, Chuyện tầm phào của đám trẻ phố Hàng Bột, lại cho thấy một thế hệ tiếp nối trên con phố Hàng Bột. Đó là đám trẻ với những hồn nhiên, tinh nghịch mang đặc trưng của trẻ con ở Hà Nội một thời gian khó, được tác giả kể tường tận thông qua những trò chơi dân gian như Pháo ném, Súng bắn diêm, Đánh khăng, Chơi bi, Pháo đất, Cá chọi và chọi cá…
Những nghề, những người được kể ra như thế đâu phải chỉ chuyện "tầm phào", một cách ngẫu nhiên. Tác giả Hồ Công Thiết đã thành công dựng lên diện mạo của 3 thế hệ sống trên con phố Hàng Bột với những đặc trưng riêng của từng lớp người trong cách nghĩ, cách sống.
Và tất cả được viết nên từ chất liệu chính là ký ức và cảm xúc của chính tác giả, dưới lăng kính của một cậu bé sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Bột. Bởi thế dẫu viết về một giai đoạn khó khăn với những quần quật lao động, mưu sinh nhưng Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ vẫn cứ hồn nhiên, ấm áp mà vui tươi đến lạ.
Vài nét về tác giả Hồ Công Thiết
Tác giả Hồ Công Thiết sinh năm 1952 và mất vào ngày 22/1/2023 tại Hà Nội. Ông từng là cầu thủ bóng đá của đội Công an Hà Nội và Phó giám đốc Công ty Thương mại và Lữ hành Bắc Sơn.
Hồ Công Thiết là "cây bút" lão thành xuất hiện thường xuyên trên các báo, từng có các tác phẩm đã xuất bản: Kim Sơn - Điệp viên lãng tử, Tản mạn Bóng đá Hà thành, Chuyện người Hà Nội - tập 1, 2, 3 (đồng tác giả), Thăng Long văn Việt (đồng tác giả), Chuyện làng quê - tập 1 (đồng tác giả)
Trên chuyến tàu trở về quá khứ
Đọc Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ, ta có cảm giác toàn bộ sinh hoạt trên con phố Hàng Bột nằm trọn trong con mắt của Hồ Công Thiết. Từng nếp nhà, góc phố, từng nghề mưu sinh, từng trò chơi và cả con người Hàng Bột đều được tác giả quan sát tỉ mỉ và dựng nên thật sống động qua từng trang viết.
Để quan sát tỉ mỉ như thế, điểm nhìn của Hồ Công Thiết có lẽ được xuất phát từ tàu điện trên phố Hàng Bột. Bởi thực tế, sự xuất hiện của tàu điện đã làm thay đổi diện mạo của con phố, từ việc làm nảy sinh nhiều nghề mới cho đến thói quen sinh hoạt của người Hàng Bột cũng theo nhịp chạy của tàu điện đến - đi.
Riêng với tác giả, mọi ký ức của ông dường như đều gắn với tàu điện. Như chuyện cậu bé Hồ Công Thiết ngày đó mỗi ngày vẫn thường đứng chờ tàu điện đến để nhảy tàu đi học với bao kỷ niệm chẳng thể phai mờ. Phải chăng, những lần mải mê ngồi chờ tàu điện đến nỗi cháy cả đuôi áo đã giúp cậu bé ngày nào có thêm nhiều thời gian quan sát mọi diễn biến cuộc sống trên 2 mặt phố Hàng Bột dọc theo đường tàu?
Điển hình, trong truyện Anh Ban giặt là có chi tiết độc đáo và đắt giá: "Người trong phố tôi cũng ít khi đem đồ đi giặt là, khách của anh Ban toàn là người phố khác. Tôi thấy họ thường nhảy từ tàu điện, đưa cho anh Ban bọc quần áo, rồi lại sang đường - phía bên nhà tôi, nơi có mặt đường nhựa rất nhẵn để nhảy lên tàu. Phía bên đường nhà anh Ban toàn cỏ xen lẫn đá cục lổn nhổn nên hầu như không ai dám nhảy tàu điện từ đấy".
Anh Hồ Minh Tuấn, con trai của tác giả Hồ Công Thiết cũng được gợi cảm hứng từ chính chi tiết này để thiết kế nên phần bìa cho cuốn sách của bố mình. Anh chia sẻ: "Đường tàu điện chạy dọc con phố Hàng Bột như mạch máu, như sợi dây kết nối con phố với trung tâm thành phố. Tất cả những hoạt động mưu sinh của cư dân trên con phố này diễn ra ở 2 bên đường tàu. Từ đó, khi thiết kế bìa cho cuốn sách, tôi đã nảy sinh ý tưởng về chuyến tàu trở về quá khứ, trở về nguồn cội. Để rồi từ bìa sách cho đến bố cục nội dung, cuốn sách của bố tôi giống như việc trở lại ký ức bằng con tàu điện - một trong những nét đặc trưng nhất của Hà Nội xưa, và của phố Hàng Bột nói riêng".
"Mọi thứ viết ra là máu thịt"
Ít ai biết, Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ là cuốn sách cuối đời của tác giả Hồ Công Thiết. Ông mất trước khi sách được in. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông chỉ kịp sửa những trang bản thảo cuối cùng với biết bao trăn trở.
Anh Hồ Minh Tuấn cho biết: "Những ngày cuối cùng, ông vẫn thường hỏi gia đình: Sách in xong chưa?". Câu hỏi của bố được nhắc mãi, khiến cho tôi cảm nhận được những tâm huyết, những chất chứa trong lòng bố về chuỗi ký ức với con phố Hàng Bột".
"Nhiều người viết khi trở lại quá khứ thường phải tìm kiếm tư liệu, thông tin. Thế nhưng đối với bố tôi, mọi thứ được viết ra là máu thịt, là chính những trải nghiệm mà bố đã có. Đó là những ký ức về những người hàng xóm, người chú, người anh, người em, rồi bạn bè của bố sống trên con phố Hàng Bột một thời" - anh chia sẻ thêm - "Vì thế, tác phẩm này giống như một sự tri ân, một lời cảm ơn mà bố dành cho tất cả những gì đã diễn ra xung quanh, giúp ông có được một cuộc sống, một ký ức thực sự đáng nhớ".
Cũng như nhà văn Châu La Việt viết trong lời giới thiệu sách: "Hàng Bột có Hồ Công Thiết. Những người yêu Hà Nội chúng ta có Hồ Công Thiết. Anh gắn bó suốt từ tuổi thơ cho tới nay với Hàng Bột, yêu con phố ấy đến mê man từng nóc nhà, từng ngõ hẻm để viết nên tập sách này. Anh hiểu về Hà Nội rất chi tiết, kỹ càng, và viết ra cũng chi tiết, kỹ càng, cuốn hút, ăm ắp những điều ai cũng yêu thích, cũng tò mò mà chưa mấy người viết ra".
Đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội
Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức được trao vào dịp 10/10 hằng năm, gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Việc làm, và Giải Ý tưởng.
Ở hạng mục Giải Tác phẩm năm nay có 4 đề cử chính thức:
1. Phố Hàng Bột, chuyện tầm phào mà nhớ của Hồ Công Thiết (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành).
2. Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của nhiếp ảnh gia người Mỹ William E. Crawford.
3. Cuốn Hà Nội chuyện xưa phố cũ (NXB Hà Nội) của Tạ Thu Phong.
4. Cuốn Hà Nội đây chứ đâu (NXB Hội Nhà văn) của Đỗ Đức.
Tags